Hoàn thiện pháp luật trong xử lý cán bộ sai phạm

Trách nhiệm hiến pháp là một khái niệm ít được đề cập so với các loại hình trách nhiệm khác như trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự… Trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, việc làm rõ trách nhiệm hiến pháp là một giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Sai phạm liên quan đến lô đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM khiến ông Vũ Huy Hoàng bị cách hết tất cả các chức vụ

Sai phạm liên quan đến lô đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM khiến ông Vũ Huy Hoàng bị cách hết tất cả các chức vụ

Từ câu chuyện xóa tư cách nguyên bộ trưởng

Theo các chuyên gia, trên thực tế, miễn nhiệm, bãi nhiệm và cách chức đối với người giữ chức vụ cao cấp của Nhà nước… là những hình thức truy cứu trách nhiệm hiến pháp.

Theo Th.S Lưu Đức Quang (Giảng viên Luật Hiến pháp - Hành chính, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM), trường hợp xử lý kỷ luật cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là một ví dụ điển hình cho truy cứu trách nhiệm hiến pháp. Đây cũng là lần đầu tiên một cán bộ bị kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách giữ chức vụ nhà nước (tư cách nguyên bộ trưởng) sau khi đã nghỉ hưu.

Cụ thể, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên Quốc hội thông qua nghị quyết về việc phê phán nghiêm khắc đối với một cán bộ cấp cao và công khai trước nhân dân cả nước. Theo Nghị quyết 33/2016/QH14, Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016, trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn…

Ngày 21-1-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 344/NQ-UBTVQH14 về việc xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng. Theo đó, quyết nghị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Cùng ngày, Thủ tướng đã ký quyết định về việc thi hành kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016. Từ tiền lệ này, Thủ tướng sau đó đã ban hành nhiều quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên bộ trưởng, nguyên thứ trưởng nhiều cựu cán bộ mắc sai phạm.

Vai trò quan trọng của trách nhiệm hiến pháp

Biện pháp xóa tư cách giữ chức vụ nhà nước được quy định là hình thức kỷ luật trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 71/2023/NĐ-CP của Chính phủ). Tuy nhiên, có ý kiến đặt vấn đề về cơ sở pháp lý cho biện pháp kỷ luật những người đã nghỉ hưu, nghỉ việc; bởi khi họ không còn trong biên chế và cũng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì họ đã nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức.

Theo Th.S Lưu Đức Quang, biểu hiện của trách nhiệm hiến pháp là việc áp dụng các chế tài của pháp luật Hiến pháp, nếu không thì chỉ là trách nhiệm chính trị được tuyên bố bằng Hiến pháp. Đối với người từng giữ chức vụ nhà nước nhưng bị phát hiện sai phạm nghiêm trọng khi đã hết nhiệm kỳ hoặc về hưu, việc truy cứu và áp dụng trách nhiệm hiến pháp chính là cơ sở thấu đáo trả lời cho băn khoăn trên.

Nghiên cứu về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Cảnh Hợp (Trường Đại học Luật TPHCM) nhận định, trách nhiệm hiến pháp là một loại trách nhiệm pháp lý. Điều 119 Hiến pháp 2013 quy định mọi hành vi vi phạm hiến pháp đều bị xử lý. Về bản chất, xử lý vi phạm hiến pháp chính là truy cứu trách nhiệm hiến pháp. Trách nhiệm hiến pháp cũng phát sinh khi chủ thể phạm tội hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật khác. Điều này cũng giống như cán bộ, công chức nếu phạm tội hay vi phạm hành chính thì ngoài trách nhiệm hành chính còn phải chịu trách nhiệm kỷ luật.

Theo PGS-TS Nguyễn Cảnh Hợp, trách nhiệm hiến pháp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc bảo đảm nguyên tắc “Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý”. Khoa học pháp lý Việt Nam cần tập trung nghiên cứu về trách nhiệm hiến pháp, từ đó có các đề xuất khoa học thuyết phục nhằm nâng cao nhận thức về xử lý vi phạm hiến pháp, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan theo hướng đề cao trách nhiệm hiến pháp.

Khắc phục lỗ hổng trong vấn đề xử lý kỷ luật đối với cán bộ đã nghỉ hưu, nghỉ việc

Th.S Lưu Đức Quang nhận định, hiện nay việc đưa hình thức xóa tư cách giữ chức vụ nhà nước vào Luật Cán bộ, công chức như một biện pháp kỷ luật là chưa hợp lý, dẫn đến các băn khoăn, tạo dư luận không tốt. Vì vậy, cần quy định hình thức xóa tư cách giữ chức vụ nhà nước là một hình thức trách nhiệm hiến pháp vào các luật phù hợp như Luật Tổ chức Quốc hội hoặc Luật Tổ chức Chính phủ.

Việc này nhằm khắc phục lỗ hổng trong vấn đề xử lý kỷ luật đối với một số người từng giữ chức vụ nhà nước nhưng bị phát hiện sai phạm nghiêm trọng khi đã hết nhiệm kỳ hoặc về hưu; cũng như đảm bảo nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” trong công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay ở nước ta.

THÀNH TRỌNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hoan-thien-phap-luat-trong-xu-ly-can-bo-sai-pham-post745091.html