Hoàn thiện hành lang pháp lý và ứng dụng công nghệ để quản lý thuế trong thương mại điện tử
Cục Thuế Tp.HCM cho biết. kể từ năm 2025 sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra tổ chức, cá nhân có doanh thu từ các sàn thương mại điện tử để tính thuế.
35 nghệ sĩ, người nổi tiếng tại Tp.HCM sắp bị kiểm tra về thuế
Theo Cục Thuế Tp.HCM, năm 2024, Cục Thuế Tp.HCM đã xử lý hơn 14.500 tổ chức và cá nhân với tổng số thuế truy thu và tiền phạt hơn 286 tỷ đồng, tăng 31% so với số thuế truy thu và phạt năm 2023.
Tới đây, Cục Thuế Tp.HCM sẽ thực hiện kiểm tra thí điểm về thuế đối với 35 nghệ sĩ và người nổi tiếng.
Năm nay, Cục Thuế Tp.HCM đã thành lập tổ công tác để rà soát danh sách các cá nhân nổi tiếng, nhà sáng tạo nội dung (như YouTuber, TikToker, KOC, KOL) và các cá nhân bán hàng qua hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube... nhằm kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về thuế.
Hiện nay, tình trạng trốn thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Nhiều cá nhân và tổ chức kinh doanh trực tuyến chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Quốc Cường, Đoàn Luật sư Tp.HCM nhận định, thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 và xu hướng chuyển đổi số. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã chuyển sang bán hàng qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Thực tế,với số lượng người tham gia đông đảo, việc quản lý và kiểm soát thuế trở nên khó khăn, đặc biệt với những người bán hàng cá nhân và không có địa chỉ kinh doanh cố định.
Phương thức trốn thuế phổ biến hiện nay là nhiều người bán hàng trên mạng xã hội chốt đơn qua điện thoại hoặc sau khi livestream, hướng dẫn khách khi chuyển khoản thanh toán không ghi nội dung liên quan đến hàng hóa mà ghi các nội dung khác như "cho vay", "trả nợ", "quà tặng" để tránh sự kiểm soát của cơ quan thuế.
Ngoài ra, một số người bán yêu cầu khách hàng trả bằng tiền mặt thay vì chuyển khoản để không lưu lại dấu vết giao dịch.
Ngoài ra, còn tình trạng người nộp thuế thiếu đăng ký và kê khai thuế. Nhiều cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh thương mại điện tử chưa đăng ký thuế, chưa khai nộp thuế đầy đủ, đúng quy định thông qua các hành vi gian lận.
Giải pháp để quản lý thuế, truy thu thuế hiệu quả
Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường, cần hoàn thiện khung pháp lý và ban hành các văn bản pháp luật cụ thể để quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trong đó, cần làm rõ trách nhiệm khai thuế và nộp thuế của các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến.
Các quy định cần minh bạch về nghĩa vụ kê khai thuế, yêu cầu tất cả các đối tượng hoạt động thương mại điện tử phải thực hiện kê khai và xuất hóa đơn điện tử. Hóa đơn điện tử cũng cần được liên kết trực tiếp với hệ thống cơ quan thuế để giám sát ngay lập tức các giao dịch.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng rất quan trọng. Cụ thể, có thể sử dụng công nghệ AI để phân tích dữ liệu từ các nền tảng thương mại điện tử, phát hiện các giao dịch bất thường hoặc doanh thu lớn không được kê khai.
Đồng thời, cần tích hợp dữ liệu lớn (Big Data) để so sánh thông tin doanh thu từ nhiều nguồn như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và tài khoản ngân hàng. Một cổng thông tin điện tử cũng nên được thiết lập để kết nối với các nền tảng thương mại điện tử, giúp các sàn giao dịch trực tuyến gửi báo cáo doanh thu của người bán định kỳ cho cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân, đặc biệt là thông qua việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức pháp luật về thuế cùng với các hậu quả pháp lý của hành vi trốn thuế.
Đồng thời, khuyến khích tinh thần tự nguyện tuân thủ, triển khai các chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức tự giác khai báo thuế, đồng thời áp dụng mức phạt nặng đối với hành vi vi phạm.
Cuối cùng, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm. Cần tập trung vào các cá nhân và tổ chức có thu nhập cao, như người nổi tiếng và các nhà bán hàng lớn trên các nền tảng trực tuyến.
Cơ quan thuế, ngân hàng, các sàn thương mại điện tử và nhà mạng viễn thông cần phối hợp chặt chẽ để truy vết dòng tiền và xác minh doanh thu của các cá nhân, tổ chức kinh doanh. Các ngân hàng cũng cần cung cấp thông tin về các tài khoản có giao dịch thường xuyên nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế.