Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về dự trữ Quốc gia
Ngày 12/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 305/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển dự trữ Quốc gia đến năm 2030, trong đó có quy định mức dự trữ Quốc gia một số mặt hàng chiến lược và thiết yếu đến năm 2030.
Giải đáp chính sách:
Hỏi: Tôi được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển dự trữ Quốc gia đến năm 2030, trong đó có quy định mức dự trữ Quốc gia một số mặt hàng chiến lược và thiết yếu đến năm 2030. Xin quý báo cho biết một số nhiệm vụ, giải pháp?
(Trần Hải Nam, huyện Đông Anh, Hà Nội)
Trả lời: Về câu hỏi của quý bạn đọc xin trả lời như sau:
Ngày 12/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 305/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển dự trữ Quốc gia đến năm 2030, trong đó có quy định mức dự trữ Quốc gia một số mặt hàng chiến lược và thiết yếu đến năm 2030. Theo đó, một số nhiệm vụ, giải pháp được nêu như sau:
1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về dự trữ Quốc gia bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, trong đó tập trung:
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Dự trữ Quốc gia và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành hoạt động dự trữ Quốc gia phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và phù hợp với thực tế tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao. Rà soát, hoàn thiện thể chế, hệ thống tổ chức bộ máy quản lý dự trữ Quốc gia đảm bảo phù hợp yêu cầu quản lý Nhà nước về dự trữ Quốc gia.
- Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ Quốc gia làm cơ sở cho việc quản lý chất lượng hàng dự trữ Quốc gia, đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả định mức chi phí nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ Quốc gia.
- Nghiên cứu xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích, huy động và quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội hóa dự trữ Quốc gia.
2. Tăng cường nguồn lực dự trữ Quốc gia
- Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách Trung ương, hàng năm ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước để tăng chi cho dự trữ Quốc gia; đồng thời huy động nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước; hợp tác với các Quốc gia, các tổ chức trong khu vực và trên thế giới để tìm kiếm sự hỗ trợ, liên kết trong lĩnh vực dự trữ Quốc gia.
- Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tập trung xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm về dự trữ Quốc gia; xây dựng kế hoạch mua bổ sung, mua bù hàng dự trữ Quốc gia, đảm bảo tăng dần về quy mô, về số lượng, đa dạng chủng loại hàng hóa đáp ứng theo mục tiêu đề ra.
- Xây dựng kế hoạch mua sắm các mặt hàng thiết yếu, chiến lược đưa vào dự trữ Quốc gia và kế hoạch bố trí dự trữ tại các địa bàn trọng điểm, các khu vực chiến lược trên cả nước để bảo đảm chủ động ứng phó nhanh, hiệu quả khi có tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra.
- Phát huy tốt sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dự trữ Quốc gia 5 năm, hàng năm và các nhiệm vụ dự trữ Quốc gia khác được giao.
3. Hoàn thiện danh mục hàng dự trữ Quốc gia:
- Định kỳ, hàng năm rà soát danh mục hàng dự trữ Quốc gia làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung danh mục hàng dự trữ Quốc gia và phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ Quốc gia cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn.
- Nghiên cứu dự báo của các cơ quan chuyên môn về tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh, quốc phòng để xây dựng, xác định danh mục hàng dự trữ Quốc gia phù hợp. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về hàng dự trữ Quốc gia phục vụ công tác đánh giá danh mục hàng dự trữ Quốc gia.
- Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ Quốc gia với các bộ, ngành quản lý lĩnh vực và các địa phương đánh giá, xác định các danh mục mặt hàng đưa vào dự trữ Quốc gia. Nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để hoàn chỉnh danh mục hàng dự trữ Quốc gia.
4. Đầu tư, xây dựng hệ thống kho và cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng dự trữ Quốc gia
- Tăng cường bố trí ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ Quốc gia theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các điểm kho dự trữ Quốc gia tập trung, đồng bộ, liên hoàn, an toàn, có quy mô, công suất đủ lớn và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại theo tiêu chuẩn kho dự trữ QSuốc gia; đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng đồng bộ, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành hoạt động dự trữ Quốc gia.
- Ban hành và thực hiện các quy định tiêu chuẩn kho dự trữ Quốc gia phù hợp với công nghệ bảo quản hàng dự trữ Quốc gia và đặc thù của mỗi loại hàng dự trữ Quốc gia.
- Đối với các bộ, ngành thực hiện thuê kho bảo quản: thực hiện theo các quy định về quản lý hàng dự trữ Quốc gia và quy hoạch kho dự trữ Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm an toàn, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng hàng dự trữ Quốc gia, chủ động, sẵn sàng xuất cấp đáp ứng yêu cầu mục tiêu dự trữ Quốc gia…