Để người dân không đổ xô tích trữ thực phẩm
Lo ngại ngập lụt dài ngày, những ngày qua nhiều người dân đổ xô tích trữ thực phẩm, đặc biệt là rau xanh, thịt, cá… Liệu Hà Nội có khan hiếm thực phẩm, sốt giá… là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm lúc này.
“Ngã ngửa” khi đi chợ ngày ngập lụt
Lo ngại lũ lụt sẽ gây thiếu lương thực, thực phẩm, nhiều người dân đổ xô đến các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh để tích trữ rau, củ quả, thịt, cá. Trước đó 1 tuần, khi cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ, cũng đã xảy ra tình trạng tương tự.
Ghi nhận tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, như: chợ Hà Đông, chợ Phùng Khoang, chợ Thành Công… sáng 13/9 cho thấy, các loại rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống vẫn khá dồi dào về số lượng và chủng loại.
Tuy nhiên, giá nhiều mặt hàng như rau, củ quả, thực phẩm tươi sống… đã tăng vọt. Trong đó, mặt hàng rau xanh ghi nhận mức tăng cao nhất, với mức tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường. Đáng nói, có nhiều thời điểm xảy ra tình trạng khan hàng.
Đơn cử như rau muống tăng từ 10.000 đồng/mớ lên 25.000 đồng/mớ, rau mồng tơi từ 8.000 đồng/mớ lên 15.000 đồng/mớ; rau ngót, rau dền từ 10.000 đồng/mớ tăng lên 20.000 đồng/mớ, bí xanh từ 20.000 đồng/kg tăng lên 40.000 đồng/kg… Ngoài rau xanh, các mặt hàng thịt, cá cũng tăng giá. Cụ thể, giá thịt lợn tăng dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg; trứng tăng khoảng 1.000 đồng/quả; cá tăng từ 10.000 đồng/kg…
Tại các siêu thị, dù giá bán hàng hóa tươi sống ổn định, tuy nhiên theo chia sẻ của nhân viên tại đây, vẫn có thời điểm “cháy hàng”, nhất là vào chiều tối. Tại khu vực thực phẩm thiết yếu mì tôm, gạo, trứng, sữa… có khá đông người dân mua hàng với số lượng lớn.
Tranh thủ vào chợ mua thức ăn sau khi đưa con tới tường, chị Nguyễn Thị Liễu (Láng Hạ, Đống Đa) giật mình khi thanh toán 1 túi rau, gồm rau muống, bí xanh, cà chua và 1 ít hành, mùi hết hơn 200.000 đồng.
Theo chia sẻ của chị Liễu, với số lượng hàng như này, ngày thường chị chỉ phải thanh toán chưa đầy 100.000 đồng. “Việc giá rau xanh, thực phẩm tăng sau mưa, bão đã thành tiền lệ lâu nay rồi. Nhưng tôi không nghĩ đợt này tăng cao đến vậy” - chị Liễu bày tỏ.
Lý giải nguyên nhân khiến giá rau xanh và thực phẩm tăng mạnh, đại diện tiểu thương ở chợ Hà Đông cho biết, do các vườn rau tại các huyện ngoại thành Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận bị ngập úng, hư hỏng nặng, nên nguồn cung khan hiếm, giá cũng bị đẩy lên cao từng ngày. Đối với các loại rau, củ nhập từ Lâm Đồng hay từ Trung Quốc cũng bị gián đoạn do bão lũ.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, gần 124.600ha lúa bị ngập úng, thiệt hại, tập trung nhiều tại Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên… Ngoài ra, có hơn 22.000ha hoa màu và gần 6.900ha cây ăn quả hư hại. Điều này đã khiến nguồn cung thực phẩm, đặc biệt là các loại rau củ trở nên khan hiếm, đắt đỏ.
Chia sẻ về nguồn cung hàng hóa vào siêu thị, Giám đốc thu mua Khu vực miền Bắc và miền Trung (AEON Việt Nam) Trần Thu Quỳnh cho biết, bão số 3 đã gây ảnh hưởng cục bộ đối với chuỗi cung ứng cho siêu thị, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống. “Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp, hỗ trợ nhà cung cấp để bảo đảm nguồn cung không bị đứt gãy với giá cả ổn định” – bà Trần Thu Quỳnh chia sẻ thêm.
Nhìn nhận thực trạng trên, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú – nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, việc khan hàng trong những ngày vừa qua là có, nhưng chỉ là cục bộ, trong một khoảng thời gian ngắn do người dân mua ồ ạt một lúc.
Còn về cơ bản, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, rau, củ quả trong dân không hề tăng. Sở dĩ xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá thời điểm mưa lũ là do người dân có tâm lý tích trữ sợ mưa lụt kéo dài.
Ngoài ra, ảnh hưởng của bão và ngập lụt cũng khiến nhiều diện tích rau màu, trang trại bị thiệt hại. Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá lo lắng mua thực phẩm tích trữ, điều này sẽ gây ra tình trạng khan hàng cục bộ, tạo cơ hội cho gian thương tăng giá bán.
Kết nối cung - cầu, linh hoạt trong lưu thông hàng hóa
Trong bối cảnh thiên tai diễn biến phức tạp, để đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngay cho người dân, ngoài nguồn rau, củ, thực phẩm trong nước, các cơ quan quản lý có thể xem xét linh động việc tăng lượng hàng thực phẩm nhập khẩu qua biên giới. Vấn đề quan trọng là cần kiểm soát tốt chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm sức khỏe người dân.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người dân trong những ngày ngập lụt, ảnh hưởng do bão số 3, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, giải pháp trước mắt hiện nay đó là cần phải làm tốt công tác dự báo và thông tin về nhu cầu, nắm được thông tin nguồn hàng và không ngăn sông cấm chợ.
Bảo đảm các chuỗi cung ứng rau, củ, thực phẩm tươi sống thuận lợi giao thương, không gây cản trở lưu thông hàng hóa. Bởi thực tế, hiện nay vùng rau màu tại các tỉnh miền Trung, miền Nam, Lâm Đồng… vẫn phát triển bình thường, không chịu ảnh hưởng mưa bão. Vì thế, chỉ cần giải quyết tốt bài toán “cung” gặp “cầu” thì sẽ tránh xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá ở các địa phương miền Bắc những ngày này.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng cần xắn tay vào hỗ trợ DN cung ứng, sản xuất hàng hóa được thuận lợi vay vốn bảo đảm hoạt động thông suốt. Còn các địa phương đang ảnh hưởng mưa lũ, vận động Nhân dân tập trung thu hoạch những diện tích rau màu có nguy cơ ngập lụt để cung cấp ra thị trường.
Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường phải tăng cường vai trò kiểm tra, kiểm soát việc các tiểu thương lợi dụng tăng giá bán quá cao các mặt hàng thiết yếu, từ đó có biện pháp xử lý. Ngành nông nghiệp cần bắt tay ngay vào sản xuất khi nước rút, trong đó ưu tiên những cây trồng, vật nuôi ngắn ngày.
Qua sự việc trên, chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng chỉ ra điểm yếu trong việc bảo quản, chế biến sâu, dự trữ các loại rau, củ, thực phẩm ở Việt Nam. “Thực tế, hiện nay chúng ta đang rất thiếu những kho lạnh dự trữ thực phẩm. Đa phần các DN chỉ mua đứt, bán đoạn, nên khi có thiên tai xảy ra, mới lúng túng trong nguồn cung thực phẩm” - chuyên gia Vũ Vinh Phú đánh giá.
Vì thế, giải pháp căn cơ lâu dài, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, các ngành nông nghiệp, công thương cần bắt tay nhau để xây dựng những kho hàng dự trữ, đẩy mạnh công nghệ chế biến sâu, sản xuất thực phẩm đồ hộp…
Thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm, rau, củ, quả, thực phẩm trên địa bàn Thủ đô trong đợt mưa bão số 3, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, ngành Công thương
Hà Nội đã yêu cầu các siêu thị, DN, nhà phân phối… tăng lượng dự trữ các mặt hàng thiết yếu, nên hiện nguồn hàng hóa trên thị trường vẫn bảo đảm.
Về phía Bộ Công Thương đã ban hành Công điện hỏa tốc tổ chức triển khai Tổ công tác tiền phương về cung ứng, điều tiết hàng hóa thiết yếu tại các địa phương chịu ảnh hưởng sau bão số 3 để trực tiếp nắm bắt tình hình thị trường, nhu cầu hàng hóa thiết yếu.
Đồng thời thực hiện điều tiết giữa các tỉnh, TP đang chịu ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, TP khác khi có đề nghị của địa phương, nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương chịu tác động của mưa, lũ.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Bùi Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo, người dân cần bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng chức năng trong việc khắc phục thiệt hại và mua nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên cho các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra.
Trong bất kỳ tình huống nào thì hệ thống siêu thị và chợ truyền thống sẽ bảo đảm đủ nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân. Người dân không nên hoang mang, lo lắng đổ xô đi tích trữ hàng hóa quá mức cần thiết, qua đó bảo đảm ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-nguoi-dan-khong-do-xo-tich-tru-thuc-pham.html