Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn
Chi bộ Vụ KHCN&MT đã khẳng định tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị vượt khó khăn; hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý KHCN xây dựng, đo lường và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD cũng như quản lý môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành Xây dựng.
Từ năm 2017 - 2020, Bộ Xây dựng đã triển khai xây dựng “Chiến lược phát triển KHCN ngành Xây dựng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển KHCN ngành Xây dựng nhằm phục vụ các mục tiêu chung của Chiến lược KHCN quốc gia, Chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH.
Chi bộ Vụ KHCN&MT đã nghiêm túc thực hiện Chiến lược phát triển KHCN của ngành Xây dựng, trong đó ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để hoàn thiện thể chế, trong đó có văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm kỹ thuật, hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn, định mức đơn giá trong phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.
Giai đoạn này, Bộ Xây dựng đã tập trung nguồn lực xây dựng dự thảo và trình Quốc hội thông qua Luật Kiến trúc 2019, sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng 2014 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9. Do vậy các đề tài giai đoạn này đã góp phần cung cấp các căn cứ để xây dựng các nội dung trong Luật, Nghị định và Thông tư.
Thực hiện chiến lược KHCN giai đoạn 2011 - 2020, trong các năm 2016, 2017, 2018 Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 đề án và 2 chương trình KHCN quan trọng gồm: Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng; Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình; Chương trình nghiên cứu xây dựng thực nghiệm công trình trên biển đảo; Chương trình nghiên cứu phát triển VLXD sử dụng tro, xỉ, thạch cao đã qua xử lý từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón và các cơ sở công nghiệp phát thải khác.
PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT cho biết: Trong các nhiệm vụ được giao, Chi bộ đã xuất sắc hoàn thiện Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Tiến hành khảo sát trong và ngoài nước để tổng kết các vướng mắc, bất cập của hệ thống quy chuẩn Việt Nam (QCVN), tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) trong các hoạt động xây dựng tại Việt Nam. Đồng thời, đề xuất định hướng dự thảo danh mục QCVN và bộ TCVN cốt lõi về xây dựng.
Đối với các nhiệm vụ thuộc Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình trong hoạt động xây dựng (BIM), Vụ được giao nhiệm vụ nghiên cứu đưa ra các hướng dẫn áp dụng BIM trong các công trình hạ tầng kỹ thuật, đánh giá công nghệ, giải pháp phần mềm cho việc triển khai hướng dẫn BIM công trình nêu trên; Các tiêu chí đánh giá áp dụng BIM cho công trình thí điểm, hướng dẫn áp dụng BIM cho các bộ môn kết cấu, kiến trúc... đang được triển khai nghiên cứu, hướng tới việc xây dựng tài liệu đào tạo cho các đối tượng trong ngành Xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng Mô hình thông tin công trình BIM.
Về Chương trình nghiên cứu xây dựng thực nghiệm công trình trên biển đảo, PGS.TS Vũ Ngọc Anh chia sẻ: Trong 9 nhiệm vụ được giao, có 4 nhiệm vụ còn lại kết thúc năm 2019 đang được triển khai đúng tiến độ. Hơn hết, một trong những điểm nổi bật nhất ở nhiệm kỳ vừa qua là tiến hành nghiên cứu tập trung về bê tông dùng cát biển, nước biển (đã được hướng dẫn quy trình thiết kế, thi công và nghiệm thu cho phép thay thế vật liệu bê tông thông thường). Nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ nhà lắp ghép bằng tấm bê tông nhẹ, cường độ cao cùng nghiên cứu đề xuất giải pháp xử lý chất thải nhà tiêu, nước thải sinh hoạt và chất thải rắn đã được áp dụng, phù hợp với cuộc sống của người dân trên đảo.
Đối với công tác đo lường, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD, Vụ tiếp tục phối hợp với Sở Xây dựng các địa phương tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động của các phòng thí nghiệm xây dựng trên địa bàn cả nước. Số lượng phòng LAS-XD đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thí nghiệm chuyên ngành xây dựng theo Nghị định số 62/2016/NĐ-CP lên tới 1.200 phòng thí nghiệm.
Đồng thời, Vụ cũng đã hoàn thành 18/20 nhiệm vụ được giao trong Chương trình nghiên cứu phát triển VLXD sử dụng tro, xỉ, thạch cao đã qua xử lý từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón và các cơ sở công nghiệp phát thải khác. Đến nay, Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành, ủy quyền cho các đơn vị liên quan ban hành được 17 tiêu chuẩn quốc gia, 2 tiêu chuẩn cơ sở; 7 chỉ dẫn, hướng dẫn kỹ thuật; 4 định mức kinh tế kỹ thuật về tro xỉ, thạch cao các nhà máy nhiệt điện, phân bón, đáp ứng yêu cầu để tái sử dụng làm VLXD, làm đường giao thông, san lấp mặt bằng.
Vụ KHCN&MT đã triển khai nghiêm túc, chặt chẽ công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, quản lý hệ thống đánh giá hợp quy, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD nhập khẩu, sản xuất và lưu thông trên thị trường nhằm bảo vệ sản xuất hàng hóa trong nước, ngăn ngừa hàng kém chất lượng đưa vào các công trình xây dựng. Theo đó, việc thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD bằng Quy chuẩn QCVN 16:2017/BXD đối với 6 nhóm hàng hóa (tổng số là 31 sản phẩm, hàng hóa) và quản lý sản phẩm, hàng hóa VLXD được sản xuất trong nước và được nhập khẩu theo quy định rõ ràng, công khai minh bạch.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khó lường và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường thì hàng năm, Vụ đều phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất VLXD tại các địa phương; Tổ chức tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 05/6 tại Văn phòng Bộ Xây dựng, tổng công ty và các đơn vị trực thuộc; tổ chức các lớp tập huấn phổ biến các văn bản, công cụ bảo vệ môi trường tại các vùng cho các đối tượng liên quan trên cả nước; chỉ đạo và đôn đốc việc thực hiện các quy định của Thông tư 02/2018/TT-BXD về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình, chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường các cơ sở sản xuất ngành Xây dựng.
Không chỉ vậy, nhằm triển khai Đề án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành sản VLXD, Vụ tiến hành một số hoạt động khảo sát, đánh giá chi tiết hiện trạng, đề xuất ứng dụng các giải pháp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tại cơ sở sản xuất vật liệu ốp lát; xây dựng và tăng cường hệ thống tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành sản xuất VLXD; nghiên cứu xây dựng cổng thông tin điện tử về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành sản xuất VLXD; tập huấn, phổ biến tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất VLXD (xi măng, kính xây dựng, sứ vệ sinh, gạch ốp lát)…
Với những thành tích đã đạt được, có thể khẳng định, Cấp ủy, Chi bộ đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Vụ trong việc chỉ đạo công tác của Vụ đáp ứng tốt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn 2017 - 2020 của Bộ Xây dựng giao. Chi bộ đã tham gia xây dựng và lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch công tác của Vụ và việc triển khai được bám sát với Chương trình hành động công tác đảm bảo đạt kết quả tốt nhất với tinh thần trách nhiệm cao.
Với quyết tâm đạt Chi bộ trong sạch, vững mạnh, ở nhiệm kỳ 2020 - 2022 tới, Bí thư Vũ Ngọc Anh nhận định: Trong nhiệm kỳ tới đây Vụ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chính trị, xây dựng Đảng để các cán bộ, công chức Chi bộ vừa phát huy năng lực bản thân, vừa hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn quan trọng. Mục tiêu của Chi bộ trong nhiệm kỳ 2020 - 2022 là tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển KHCN ngành Xây dựng giai đoạn 2021 - 2030. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống QCVN lĩnh vực xây dựng, tiếp tục xây dựng, nghiên cứu soát xét, bổ sung, chỉnh sửa và ban hành các quy chuẩn theo kế hoạch.
Nhiệm vụ trọng tâm là triển khai đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, hoàn thiện hệ thống QCVN lĩnh vực xây dựng và rà soát, bổ sung, ban hành các quy chuẩn theo đúng tiến độ.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/hoan-thien-he-thong-tieu-chuan-quy-chuan-286507.html