Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu ở Việt Nam

Chiều 2.8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Viện Konrad – Adenauer - Stiftung (KAS) Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề 'Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu ở Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt phát biểu

Tham dự hội thảo có đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, đại diện Bộ Tư pháp, các hiệp hội, chuyên gia…

Để ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo và tăng tính an toàn cho các ngân hàng, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa so với quy định hiện hành và mở rộng khái niệm người có liên quan. Theo đó, tỷ lệ sở hữu tối đa của cá nhân tại một tổ chức tín dụng giảm từ 5% xuống 3%, của tổ chức giảm từ 15% xuống 10% và của nhóm cổ đông có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, các giải pháp nêu trong dự thảo Luật chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn còn lại chứ không xử lý dứt điểm được tồn tại này.

Các đại biểu trao đổi về một số nội dung lớn của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Các đại biểu trao đổi về một số nội dung lớn của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Để ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng, một số ý kiến cho rằng, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải xác định được cá nhân/tổ chức là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Nói cách khác, khuôn khổ pháp lý cần thiết kế nhằm xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng đó, tức là làm minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại.

Nhiều ý kiến thống nhất với quy định về đối tượng người có liên quan tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo đó, tại điểm a, khoản 28, Điều 4 của dự thảo Luật đã quy định bao quát đầy đủ các đối tượng cá nhân có quan hệ huyết thống với nhau. Đồng thời, bổ sung đối tượng là công ty mẹ với công ty con của công ty con và ngược lại; tổ chức tín dụng với công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại; các công ty con của công ty con của cùng một công ty mẹ.

Đại diện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam phát biểu

Đại diện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam phát biểu

Đồng quan điểm, một số đại biểu cũng cho rằng, cần tổ chức lại hệ thống các tổ chức tín dụng, siết chặt kỷ luật của cơ quan quản lý hệ thống tài chính; tăng cường lực lượng thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng… Bởi, thực tế, lực lượng thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng hiện ít về số lượng, yếu về nghiệp vụ, đặc biệt là các nghiệp vụ liên quan đến quản lý dữ liệu, phân tích dữ liệu và cảnh báo sớm. Cơ quan thanh tra, giám sát cũng không có chức năng điều tra, xử lý ngay các vi phạm liên quan đến thao túng.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về sự cần thiết của can thiệp sớm và quản trị rủi ro trong quản trị ngân hàng; mức giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan; vai trò của Chính phủ, ngân hàng Trung ương trong hệ thống ngân hàng và vai trò của can thiệp sớm, quản lý rủi ro và quản trị ngân hàng- kinh nghiệm quốc tế.…

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt khẳng định, các ý kiến đều rất sát thực với các vấn đề lớn được đại biểu Quốc hội quan tâm, cũng như đang đặt ra cần phải giải quyết tại dự thảo Luật. Đây là nguồn thông tin hữu ích cho Thường trực Ủy ban Kinh tế và Ngân hàng Nhà nước trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, các viện nghiên cứu, chuyên gia, đại diện bộ ngành tiếp tục quan tâm, cung cấp thông tin, tham gia ý kiến với Thường trực Ủy ban Kinh tế trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất, có tính khả thi cao khi trình ra Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu tới.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/hoan-thien-khuon-kho-phap-ly-cho-cac-to-chuc-tin-dung-va-xu-ly-no-xau-o-viet-nam-i338699/