HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI PHỤC VỤ KẾT NỐI, KHAI THÁC, BỔ SUNG LÀM GIÀU DỮ LIỆU DÂN CƯ

Luật Căn cước công dân (sửa đổi) là một trong năm dự án luật quan trọng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới đây (dự kiến khai mạc 22/5/2023). Một trong những mục đích quan trọng của dự luật là hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

Bộ Công an đã tiến hành cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho người đủ điều kiện cấp thẻ. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 bộ, ngành và 63 địa phương. Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động như: Kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ để xác thực số định danh cá nhân, căn cước công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân; kết nối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xác thực thông tin công dân; kết nối với Bộ Tư pháp để thực hiện cấp, hủy số định danh cá nhân cho trẻ em khai sinh; kết nối với Bộ Y tế để phục vụ rà soát thông tin tiêm chủng của công dân, phòng chống dịch Covid - 19; kết nối, xác thực với Tập đoàn điện lực Việt Nam phục vụ nghiệp vụ ngành điện; kết nối, xác thực với Ban cơ yếu Chính phủ phục vụ rà soát thông tin cán bộ cơ yếu; kết nối với Tổng cục thuế, Bộ Tài chính để xác thực thông tin công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân phục vụ làm sạch dữ liệu ngành thuế, nghiệp vụ ngành thuế; thử nghiệm thành công dịch vụ xác thực thông tin công dân tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân thông qua trục tích hợp quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung như: Hiện nay, công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe... Việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau được cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; …

Ngoài ra, các quy định của Luật Căn cước công dân về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân còn chưa được đầy đủ, bao quát;…

Do đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, cần thiết phải sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) mở rộng đối tượng áp dụng

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) mở rộng đối tượng áp dụng

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gồm 07 Chương 46 Điều, quy định về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Dự thảo Luật đã bổ sung một Điều về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người này.

Bên cạnh đó,dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật, gồm: Căn cước; cơ quan quản lý căn cước; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; danh tính điện tử; hệ thống định danh và xác thực điện tử; căn cước điện tử…

Quan tâm tới dự luật, một số ý kiến chuyên gia đánh giá cao sự cần thiết phải sửa đổi Luật Căn cước công dân. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các ý kiến đề nghị cần rà soát, hoàn thiện quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước nhằm đảm bảo quy định chặt chẽ, thuận lợi trong triển khai…

Theo TS.Nguyễn Thành Đông, Học viện Cảnh sát nhân dân, các quy định tại Chương II (Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước), Luật Căn cước đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới, theo hướng mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ, thông tin người dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung quy định về thu thập, cập nhật và quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và về mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

TS.Nguyễn Thành Đông nhấn mạnh, các quy định này phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền và nghĩa vụ của người dân trong đi lại, giao dịch, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Góp ý vào từng Điều, khoản cụ thể, TS.Nguyễn Thành Đông đề nghị, Khoản 1 - Điều 9 nên sửa thành “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, định mức kinh tế - kỹ thuật và được quản lý tập trung, thống nhất”. Quy định như vậy sẽ lôgic hơn và phù hợp với tên của Điều luật.

Ngoài ra, Khoản 5, nên bổ sung yêu cầu “chính xác” thông tin của người dân trong các lần thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin, nhằm nâng cao chất giá trị thông tin được thu thập, cập nhật.

Liên quan đến Điều 10: Thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đề xuất nên sửa tên điều luật thành “Thông tin của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”. Bởi đối tượng điều chỉnh của Luật căn cước bao gồm công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam….

Tại Điều 11: Thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đề xuất, tên điều luật nên lược bỏ cụm từ “kết nối, chia sẻ”, vì đây là một nội dung của khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Khoản 3 của điều này.

Đồng thời, tại Khoản 2, Điều 11 nên bổ sung, sửa đổi thành “Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia”, để phù hợp với quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 7, Nghị định 126/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

TS. Hoàng Thị Ngân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ

TS. Hoàng Thị Ngân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ

Nêu quan điểm về nội dung này, TS. Hoàng Thị Ngân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ cho biết, Điều 11 Dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, sử dụng thông tin và trình tự, thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Trung tâm dữ liệu quốc gia và cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin để giải quyết thủ tục hành chính.

Theo TS.Hoàng Thị Ngân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung; việc thu thập, cập nhật các thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là vấn đề liên quan đến quyền của cá nhân, tổ chức. Vì vậy, chỉ nên giao Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề đã rõ về nguyên tắc.

Liên quan đến quy định về thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 11), ông Ngô Quốc Thái, chuyên gia về định danh và xác thực điện tử kiến nghị, thông tin thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu dân cư nên lấy ưu tiên cao nhất từ nguồn cơ sở dữ liệu hộ tịch, do phần lớn các trường dữ liệu quan trọng hình thành danh tính của một cá nhân quy định trong điều 10 đều hình thành từ các hoạt động đăng ký hộ tịch của Bộ Tư Pháp.

Thông tin chưa có hoặc chưa đầy đủ hoặc chưa cập nhật thì phải được cập nhật và đồng bộ từ các hệ thống đăng ký dân sự (Khai sinh, khai tử, kết hôn, quốc tịch …) trước sau đó mới đến mức người dân tự cập nhật (chỉ các thông tin về điện thoại, thư điện tử).

Ngoài ra, chuyên gia về định danh và xác thực điện tử Ngô Quốc Thái cũng cho rằng, trung tâm dữ liệu hay trung tâm dữ liệu quốc gia là hạ tầng công nghệ phục vụ lưu trữ hay vận hành các hệ thống thông tin do vậy các cơ sở dữ liệu hay hệ thống thông tin không có kết nối hay chia sẻ dữ liệu với các trung tâm dữ liệu. Do đó, khái niệm này cần được phân biệt rõ ràng trong luật.

Dự thảo luật được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện dự luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75480