Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực hòa bình, hữu nghị
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tin tưởng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (LHHN) sẽ phát huy thế mạnh về tri thức, kinh nghiệm của đội ngũ người làm đối ngoại nhân dân để đóng góp có hiệu quả trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân.
Sáng nay (5/12), tại Hà Nội, LHHN đã tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019-2024 với chủ đề “Đổi mới mạnh mẽ, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai dự Đại hội.
Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức nhân dân ở Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Ngoài ra còn có 46 Đại sứ, đại biện lâm thời, đại diện Đại sứ quán các nước; đại diện 30 tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam cùng dự đại hội.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.
Tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch LHHN nhấn mạnh, Đại hội lần thứ VI LHHN được tổ chức trong lúc tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất phức tạp.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với thế và lực mới và những vận hội mới. Bối cảnh tình hình mới đặt ra những yêu cầu mới với công tác đối ngoại nhân dân và LHHN, một lực lượng nòng cốt của công tác đối ngoại nhân dân.
Ngay trước Đại hội, ngày 19/9/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của LHHN trong tình hình mới, khẳng định vai trò của LHHN và đề ra những định hướng quan trọng cho hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị trong thời gian tới.
Báo cáo chính trị của Đoàn Chủ tịch LHHN trình Đại hội VI nêu rõ: Với phương châm "Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả", Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên đã nỗ lực triển khai toàn diện các hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị đối với các đối tác nước ngoài, thiết lập quan hệ với nhiều đối tác mới; vận động, đấu tranh dư luận bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, LHHN cũng tham gia các diễn đàn, cơ chế đa phương để bảo vệ lợi ích đất nước cũng như góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức và hiểu biết quốc tế của quần chúng nhân dân; vận động viện trợ và tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài...
Cầu nối giữa Việt Nam và thế giới
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của LHHN và các tổ chức thành viên trong cả nước.
Thường trực Ban Bí thư cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến các tổ chức nhân dân, bạn bè quốc tế đã hợp tác, hỗ trợ Việt Nam, dành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ chí tình, hiệu quả trong suốt thời gian qua.
Theo Thường trực Ban Bí thư, trong gần 70 năm qua, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, LHHN và các tổ chức thành viên đã có những đóng góp và thành tựu to lớn đối với cách mạng nước ta, góp phần hình thành mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, thoát khỏi thế bị bao vây, cấm vận cũng như trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, LHHN và các tổ chức thành viên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới; duy trì và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước; nâng cao không ngừng uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.
Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư cho rằng cần tiếp tục mở rộng đa phương hóa, đa dạng hóa, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước.
Đồng thời, tranh thủ sự đồng tỉnh, ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước hết tập trung duy trì và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, các nước ASEAN, các địa bàn trọng điểm và một số trung tâm kinh tế-văn hóa quan trọng khác để góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, uy tín, hình ảnh quốc tế của đất nước, đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và phát triển.
LHHN phải là cầu nối để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thường trực Ban Bí thư cũng tin tưởng LHHN sẽ phát huy thế mạnh về tri thức, kinh nghiệm của đội ngũ người làm đối ngoại nhân dân để làm tốt hơn công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, đóng góp có hiệu quả trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng mong muốn LHHN chú trọng nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và chất lượng công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài; phát huy vai trò của Liên hiệp, góp phần bảo đảm hiệu lực quản lý và sử dụng có hiệu quả viện trợ phi chính phủ nước ngoài, phù hợp với ưu tiên của đất nước trong từng giai đoạn, phục vụ thiết thực, hiệu quả cho việc thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc đề ra.