Hoàn thiện lý luận về xử phạt vi phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT

Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho rằng, kết quả hội thảo là cơ sở khoa học, thực tiễn quan trọng để Hội đồng lý luận Bộ Công an tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an tiến hành tổng kết thi hành Luật xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) trong CAND và đề xuất sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Chiều 20/9, tại Công an tỉnh Phú Yên, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) phối hợp Công an tỉnh Phú Yên tổ chức Hội thảo khoa học Hoàn thiện lý luận về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực an ninh trật tự (ANTT). Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp và Đại tá Phan Thanh Tám, Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu đến từ một số Cục nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Viện Chiến lược xây dựng lực lượng – hậu cần kỹ thuật CAND, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Chính trị CAND, Trường Đại học, Cao đẳng An ninh, Cảnh sát nhân dân của Bộ Công an cùng Công an một số tỉnh, thành phố.

Về phía địa phương có đồng chí Phan Thị Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cùng đại diện Công an các đơn vị, địa phương của tỉnh Phú Yên.

Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp – Bộ Công an phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hữu Toàn.

Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp – Bộ Công an phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hữu Toàn.

Ngoài những bài viết chuyên sâu của các chuyện gia, nhà khoa học gửi đến Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp – Bộ Công an, nhiều tham luận của các đại biểu trình bày tại hội thảo thể hiện tinh thần trách nhiệm nghiên cứu khoa học giữa lý luận và thực tiễn. Hầu hết các ý kiến cho rằng pháp luật về xử phạt VPHC là công cụ pháp lý hữu hiệu trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và lĩnh vực ANTT nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn VPHC, giữ vững trật tự kỷ cương xã hội.

Đại tá Phan Thanh Tám, Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: Hữu Toàn.

Đại tá Phan Thanh Tám, Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: Hữu Toàn.

Các quy định của Luật xử lý VPHC 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CAND là cơ sở pháp lý giải quyết, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn VPHC, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự - an toàn xã hội. Tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới và thực tiễn quản lý nhà nước về ANTT, một số quy định của Luật xử lý VPHC trở nên bất cập, vướng mắc, cần phải nghiên đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hữu Toàn.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hữu Toàn.

Các tham luận đã nêu ra một số vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật xử lý VPHC hiện nay như: quy định về thẩm quyền xử phạt VPHC lĩnh vực ANTT của CAND chưa thống nhất, đồng bộ dẫn đến khó khăn khi áp dụng; một số quy định về thời hạn, thời hiệu xử phạt VPHC, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, quy trình xác minh vi phạm, phối hợp giữa CAND với các lực lượng thẩm quyền khác trong xử phạt VPHC còn nhiều vướng mắc; một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật xử lý VPHC chưa thật sự hoàn thiện, khiến cho việc áp dung trong một số trường hợp còn lúng túng.

Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng trình bày tham luận. Ảnh: Hữu Toàn.

Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng trình bày tham luận. Ảnh: Hữu Toàn.

Mặt khác, khi kiện toàn tổ chức bên trong Công an đơn vị, địa phương theo Đề án số 19/ĐA-BCA ngày 10/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an đã làm thay đổi một số chức danh có thẩm quyền xử phạt VPHC, bên cạnh đó chủ trương xây dựng hệ thống Công an 4 cấp và mở rộng thẩm quyền Công an cấp xã đã đặt ra những yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về ANTT, trong đó có Luật xử lý VPHC.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về ANTT cũng đăt ra nhiều yêu cầu cấp thiết, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh các hành vi VPHC từ sớm, từ xa.

Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hữu Toàn.

Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hữu Toàn.

Đại tá Nguyễn Thái Hoàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hữu Toàn.

Đại tá Nguyễn Thái Hoàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hữu Toàn.

Đại tá Đồng Thị Hồng Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I trình bày tham luận. Ảnh: Hữu Toàn.

Đại tá Đồng Thị Hồng Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I trình bày tham luận. Ảnh: Hữu Toàn.

Kết quả hội thảo là cơ sở khoa học, thực tiễn quan trọng để Hội đồng lý luận Bộ Công an tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an tiến hành tổng kết thi hành Luật xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) trong CAND và đề xuất sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

“Sau hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, tham gia ý kiến góp phần hoàn thiện pháp luật về xử phạt VPHC gắn với các mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và mục tiêu xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Các ý kiến đóng góp tiếp tục gửi về Hội đồng lý luận Bộ Công an qua Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp” – Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết thêm.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/hoan-thien-ly-luan-ve-xu-phat-vi-pham-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-antt-i744673/