Hoàn thiện khung khổ pháp lý xử phạt tội phạm công nghệ thông tin, mạng viễn thông
Theo báo cáo Global Rick 2015 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (công bố tháng 2/2015), thiệt hại do tội phạm mạng gây ra cho nền kinh tế toàn cầu là hơn 445 tỷ USD/năm. Tình trạng tội phạm này cũng đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Mặc dù hành lang pháp lý quy định xử phạt tội phạm này đã có nhưng số lượng vụ án đưa ra xét xử vẫn còn ít. Bộ luật Hình sự 2015 đã sửa đổi, bổ sung thêm 10 điều luật để xử lý tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông (Điều 285-294), nhưng hiện đang tạm hoãn thi hành.
Hiện trạng tội phạm công nghệ cao tại Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an, từ năm 2010-6/2014, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên cả nước đã phát hiện và xác minh 11.476 đầu mối vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến yếu tố công nghệ cao với 3.220 đối tượng. Trong đó, 823 vụ việc và 1.990 đối tượng do C50 phát hiện; 450 vụ việc, 1.230 đối tượng do Công an các địa phương. Tổng thiệt hại do loại tội phạm này gây ra lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Báo cáo của Tập đoàn Bkav cho biết, trong năm 2015, virus máy tính gây thiệt hại đối với người dùng Việt Nam có giá trị lên tới 8.700 tỷ đồng, cao hơn so với mức 8.500 tỷ đồng năm 2014.
Theo Bkav, năm 2015, đã có 5.226 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 340 website của cơ quan chính phủ và tổ chức giáo dục. Ngoài ra, trong lĩnh vực an ninh mạng thống kê cho thấy, gần 14 triệu tin nhắn rác được phát tán mỗi ngày; 30% website các ngân hàng có lỗ hổng; có ít nhất gần 4.000 website của các cơ quan doanh nghiệp ở Việt Nam bị hacker xâm nhập chiếm quyền điều khiển.
Số lượng các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt là sự kiện tấn công mạng của tin tặc với Vietnam Airlines vào tháng 7/2016 làm gia tăng những quan ngại đến vấn đề an ninh mạng tại Việt Nam.
Cục An ninh mạng – Bộ Công An dẫn Báo cáo của hãng bảo mật Kaspersky và Symantec cho biết, Việt Nam được xếp đứng thứ 3 sau Nga và Ấn Độ về số người dùng di động bị mã độc tấn công nhiều nhất trên thế giới; Thứ 6 trên thế giới về số lượng địa chỉ IP trong nước được dùng trong các mạng máy tính ma tấn công nước khác; Thứ 7 trên thế giới về phát tán tin nhắn rác (giảm 1 bậc so tháng 11/2013) và đứng thứ 12 trên thế giới về các hoạt động tấn công mạng.
Theo số liệu của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, chỉ số An toàn thông tin Việt Nam 2015 - VNISA Index 2015 đạt 46,4%, tuy ở dưới mức trung bình 50% so với các nước nhưng so với năm 2014 thì đã có bước tiến rõ rệt, tăng 7,4%. Tuy nhiên, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc phải làm khi bối cảnh mất an toàn thông tin, nguy cơ chiến tranh thông tin ngày một hiện hữu.
Những điểm mới của Bộ luật Hình sự 2015 về nhóm tội phạm công nghệ thông tin và mạng viễn thông
Thứ nhất, bổ sung thêm và cụ thể hóa 5 tội danh mới về Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và mạng viễn thông xuất phát từ thực tiễn công tác đấu tranh, chống và phòng ngừa các tội phạm thời gian qua bao gồm: Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285); Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291); Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292); Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293); Tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294). Những tội danh mới bổ sung này được quy định cụ thể về dấu hiệu hành vi, hậu quả thiệt hại tính toán được cũng như chế tài xử lý tương xứng với tính chất và hậu quả gây thiệt hại của người phạm tội.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung lại 5 tội danh về tội phạm trong lĩnh vực CNTT và mạng viễn thông từ Điều 286-290 với việc bỏ dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”. Tuy nhiên, thực tế chưa xét xử được vụ nào, một phần là do bế tắc trong công tác giám định. Việc quy định cụ thể dấu hiệu hành vi và tính toán cụ thể hậu quả thiệt hại cụ thể (bằng số phút, số giờ; số tiền cụ thể…) giúp cho công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử được tiến hành nhanh chóng, kịp thời và chính xác hơn.
Thứ ba, tăng cường, mở rộng áp dụng chế tài phạt tiền là hình phạt chính áp dụng đối với nhóm tội phạm trong lĩnh vực CNTT và mạng viễn thông thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng (khung hình phạt đến 3 năm tù) hoặc nghiêm trọng (khung hình phạt từ trên 03 năm đến 07 năm tù) với mức phạt tiền thấp nhất là từ 20 triệu đồng đến mức cao nhất là 1,5 tỷ đồng.
Bộ Luật cũng đã sửa đổi tăng mức phạt tiền là hình phạt bổ sung tại 8/10 tội danh trong lĩnh vực CNTT và mạng viễn thông; bổ sung thêm quy định ”tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” do người phạm tội có được so với quy định trước đây.
Thứ tư, cụ thể hóa dấu hiệu hậu quả thiệt hại tại tất cả các tội danh qua các tính tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Thu lợi bất chính, gây thiệt hại (số tiền cụ thể); Làm lây nhiễm phương tiện điện tử hoặc hệ thống thông tin (số lượng người sử dụng cụ thể); Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (theo số phút, giờ hoặc số lần truy cập/24h; Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức (số giờ). Quy định này giúp cho cơ quan chức năng có thể tiến hành các thủ tục tố tụng, xác minh hậu quả thiệt hại một cách nhanh chóng, chính xác trong các giai đoạn tố tụng.
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về hậu quả thiệt hại tại khoản 2 liên quan đến ”Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 288) xuất phát từ thực tiễn diễn biễn phức tạp của loại tội phạm này thời gian qua cũng như hậu quả nguy hiểm do hành vi này mang lại như: Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Khoản 2 Điều 288 cũng bổ sung mức phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với người phạm tội so với quy dịnh cũ nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi của mình gây ra.
Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về ”tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” khi người phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện những hành vi: Lửa đảo trong thanh toán điện tử, kinh doanh đa cấp hoặc thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng không thuộc trường hợp của tội trộm cắp tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một số đề xuất, khuyến nghị sửa đổi
Bộ Luật Hình sự 2015 mới được Quốc hội hoãn thi hành từ 1/7/2016 vì có nhiều tranh cãi trong dư luận, trong đó có tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292). Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc duy trì điều luật này sẽ tạo rào cản lớn cho phát triển thương mại điện tử.
Vì vậy, cần phi hình sự hóa các hành vi cung cấp dịch vụ không đúng giấy phép đối với sàn giao dịch thương mại điện tử, trò chơi điện tử trên mạng, trung gian thanh toán và các dịch vụ khác, bao gồm: Trang thông tin điện tử, mạng xã hội, dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông. Điều luật này không phù hợp với cách thức kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt là các dịch vụ mới, các start-up trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Tương tự, về quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Chính phủ yêu cầu tất cả các website thương mại điện tử đều phải đăng ký. Việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi này là theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP với mức phạt 20-30 triệu đồng.
Các sàn giao dịch thương mại điện tử rất đa dạng trong đó có 3 loại chính: (i) Cho phép người tham gia đăng tin mua bán hoặc trưng bày giới thiệu sản phẩm; (ii) Sàn giao dịch trợ giúp các bên thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng; (iii) Sàn cho phép người tham gia nộp tiền vào một tài khoản có sẵn, thực hiện mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua tài khoản đó và có thể rút tiền ra.
VCCI khẳng định, trong các loại hình trên chỉ có loại thứ ba có thể lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Do đó, cần phân biệt rõ các loại sàn giao dịch thương mại điện tử và có chính sách hình sự áp dụng khác nhau. Ngoài ra, Điều 292 còn xác định yếu tố địa điểm, phương pháp, công cụ phạm tội là trên mạng máy tính, mạng viễn thông như thương mại điện tử, trung gian thanh toán, trò chơi điện tử trên mạng, các dịch vụ khác trên mạng.
Song, vẫn có 2 hành vi có thể được thực hiện không nhất thiết trên mạng là kinh doanh đa cấp và kinh doanh vàng tài khoản. Vì vậy, việc phân biệt này sẽ nảy sinh câu hỏi: Vì sao chính sách hình sự của Nhà nước lại phân biệt đối xử giữa kinh doanh trên mạng và kinh doanh không trên mạng. Ngoài ra, điều này đi ngược lại với chủ trương không hình sự hóa quan hệ kinh tế theo Nghị quyết 35-2016/NQ-CP và Hiến pháp năm 2013.
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, cơ quan soạn thảo vẫn giữ Điều 292 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông nhưng có nới lỏng hơn và nâng mức xử phạt tiền so với Bộ luật Hình sự 2015 với nhận thức đây đang là một hướng phát triển có tiềm năng và ngày càng có nhiều người tham gia, vì vậy pháp luật cần có cơ chế thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực kinh doanh này.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo điều kiện cho những người làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật thì cũng cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này mà vi phạm. Theo Bộ Tư pháp, những dịch vụ được nêu trong Điều 292 là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện và việc kinh doanh này nếu được thực hiện trên mạng máy tính, mạng viễn thông thì sẽ rất khó kiểm soát và dễ xảy ra vi phạm, số người bị hại có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn người.
Việc giữ Điều 292 là nhằm góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh trên mạng; bảo vệ những người làm ăn chân chính, đúng pháp luật, xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm pháp luật và thu lời bất chính lớn từ việc vi phạm đó, góp phần tăng cường sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, quy định của Điều 292 có phạm vi tương đối rộng và các từ ngữ sử dụng trong điều luật chưa thật sự phù hợp với các quy định liên quan của pháp luật chuyên ngành. Do vậy, cơ quan này nhận thấy cần phải sửa đổi, bổ sung theo hướng thu hẹp một cách hợp lý phạm vi xử lý hình sự về tội danh này, đồng thời điều chỉnh các quy định cụ thể trong điều luật cho phù hợp.
Do đó, dự thảo Luật sửa đổi đối tượng vi phạm là “người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật” thay cho cụm từ “không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung được cấp phép” với số thu lợi bất chính 100-300 triệu đồng, thay vì mức 50-200 triệu đồng như trước đó.
Mức phạt vẫn giữ nguyên từ 200 đến 500 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm như: Kinh doanh vàng miếng trên tài khoản (trước đó là kinh doanh vàng); Sàn giao dịch thương mại điện tử; Kinh doanh đa cấp; Trung gian thanh toán; Trò chơi điện tử trên mạng.
Riêng với điểm (e) của dự thảo, Bộ Tư pháp đưa ra hai phương án, một là bãi bỏ, hai là liệt kê cụ thể các dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Ngoài ra, Điều 292 sửa đổi còn quy định mức phạt tiền lên 0,5-1,5 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm với các hành vi thu lợi bất chính từ 300 đến dưới 500 triệu đồng, trong khi trước đó quy định ở mức từ 200 triệu đồng và giới hạn doanh thu từ 0,5 đến 2 tỷ đồng. Trong trường hợp phạm tội trong trường hợp thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt 1,5-5 tỷ đồng hoặc phạt tù 2-5 năm.
Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015 và sớm đưa những quy định về nhóm tội phạm CNTT và mạng viễn thông vào hiệu lực thi hành sẽ góp phần xử lý các hành vi vi phạm về nhóm tội phạm này được đầy đủ và triệt để hơn theo phương châm ”đúng người, đúng pháp luật”. Ngoài ra, những quy định xử lý người phạm tội còn có tác dụng phòng ngừa và ngăn chặn triệt để hành vi vi phạm và những lợi ích kinh tế có được do phạm tội mang lại.
Tài liệu tham khảo:
1. Học viện Cảnh sát nhân dân, 11/2014,”Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo”;
2. Luật An toàn thông tin 2015;
3. Bộ luật Hình sự 2015; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 (tháng 8/2016).