Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thị trường bất động sản
Đoàn giám sát của Quốc hội 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023' do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì vừa họp phiên thứ nhất. Đây là nội dung giám sát tối cao của Quốc hội được cử tri và Nhân dân rất chờ đợi.
Theo chương trình nghị sự, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội mới xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về nội dung này, nhưng với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa, Đoàn giám sát đã sớm “bắt tay vào việc”, thảo luận để thống nhất một số vấn đề liên quan đến phân công trách nhiệm các thành viên Đoàn giám sát và việc tổ chức thực hiện các hoạt động của Đoàn nhằm triển khai hiệu quả hoạt động giám sát.
Thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Đây cũng là nhân tố góp phần đẩy mạnh huy động vốn đầu tư, thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu ngân sách nhà nước. Thị trường bất động sản được khơi thông sẽ góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường bất động sản thời gian qua cũng bộc lộ một số tồn tại. Các quy định hiện hành còn thiếu hoặc lỏng lẻo để thị trường bất động sản phát triển thiếu kiểm soát, không có quy hoạch, kế hoạch, chạy theo lợi nhuận, phong trào. Cơ cấu sản phẩm bất động sản không phù hợp, dư thừa bất động sản thuộc phân khúc cao cấp, thiếu bất động sản thuộc phân khúc trung bình và thấp để đáp ứng nhu cầu sử dụng của đại đa số người dân. Thị trường bất động sản đã có lúc rơi vào tình trạng “nóng”, “lạnh” bất thường, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế…
Do đó, việc Quốc hội giám sát tối cao về vấn đề này được cử tri và Nhân dân đánh giá rất cao. Giám sát nhằm đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra được đâu là những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, qua đó xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản. Cùng với đó là đánh giá công tác quy hoạch; việc triển khai các dự án bất động sản; tín dụng của thị trường bất động sản; các nguồn vốn tín dụng cho thị trường bất động sản; công khai, minh bạch thông tin về thị trường bất động sản. Giám sát để đánh giá tình hình sử dụng quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội… Điều quan trọng là, sau chuyên đề giám sát này sẽ rút ra bài học kinh nghiệm từ thực tiễn thi hành chính sách pháp luật thời gian qua. Từ đó, đưa ra được những đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, trong đó có những dự án luật đang được Quốc hội thảo luận cho ý kiến và xem xét thông qua vào thời gian tới.
Giám sát không phải là “bới lông tìm vết”, mà giám sát chính là để thấy được đâu là những khó khăn tồn tại, hạn chế để khắc phục, đâu là những mặt tích cực cần lan tỏa. Và điều quan trọng, yêu cầu cơ bản, xuyên suốt của việc giám sát là nhằm hoàn thiện cơ chế pháp lý đồng bộ và thực thi minh bạch thông tin thị trường bất động sản hiệu quả hơn. Điều này thể hiện tinh thần Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành. Bởi như chia sẻ tại cuộc tiếp xúc với cử tri quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng trước thềm Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thông tin, trong chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm tới sẽ giám sát vấn đề thị trường bất động sản và chính sách phát triển nhà ở xã hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Quốc hội thúc đẩy vấn đề này chính là hỗ trợ Chính phủ vì có những vấn đề ngoài thẩm quyền của Chính phủ, liên quan đến vấn đề pháp lý, cùng với quyết tâm chính trị thì phải có cơ sở pháp lý mới thực hiện được.
Quốc hội đồng hành với Chính phủ cũng từ những cuộc giám sát như vậy!