Hoàn thiện khung pháp lý toàn diện bảo vệ người tiêu dùng
Ghi nhận vai trò quan trọng và sự cần thiết của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã tập trung, quan tâm chỉ đạo, ban hành các định hướng, chủ trương, chính sách quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi và nâng cao vị thế của người tiêu dùng trong xã hội.

Tọa đàm trực tuyến “Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế”. (Ảnh: KIM DUNG)
Ngày 27/3, Ủy ban cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp Tạp chí Công thương tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế”.
Việc hoàn thiện chính sách càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh thương mại điện tử nội địa và thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển mạnh mẽ, nhiều thách thức đặt ra cho công tác bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trên môi trường mạng.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế”, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Bộ Công thương cho biết, việc hoàn thiện chính sách càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh thương mại điện tử nội địa và thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển mạnh mẽ, nhiều thách thức đặt ra cho công tác bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trên môi trường mạng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 là một dấu mốc quan trọng đánh dấu việc hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cùng với luật, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật đã được ban hành, đặc biệt còn có những văn bản hướng dẫn chuyên sâu đến từng vấn đề trong luật, như các chương trình về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng yếu thế, quy định đưa ra những danh mục sản phẩm hàng hóa phải đăng ký theo điều kiện Hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung,... Bên cạnh đó, Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng đã ban hành chương trình hành động thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Bộ Công thương chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: KIM DUNG)
Để thực thi hiệu quả khung pháp lý này, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin là một trong những trọng tâm cơ bản.
Năm 2025, chủ đề Bộ Công thương lựa chọn cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm”. Để lan tỏa thông điệp này, trong tháng 3, Sở Công thương các tỉnh, thành phố đã tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại địa phương, với hàng loạt hoạt động hưởng ứng thiết thực.
"Chúng tôi đang tiếp tục cố gắng ứng dụng nhiều hình thức đa dạng và phong phú hơn nữa để để có thể truyền tải thông tin đến người tiêu dùng, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, cụ thể, rõ ràng nhất", Đại diện Ủy Ban cạnh tranh quốc gia.
Về hợp tác quốc tế, Ủy ban cạnh tranh quốc gia một mặt hợp tác song phương với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của từng quốc gia như: Anh, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp…; mặt khác tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế như Mạng lưới thực thi và bảo vệ người tiêu dùng quốc tế (ICPEN), Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD),… qua đó trao đổi thông tin với các chuyên gia để có thể tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước đó, ngày 25/3/2025, tại Hà Nội, Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Bộ Công thương và Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng.
Hợp tác này nằm trong khuôn khổ Chương trình hội nhập kinh tế giữa Vương quốc Anh và ASEAN (Chương trình EIP) nhằm tăng cường cải cách, phát triển kinh tế và phát triển bền vững. Bản ghi nhớ sẽ là cầu nối để hai bên hợp tác trong việc nâng cao hành vi, kiến thức về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng và tăng cường công tác giám sát, thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.
Ngoài ra, hoạt động kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được quy định cụ thể tại luật và các nghị định liên quan mới được ban hành, để bảo đảm bao trùm được các hình thức vi phạm mới xuất hiện, cũng như mang tính răn đe đối với các đối tượng có ý định vi phạm.
"Như vậy chúng ta có một vòng tròn khép kín: từ khung pháp lý, từ việc tuyên truyền phổ biến, từ việc trao đổi thông tin trong khuôn khổ hợp tác quốc tế và cuối cùng là xử phạt nếu như phát hiện ra hành vi vi phạm. Chúng tôi rất mong, sau dấu mốc 1/7/2024 khi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực thì từ đây trở đi chúng tôi có thêm nhiều công cụ để có thể bảo vệ tốt quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng", bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương) nhấn mạnh.