Hoàn thiện 'khoảng trống' pháp lý về quyền trẻ em để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng
Thực hành tốt về quyền trẻ em sẽ giúp cho hàng xuất khẩu có nhiều lợi thế. Tuy nhiên hiện nay ở góc độ pháp lý vẫn còn một số điểm chưa phù hợp và cần phải hoàn thiện, trong đó có thể kể đến chế định liên quan đến lao động trẻ em...
Để lấp đầy “khoảng trống” pháp lý tắc về quyền trẻ em trong kinh doanh cần rà soát, sửa đổi các chính sách cho phù hợp với cam kết quốc tế. Đồng thời doanh nghiệp cụ cũng cần nâng cao nhận thức vấn đề.
Để xuất một số giải pháp để lấp đầy “khoảng trống” pháp lý này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw, cho rằng cần xem xét một số công ước của ILO mà Việt Nam chưa tham gia, qua đó thúc đẩy, nghiên cứu, gia nhập để thực hiện theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) về các quy định lao động. Bên cạnh đó, với một số quy định của pháp luật về lao động Việt Nam chưa tương thích với quốc tế thì cũng cần rà soát, sửa đổi một cách kịp thời.
Đơn cử như cần bổ sung danh mục các ngành nghề, công việc cấm sử dụng lao động trẻ em theo tiêu chuẩn mà ILO đã đưa ra tại Công ước số 182 về cấm và hành động ngay lập tức để xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất và Công ước số 138 về độ tuổi lao động tối thiểu như các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp (cày, bừa…).
Hay như việc cần làm rõ phạm vi công việc “trên tàu đi biển” bao gồm công việc đánh bắt hải sản và chế biến hải sản tại Mục 35 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 09/2020 để tránh việc người sử dụng lao động lợi dụng sự không rõ ràng trong quy định pháp luật để lạm dụng, bóc lột lao động chưa thành niên.
Dưới góc độ ngành dệt may - nơi sử dụng nhiều lao động, Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, đề xuất giải pháp trước tiên các doanh nghiệp phải chủ động nâng cao và nhận thức rõ rệt hơn thông qua việc xây dựng những bộ phận chuyên biệt, để thực thi những nội dung cam kết liên quan đến lao động, đặc biệt là lao động chưa thành niên.
Điều này cực kỳ cần thiết, bởi chuỗi cung ứng ngày càng trở nên minh bạch, hiệu quả, bền vững, chính vì vậy một trong những yếu tố là lực lượng lao động sẽ không chỉ tập trung phát triển về số lượng nữa mà còn phải phát triển về chất lượng lượng.
Vấn đề này càng có ý nghĩa hơn khi các nhà nhập khẩu ở những thị trường lớn như EU và Mỹ đang có những quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn đối với chuỗi cung ứng của mình, liên quan đến vấn đề về quyền trẻ em như những quy định mới về tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD) tại thị trường EU. Doanh nghiệp muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng cũng như muốn có nhiều đơn hàng hơn thì việc tuân thủ các quy định về lao động chưa thành niên là tất yếu.
Dưới góc độ chuyên gia quốc tế, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, cho rằng trẻ em là hiện tại và cũng là tương lai, các hoạt động kinh doanh không thể bền vững nếu không tính đến tác động đối với trẻ em.
Trẻ em phải là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của doanh nghiệp, các tác động và rủi ro cần được đánh giá một cách khách quan và hoạt động chính cần được xác định nhằm giảm thiểu những rủi ro và tạo ra tác động tích cực cho trẻ em. Điều này sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh và tính bền vững, sẽ giành được sự ủng hộ của các bên liên quan, đặc biệt là các nhà đầu tư, những người có ý thức xã hội và xem xét các rủi ro ESG và cách các doanh nghiệp kiểm soát rủi ro.
Với mong muốn nâng cao nhận thức của xã hội và đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này, mới đây, Thủ tướng đã ban hành Chương trình hành động Quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy Thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027. Trong đó, chương trình này nhấn mạnh tầm quan trọng và thúc đẩy việc thực hiện các kế hoạch hành động nâng cao vai trò của kinh doanh có trách nhiệm, tôn trọng quyền trẻ em trong các hoạt động kinh doanh.
Với vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, trong suốt những năm qua, VCCI và đối tác UNICEF đã phối hợp triển khai dự án Thúc đẩy Quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh (CRBP) trong doanh nghiệp tại Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp về quyền trẻ em thông qua hàng loạt các hoạt động hội thảo, tọa đàm; đào tạo, tập huấn chuyên sâu; phát hành các nghiên cứu, sổ tay về quyền trẻ em trong kinh doanh.
Trong đó, đặc biệt là 10 nguyên tắc về trẻ em trong kinh doanh đã được VCCI và UNICEF đúc kết, thống kê. Có thể kể đến như: việc xóa bỏ các lao động trẻ em trong tất cả các quan hệ kinh doanh; có các chính sách, biện pháp phù hợp để tạo việc làm bền vững cho lao động trẻ, cha mẹ; đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ an toàn với trẻ em, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; hỗ trợ trẻ em thông qua các sản phẩm và dịch vụ...