Mùa gieo hạt!

Mùa đại hội cổ đông được ví như mùa gieo hạt, đặt nền móng cho những quyết định quan trọng của các doanh nghiệp cho một hành trình mới.

Đại hội đồng cổ đông thường niên là sự kiện được nhà đầu tư trông chờ và dành nhiều sự quan tâm

Đại hội đồng cổ đông thường niên là sự kiện được nhà đầu tư trông chờ và dành nhiều sự quan tâm

Kế hoạch, chiến lược rõ ràng

Năm nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (mã GEX), lên kế hoạch doanh thu tăng trưởng 11,5%, đạt 37.600 tỷ đồng, đây là mức doanh thu mục tiêu cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất được doanh nghiệp đặt ra ở mức thận trọng là 3.041 tỷ đồng, giảm 15% so với mức thực hiện năm ngoái (do không còn khoản lợi nhuận bất thường từ thoái vốn các dự án năng lượng tái tạo).

Gelex cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng ổn định trong các hoạt động kinh doanh cốt lõi, tìm kiếm cơ hội đầu tư lĩnh vực mới giàu tiềm năng, đồng thời tiếp tục triển khai các kế hoạch củng cố sức mạnh nội lực, nâng cao năng lực quản trị rủi ro trên toàn hệ thống và xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Các mảng kinh doanh chủ lực của Công ty bao gồm: thiết bị điện và vật liệu xây dựng, nước sạch, năng lượng, bất động sản và khu công nghiệp.

Để hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh năm 2025, Gelex đề ra kế hoạch cụ thể ở từng mảng cốt lõi.

Nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị “chốt” kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính mới, với kỳ vọng tăng trưởng, thích ứng linh hoạt với mọi thay đổi để bứt phá, mang lại “quả ngọt” cho cổ đông.

Với mảng thiết bị điện và vật liệu xây dựng, Gelex xác định sẽ tiếp tục mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để ra mắt các sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm xanh thân thiện với môi trường, hợp tác với đối tác nước ngoài nhằm mở rộng danh mục sản phẩm và phát triển thị trường xuất khẩu.

Với mảng năng lượng, Công ty tiếp tục nghiên cứu và thực hiện đầu tư có chọn lọc các dự án năng lượng tái tạo tiềm năng trong danh mục đang nghiên cứu phát triển.

Với mảng nước sạch, doanh nghiệp sẽ vận hành các nhà máy theo tiêu chí an toàn, tối ưu chi phí, tiếp tục đầu tư và hoàn thành đúng tiến độ dự án Nước sạch Sông Đà giai đoạn 2, nghiên cứu đầu tư các dự án cung cấp nước sạch tại các địa phương, các khu công nghiệp.

Ở mảng bất động sản và khu công nghiệp, doanh nghiệp sẽ phát triển quỹ đất tại nhiều địa phương thông qua các công ty thành viên, công ty liên doanh, phát triển triển các hình thức khu công nghiệp mới và các dự án nhà ở xã hội, phát triển quỹ đất cho dự án bất động sản thương mại, mở rộng đầu tư vào nhà xưởng xây sẵn, nhà kho xây sẵn.

Tại Công ty cổ phần Vicostone (mã VCS), doanh nghiệp nhận định, năm 2025, kinh tế thế giới sẽ bước vào bối cảnh hoàn toàn mới với nhiều yếu tố phức tạp và khó đoán hơn, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc liên tục điều chỉnh chiến lược kinh tế để bảo vệ lợi ích quốc gia. Không nằm ngoài xu thế này, Việt Nam đang thúc đẩy sự chuyển mình trong các ngành sản xuất để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng nói chung và ngành công nghiệp sản xuất đá nhân tạo nói riêng dự kiến đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh chung đó, Hội đồng quản trị Vicostone thận trọng lên các kịch bản hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng với tâm thế sẵn sàng thích nghi và tìm kiếm cơ hội.

Năm 2025, Vicostone lên kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản.

Kịch bản thứ nhất, đối với mục tiêu công ty mẹ, doanh thu là 4.962 tỷ đồng, tăng 23,7% và lợi nhuận trước thuế là 939 tỷ đồng, tăng 10,3% so với mức thực hiện năm 2024; đối với kế hoạch kinh doanh hợp nhất, mục tiêu doanh thu là 5.270 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.010 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 21,9% và 6%.

Kịch bản thứ hai, trong điều kiện các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội tác động theo chiều hướng không thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh, Công ty đặt mục tiêu công ty mẹ đạt doanh thu 4.411 tỷ đồng, tăng 10% và lợi nhuận trước thuế 904 tỷ đồng, tăng 6,2% so với mức thực hiện năm 2024. Đối với kế hoạch hợp nhất, mục tiêu doanh thu là 4.719 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 975 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 9,2% và 2,3%.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Vinamilk (mã VNM) bước vào năm 2025 với tinh thần “Luôn cầu tiến”. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho hay, năm ngoái, bối cảnh kinh tế vĩ mô biến động, sức mua trong nước giảm sút, thiên tai gây ra những khó khăn không nhỏ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng những nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn thể cán bộ, nhân viên đã giúp doanh nghiệp vững vàng vượt qua sóng gió, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, khẳng định vị thế dẫn đầu ngành sữa Việt Nam và vươn tầm quốc tế.

Hoạt động xuất khẩu năm 2024 của Vinamilk ghi nhận bước tiến vững chắc, doanh thu đạt 5.664 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2023. Động lực tăng trưởng không chỉ đến từ các thị trường truyền thống, mà còn từ các thị trường cao cấp như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Mỹ, nhờ phục vụ hiệu quả tệp khách hàng là Việt kiều tại các thị trường này. Công ty đã đẩy mạnh hợp tác với đối tác là một trong các thương hiệu sữa hàng đầu thế giới để mở rộng danh mục sản phẩm xuất khẩu, đồng thời nghiên cứu sản phẩm chuyên biệt cho thị trường Úc và New Zealand. Trong năm qua, mảng kinh doanh này đạt mức tăng trưởng hai con số và dự kiến có thể trở thành một trong những trụ cột xuất khẩu cho Vinamilk trong tương lai.

Năm 2025, Vinamilk tự tin sẽ hoàn thành phần lớn chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ 2022 - 2026, đồng thời tiến gần đến cột mốc kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm sau.

Cụ thể, Vinamilk tiếp tục mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Với thị trường trong trước, Công ty chú trọng xây dựng chính sách bán hàng và chuyển đổi số phù hợp với tình hình cạnh tranh, đồng thời cải tiến phương thức tiếp thị để gia tăng độ phủ cho các sản phẩm mới và niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm truyền thống.

Vinamilk xác định, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào sản phẩm và con người, mở rộng quy mô chuyển đổi số và ứng dụng sâu hơn các công cụ số hiện đại vào dự báo và ra quyết định kinh doanh.

Tái cấu trúc, mở rộng đầu tư

Theo Gelex, doanh nghiệp sẽ nghiên cứu, đánh giá và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư vốn, M&A tiềm năng, phù hợp với hệ thống, đồng thời tái cơ cấu danh mục đầu tư hiện hữu, tập trung nguồn lực vào các ngành hàng giàu tiềm năng.

Với Vicostone, doanh nghiệp có chủ trương nhận chuyển nhượng “Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nhựa Polyester không no có khả năng chịu bức xạ UV và bền thời tiết, ứng dụng trong sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh và vật liệu compozit khác” từ Công ty cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, nhằm chủ động về nguồn nguyên vật liệu sản xuất và tăng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh hóa chất.

Tại Vinamilk, bà Mai Kiều Liên thông tin, với sự tập trung lớn cho công nghệ, doanh nghiệp đã đạt được những bước tiến quan trọng trong hành trình chuyển đổi số, xây dựng một hệ sinh thái số toàn diện kết nối chặt chẽ từ khâu sản xuất, phân phối đến bán hàng và tương tác trực tiếp với nhà bán lẻ, người tiêu dùng. Mục tiêu cuối cùng là tối ưu mọi khía cạnh vận hành nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội và bền vững.

Hành trình chuyển đổi số của Vinamilk được triển khai bài bản qua 2 giai đoạn chính. Giai đoạn 1 (2023 - 2024) xây dựng nền tảng dữ liệu tập trung và các ứng dụng di động hỗ trợ bán hàng, giao hàng. Giai đoạn 2 (từ 2025 trở đi) mở rộng quy mô, tích hợp công nghệ tiên tiến và ứng dụng chuyển đổi số vào tất cả các phòng, ban.

“Những kết quả đầu tiên đã minh chứng cho sự thành công của chiến lược này, với hệ sinh thái tự động hóa lực lượng bán hàng, ứng dụng theo dõi giao hàng, ứng dụng Vinamilk B2B và thương mại điện tử đã đi vào sử dụng và hỗ trợ đắc lực cho vận hành, nền tảng quan trọng cho chu kỳ tăng trưởng mới của Công ty trong những năm tiếp theo”, bà Mai Kiều Liên chia sẻ.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/mua-gieo-hat-post366418.html