Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thảo luận tại Tổ Kỳ họp thứ Ba về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các ĐBQH Đoàn thành phố Hà Nội đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, đối tượng áp dụng thực hiện dân chủ chưa phù hợp thực tiễn... Vì vậy, dự thảo Luật lần này là cơ sở pháp lý quan trọng hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Quan tâm hơn tới chế độ, chính sách cho thanh tra nhân dân

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH Đoàn thành phố Hà Nội bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân” với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và “thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở” được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Qua đó, tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ

Quang cảnh phiên thảo luận tổ

Đồng tình với các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, ĐBQH Tạ Đình Thi nêu rõ, Dự án Luật Thực hiện dân chủ tại cơ sở có ý nghĩa mở rộng và thực hành dân chủ tại cơ sở, mọi chính sách pháp luật, khâu tổ chức thực thi chính cũng từ cấp cơ sở, đây là nơi đưa các chính sách pháp luật đi vào cuộc sống và cũng là nơi đo lường hiệu quả của chính sách, pháp luật. "Tuy nhiên, chúng ta cần đánh giá tác động kỹ hơn, tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo và xung đột trong pháp luật. Đồng thời, cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong Dự án luật này", ĐB Tạ Đình Thi lưu ý.

ĐB Tạ Đình Thi cũng nhấn mạnh việc cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn đối với các quy định về thanh tra nhân dân. Theo đại biểu, do nội dung này được chuyển từ Luật Thanh tra sang, cần tiếp tục đánh giá tác động và việc tổ chức thực hiện trong thời gian qua để nhìn nhận rõ hơn về những hạn chế, nguyên nhân, từ đó có cơ sở để quy định cụ thể, bảo đảm tính đầy đủ và toàn diện của chế định thanh tra nhân dân. "Trong giai đoạn vừa qua, các quy định, chế tài cho thanh tra nhân dân chưa thực sự có hiệu quả như mong đợi, dẫn đến hiệu lực, tính khả thi của pháp luật còn hạn chế. Do đó, cần quan tâm hơn tới chế độ làm việc, chế độ chính sách, công tác đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ thanh tra nhân dân thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình", ĐB Tạ Đình Thi khẳng định.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Phi Thường nhất trí với việc quy định về thanh tra nhân dân trong dự thảo Luật, trong đó cần quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng để bảo đảm có thể thực thi trong thực tiễn. Quan tâm đến quy định về vai trò, trách nhiệm Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc làm nòng cốt để người dân thực hiện các quyền dân chủ ở cơ sở, ĐBQH Nguyễn Phi Thường cho rằng điều này hết sức quan trọng khi quy định rõ về quyền, trách nhiệm, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở thì mới dễ dàng thể chế và thực hiện theo đúng nguyên tắc định hướng của Nghị quyết Đại hội XIII - Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ.

Đề cao vai trò thanh tra nhân dân

ĐBQH Nguyễn Phương Thủy cho rằng, trước đây, thanh tra nhân dân được quy định thành một chương trong Luật Thanh tra. Thế nhưng, Luật Thanh tra chủ yếu quy định về các hoạt động của thanh tra trong lĩnh vực của Nhà nước, còn thanh tra nhân dân có bản chất là một hình thức giám sát của người dân tại cộng đồng, tổ chức ra tổ chức mang tính chất tự quản để thực hiện quyền giám sát của người dân đối với hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở cũng như là các tổ chức mà người dân tự quản, tự bầu lên như thôn, tổ dân phố...

"Thanh tra nhân dân là hình thức để người dân thực hiện quyền của mình tại cơ sở, do đó, trong Luật này nên có quy định để điều chỉnh chung đối với những hình thức tổ chức của người dân tại cơ sở. Mặt khác, cần tiếp tục khảo sát, đánh giá, đặc biệt là việc thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn cũng như tại các doanh nghiệp để các quy định của luật có tính khả thi cao hơn, bám sát yêu cầu thực tiễn hơn", ĐB Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.

Ngoài ra, các ý kiến tại buổi thảo luận tổ cũng tập trung vào các vấn đề liên quan phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở: xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp. Một số ý kiến cũng đã chỉ rõ thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế về nội dung, hình thức, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng thực hiện dân chủ chưa phù hợp thực tiễn; trách nhiệm bảo đảm thực hiện chưa cụ thể, thiếu chế tài. Một số ý kiến chỉ rõ vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và sáng kiến của Nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa được đề cao.

Phi Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/hoan-thien-phap-luat-ve-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-i291166/