Hoàn thiện kết cấu hạ tầng - đột phá chiến lược thúc đẩy kinh tế phát triển
Trong 5 năm, tổng đầu tư toàn xã hội đã huy động đạt khoảng 80.836 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, cấp điện, nước, văn hóa xã hội và phát triển kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những nhiệm vụ đột phá chiến lược của tỉnh nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020 của tỉnh.
Mọi năm, cứ đến dịp Quốc khánh 2/9 được nghỉ dài ngày là gia đình chị Lan Anh, quận Hà Đông (Hà Nội) lại tất bật chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ, nhưng 2 năm gần đây, việc đi nghỉ lễ với gia đình chị trở nên đơn giản. Chị chia sẻ, chẳng cần phải đi đâu xa gia đình vẫn có thể hưởng Tết Độc lập ý nghĩa. Cả quê tôi và quê chồng đều ở Hòa Bình nên ngày lễ, Tết vẫn muốn trở về Hòa Bình cho đầm ấm. Trước đây, giao thông không thuận tiện, mỗi lần về quê cũng ngại, nhưng giờ thì dễ hơn nhiều, chỉ mất hơn tiếng chạy xe ô tô đường Hòa Lạc - Hòa Bình là đến TP Hòa Bình.
Thực vậy, với người dân TP Hòa Bình, câu chuyện "đi Thủ đô" giờ không còn khó khăn, vất vả như trước. Bắt một chuyến xe khách, chỉ hơn 1 tiếng sau đã có mặt tại Thủ đô. Ngược lại, ngày nghỉ cuối tuần, hay các dịp lễ, Tết, nhiều người dân Hà Nội lựa chọn Hòa Bình để nghỉ ngơi, tạm rời xa những ồn ào, náo nhiệt của thành phố. Bởi chỉ mất hơn tiếng chạy xe, họ đã có thể thoải mái tận hưởng không khí trong lành, ẩm thực độc đáo, văn hóa đặc sắc của quê hương Hòa Bình. Sự thuận lợi ấy, chính là nhờ kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh ngày càng được đầu tư. Theo báo cáo của ngành GTVT tỉnh, trong 5 năm, cùng với tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình, nhiều tuyến đường quan trọng của tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp, tạo tiền đề quan trọng kết nối giữa các vùng, miền như tuyến quốc lộ 6, đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, đường tỉnh 433 kết nối Hòa Bình - Đà Bắc, đường tỉnh 435, đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc; đường Hang Kia - Cun Pheo - quốc lộ 6. Sắp tới đây là tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu hứa hẹn đánh thức tiềm năng cho xã vùng cao Đà Bắc và tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình... Ngoài các tuyến đường trọng điểm, nhiều tuyến đường huyện và giao thông nông thôn cũng được sửa chữa, nâng cấp, với tổng số 10.446,8 km đường bộ được bê tông hóa, nhựa hóa đạt chuẩn, tăng 1.442,1 km so với đầu giai đoạn.
Cùng với kết cấu hạ tầng giao thông, có thể thấy các điều kiện hạ tầng như khu, cụm công nghiệp, hạ tầng lưới điện, thông tin liên lạc đã được đầu tư nâng cấp nhiều so với trước đây. Theo đánh giá của UBND tỉnh, đến cuối năm 2020, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài hơn 8.258 km, 2.216 trạm/2.254 máy biến áp, tổng dung lượng 2.028 MVA, hơn 99,7% dân số sử dụng điện lưới thắp sáng. Tỉnh cũng đã hoàn thành việc lập và công bố quy hoạch chi tiết 8 khu công nghiệp, 16 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.941,2 ha. Trong giai đoạn 2016 - 2020, đã bố trí 580 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, dung lượng lớn, tốc độ cao, độ phủ rộng tới tất cả các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị tập trung đã được đầu tư. Hiện, 100% địa bàn xã, phường, thị trấn phủ điện thoại cố định, sóng điện thoại di động.
Đồng chí Bùi Thị Thương, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Lạc cho biết: Nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua tại huyện Tân Lạc có thể khẳng định là cơ sở vật chất hạ tầng, nhất là vùng nông thôn, vùng cao có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân. Không chỉ giao thông thuận lợi tới tận trung tâm xóm, xã mà hạ tầng về điện lưới quốc gia, hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xóm cũng được quan tâm đầu tư.
Đó cũng là nhận định chung tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất giáo dục, y tế, văn hóa. Đến nay, toàn ngành Giáo dục có 8.635 phòng học, trong đó, 8.431 phòng học thuộc khối các trường mầm non, phổ thông (tỷ lệ phòng học kiên cố chiếm 84,6%) và 204 phòng học thuộc khối trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp. Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, các huyện, thành phố đều có nhà văn hóa, sân vận động, nhà thi đấu thể dục - thể thao; 82 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa theo tiêu chí của Bộ VH-TT&DL; 84% thôn, bản có nhà văn hóa, sân chơi thể thao.
Đồng chí Đinh Văn Dực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết:Nghị quyết số 121 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 xác định phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ đột phá chiến lược. Qua 5 năm, có thể thấy, kết cấu hạ tầng KT-XH là một điểm nhấn quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 121. Toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực để xây dựng hạ tầng kinh tế, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, hạ tầng liên vùng, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, điểm du lịch quốc gia. Chính vì vậy, bộ mặt đô thị vùng nông thôn có nhiều đổi thay, đồng thời tạo đà quan trọng để xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế phát triển.