Hoàn thiện pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Từ ngày 1-7 tới đây, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (DCƠCS) năm 2022 chính thức có hiệu lực. Luật được ban hành là cơ sở vững chắc cho thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; tiếp tục khẳng định và góp phần thực hiện tốt hơn, có hiệu quả phương châm 'Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng'.
Hiện việc thực hiện DCƠCS được quy định trong Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện DCƠCS ở xã, phường, thị trấn; Nghị định 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Luật Thực hiện DCƠCS quy định về nội dung, cách thức thực hiện DCƠCS, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện DCƠCS và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện DCƠCS được đánh giá có nhiều điểm mới mang tính bao quát, toàn diện.
Luật bao gồm 6 chương và 91 điều, trong đó quy định rõ quyền của công dân trong thực hiện DCƠCS. Đó là quyền được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật; Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện DCƠCS theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện DCƠCS theo quy định của pháp luật; Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong thực hiện DCƠCS theo quy định của pháp luật.
Điều 9 của luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện DCƠCS, có nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện DCƠCS; bao che, cản trở, trù dập hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; tiết lộ thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về hành vi vi phạm có liên quan đến việc thực hiện DCƠCS. Lợi dụng việc thực hiện DCƠCS để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Lợi dụng việc thực hiện DCƠCS để xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức. Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của công dân.
Việc Luật Thực hiện DCƠCS có hiệu lực góp phần hoàn thiện pháp luật về thực hiện DCƠCS nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.