Hoàn thiện hệ thống pháp luật phải đi liền với tổ chức thi, hành pháp luật
Sáng nay 31/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Tiểu Ban xây dựng chuyên đề của Trung ương về 'Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam'.
Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cùng lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, và các bộ, ngành liên quan.
Chuyên đề Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là một trong 4 chuyên đề của Đảng đoàn Quốc hội trực tiếp thực hiện theo phân công của Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Báo cáo về một số nội dung dự kiến thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc nghiên cứu, xây dựng chuyên đề về “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” nhằm tiếp tục: củng cố, hoàn thiện lý luận về vị trí, vai trò của hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong điều kiện đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa;
Đồng thời đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật và kết quả tổ chức thi hành pháp luật; từ đó, làm cơ sở đề xuất các yêu cầu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, hoàn thiện báo cáo chuyên đề theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Trong đó, phương hướng đến năm 2030 cần tập trung vào “xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Tại cuộc họp, các thành viên Tiểu ban đã thảo luận về định hướng nội dung, kế hoạch, tiến độ, cách thức triển khai chuyên đề, đồng thời xác định quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm từng thành viên và thành lập Tổ biên tập của Tiểu ban.
Chủ tịch Quốc hội thống nhất phạm vi tập trung vào chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, có bao hàm nội dung về tổ chức thi hành pháp luật và đánh giá, đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.
Đồng thời, lưu ý tính kế thừa trong quá trình xây dựng chuyên đề, tận dụng tối đa kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp, cập nhật thêm, làm kỹ, làm rõ hơn các vấn đề đặt ra. Cùng với đó, cần nghiên cứu, kế thừa, phát triển các kinh nghiệm tốt, các giá trị chung mang tính phổ quát của quốc tế về nhà nước pháp quyền cũng như kinh nghiệm của các nước có điều kiện, hoàn cảnh tương đồng với nước ta.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, phạm vi chuyên đề cần tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đi liền với tổ chức thi, hành pháp luật và đánh giá, đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện quy trình lập pháp; tính kế thừa, tận dụng tối đa kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 48 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, để cập nhật làm rõ hơn các vấn đề đặt ra đồng thời có tham khảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng pháp luật của nhà nước pháp quyền...
Hiện nay một quốc gia đang phát triển, đi sau các nước phát triển, có lịch sử nhà nước pháp quyền lâu đời, Việt Nam có thể đón đầu bằng cách học hỏi được bài học thành công, tránh được thất bại, các “vết xe đổ”, học hỏi của các nước có chế độ xã hội tương đồng, và phải đi nhanh hơn, vượt lên trước các quốc gia khác, đồng thời không chủ quan, duy ý chí trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật, bám sát các định hướng lớn trong Văn kiện Đại hội Đảng 13. Chiến lược này cũng phải dự báo được các xu hướng phát triển gắn với bối cảnh trong nước, quốc tế ở tất cả các lĩnh vực, thích ứng nhanh với thực tiễn, từ đó thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Tiểu ban tập trung nghiên cứu, xác định rõ các vấn đề mới, có tính thuyết phục và xác định được trọng tâm, trung tâm, khâu đột phá trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật. Trong quá trình xây dựng chuyên đề, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các Tiểu ban; tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến theo hình thức phù hợp, nhất là các tọa đàm hẹp theo từng nhóm chuyên gia, nhóm vấn đề để thảo luận thật kỹ, thật sâu các nội dung của chuyên đề.
Là một nội dung thành phần thuộc Đề án Chiến lược xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền tới năm 2030, định hướng tới năm 2045, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổ biên tập cần phối hợp để hệ thống hóa và cung cấp tài liệu giúp Tiểu ban có cách nhìn tổng quan, gắn với các vấn đề liên quan của các chuyên đề khác.