Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế
Chiều 30.8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ 'Hoàn thiện pháp luật giải quyết tranh chấp kinh tế góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia' tổ chức hội thảo 'Giải quyết tranh chấp kinh tế tại Việt Nam - Lý luận, thực tiễn và kiến nghị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia'.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, TS. Nguyễn Ngọc Sơn và Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Lê Hải Đường đồng chủ trì hội thảo.
Cùng dự có: Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; đại diện Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội; các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, đối với mọi nền kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia có mối tương quan mật thiết với môi trường kinh doanh. Giải quyết các tranh chấp kinh tế là đòi hỏi tự thân của các quan hệ kinh tế nhằm đáp ứng được những yêu cầu trong điều kiện nền kinh tế thị trường. Cụ thể là: nhanh chóng, thuận lợi, không làm cản trở và hạn chế các hoạt động kinh tế; khôi phục và duy trì các quan hệ hợp tác, tín nhiệm giữa các bên; giữ bí mật kinh doanh, uy tín của các bên trên thương trường; và kinh tế nhất (ít tốn kém nhất). Trên thực tế, mỗi phương thức giải quyết tranh chấp đều có những lợi thế, những khó khăn khi áp dụng.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nêu rõ, hoàn thiện và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật cũng như các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, giải quyết tranh chấp kinh tế hiệu quả không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy phân bổ nguồn lực một cách minh bạch, qua đó trực tiếp và gián tiếp nâng cao năng suất của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nền kinh tế có được phát triển bền vững hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực cạnh tranh quốc gia cao hay thấp cũng như môi trường kinh doanh và việc giải quyết tranh chấp kinh tế thuận lợi hay kém thuận lợi. Do vậy, vai trò của giải quyết tranh chấp kinh tế có vị trí đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận, làm rõ một số vấn đề lý luận về giải quyết tranh chấp kinh tế; bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia và khu vực; quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta hiện nay thông qua các phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế cơ bản; thực trạng giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta hiện nay; đánh giá những kết quả tích cực, những hạn chế, bất cập và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật trong giải quyết tranh chấp kinh tế góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Liên quan đến các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại, các đại biểu cho rằng, trong các phương thức tranh chấp, thương lượng là phương thức được lựa chọn nhiều nhất, vì đây là giải pháp mở đầu quen thuộc của nội bộ hai bên để giải quyết tranh chấp trước khi đưa tranh chấp ra cơ quan tài phán. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thương lượng của hai bên khó đạt được do nguyên nhân xảy ra tranh chấp chủ yếu là sự vi phạm nghĩa vụ của một bên mà bên còn lại khó có thể chấp nhận được dẫn đến tranh chấp, các bên trong quan hệ tranh chấp khó có thể bình tĩnh xem xét các vấn đề một cách khách quan.
Do đó, với định hướng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong Chiến lược cải cách tư pháp, việc hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại phải điều chỉnh được một cách toàn diện các quan hệ xã hội thuộc các lĩnh vực đời sống dân sinh như dân sự, thương mại, đầu tư, môi trường… Cùng với đó, khung pháp lý về giải quyết tranh chấp thương mại phải thống nhất, phù hợp giữa pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế.