Hoàn thiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trái phép

BÙI XUÂN THẮNG (Công an tỉnh Bình Phước)

TÓM TẮT:

Nhằm bảo đảm hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống các vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, việc xử phạt vi phạm hành chính được xem là một giải pháp hữu hiệu. Bài viết phân tích một số bất cập trong các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đồng thời đưa ra giải pháp hoàn thiện.

Từ khóa: Xử phạt vi phạm hành chính, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng.

1. Mở đầu

Ngày 3/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP để quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Theo quy định tại Chương III Nghị định số 33/2017/NĐ-CP thì vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng được quy định từ Điều 35 đến Điều 48. Tuy nhiên, phân tích kỹ nội dung các điều khoản trên trong Nghị định số 33/2017/NĐ-CP, tác giả phát hiện một số quy định còn bộc lộ nhiều thiếu sót, bất cập, từ đó làm phát sinh những khó khăn cho quá trình xử phạt trên thực tế.

2. Một số bất cập về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Thứ nhất, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng được quy định trong Nghị định số 33/2017/NĐ-CP chưa có sự thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”. Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính chỉ có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Tuy nhiên, theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng không chỉ là cá nhân, tổ chức, mà còn có thể là hộ kinh doanh.

Theo quy định tại Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015, “hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”. Như vậy, căn cứ vào chủ thể tạo lập, có thể chia hộ kinh doanh thành 3 loại: i. hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ; ii. hộ kinh doanh do một nhóm người làm chủ, iii. hộ kinh doanh do hộ gia đình làm chủ. Trong một số trường hợp, hộ kinh doanh có thể được hiểu là tổ chức chứ không đơn thuần chỉ là cá nhân. Chính vì vậy, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định xử phạt hộ kinh doanh giống như cá nhân là không hợp lý.

Thứ hai, quy định về việc áp dụng hình thức xử phạt “tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản” đối với một số hành vi chưa phù hợp, chưa có tính logic.

Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định các vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt chính là: (i) Cảnh cáo; (ii) Phạt tiền; (iii) Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 12 tháng. Ngoài ra, Nghị định này còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung gồm: (i) Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng; (ii) Đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 12 tháng; (iii) Tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính[1].

Việc quy định hình thức xử phạt phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm có ý nghĩa quan trọng trọng việc đấu tranh, phòng chống các vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, nghiên cứu về các hình thức xử phạt áp dụng đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tác giả phát hiện Nghị định số 33/2017/NĐ-CP vẫn tồn tại sự không logic trong việc xác định tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi khai thác khoáng sản trái phép làm vật liệu xây dựng để áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép có thể được áp dụng với tính chất là hình thức xử phạt chính (áp dụng độc lập) hoặc là hình thức xử phạt bổ sung (áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính) trong từng vi phạm cụ thể. Trong trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép được áp dụng với tính chất là hình thức xử phạt bổ sung thì hình thức xử phạt chính chỉ có thể là cảnh cáo hoặc phạt tiền[2]. Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định hành vi khai thác khoáng sản trái phép làm vật liệu xây dựng vừa bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo vừa bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản. Cụ thể, đối với hành vi “lập bản đồ hiện trạng mỏ, mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh nhưng thông tin, số liệu trên bản đồ, mặt cắt thể hiện không đầy đủ theo quy định và sai so với thực tế hiện trạng khai thác khoáng sản”[3], chủ thể vi phạm bị phạt cảnh cáo (hình thức xử phạt chính) và bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản từ 02 tháng đến 04 tháng (hình thức xử phạt bổ sung).

Đối chiếu với Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo”. Như vậy, hình thức xử phạt cảnh cáo chỉ được áp dụng khi thỏa mãn các điều kiện: i. vi phạm hành chính không nghiêm trọng; ii. vi phạm hành chính có tình tiết giảm nhẹ. Trong khi đó, theo Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì tước quyền sử dụng giấy phép được áp dụng đối với những vi phạm hành chính nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra là: khi đã xác định đó là hành vi vi phạm “không nghiêm trọng” để áp dụng cảnh cáo với tính chất là hình thức xử phạt chính, liệu hành vi đó có thể đồng thời là vi phạm “nghiêm trọng” để phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản hay không? Theo tác giả, đã có sự không chính xác trong việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm nên dẫn đến cách thiết kế chế tài không hợp lý như đã trình bày ở trên.

Thứ ba, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP chưa có hướng dẫn cụ thể để thi hành biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trái phép”.

Trong số các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản có một biện pháp đáng chú ý là “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính”. Theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP, biện pháp khắc phục hậu quả này được áp dụng đối với vi phạm hành chính về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trái phép có phát sinh số lợi nhuận bất hợp pháp để buộc chủ thể vi phạm phải nộp lại các khoản lợi này để sung vào ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả cho đối tượng bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP lại không có quy định nào hướng dẫn cụ thể cách tính giá trị “số lợi bất hợp pháp”, do đó gây ra rất nhiều khó khăn cho chủ thể có thẩm quyền khi áp dụng biện pháp này trong thực tế.

Nghiên cứu các nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn việc xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này, tác giả nhận thấy đa số các văn bản đều không có hướng dẫn cách xác định giá trị “số lợi bất hợp pháp”, hiếm hoi chỉ tồn tại một số văn bản có hướng dẫn về vấn đề này[4]. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, để hướng dẫn cách xác định số lợi bất hợp pháp do thực hiện vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, trong đó có hướng dẫn cụ thể cách xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Như vậy, có thể thấy trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, do đã có quy định hướng dẫn cụ thể thế nào là “số lợi bất hợp pháp” nên việc áp dụng biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính” trở nên dễ dàng. Trong khi đó, đối với vi phạm hành chính về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, vì chưa có quy định hướng dẫn cụ thể cách xác định “số lợi bất hợp pháp” nên việc giải quyết bài toán này là điều không hề đơn giản, dẫn đến việc áp dụng biện pháp này gặp nhiều khó khăn, gây lúng túng cho người có thẩm quyền xử phạt.

Thứ tư, sự hạn chế trong quy định về thẩm quyền gia hạn thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trái phép.

Hiện nay, quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như sau: “Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản. Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày”. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 lại bỏ ngỏ quy định về xác định chủ thể nào là “thủ trưởng trực tiếp” của người ra quyết định xử phạt để xin gia hạn.

Khắc phục thiếu sót trên, Điều 6e Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) giải thích: “Thủ trưởng trực tiếp của người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc theo quy định tại các Điều 66, 77, 125 và 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính là cấp trên trực tiếp trong quan hệ hành chính đối với người đang giải quyết vụ việc”. Mặc dù đã có quy định để “chữa cháy” như trên nhưng trong một số trường hợp xử phạt đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thì không xác định được chủ thể có thẩm quyền gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt nếu người có thẩm quyền xử phạt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Sở Công Thương, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương.

Về mặt pháp lý, với tư cách là “người đứng đầu hệ thống hành chính”, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 đã trao cho Thủ tướng Chính phủ quyền điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh[5]. Như vậy, có thể thấy trong mối quan hệ công tác thì Thủ tướng Chính phủ là “thủ trưởng trực tiếp” của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh[6]. Trong khi đó, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Sở Công Thương do Giám đốc các Sở bổ nhiệm[7], Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương[8] do Bộ trưởng các Bộ này bổ nhiệm[9]. Từ quy định này có thể xác định Giám đốc Sở là “thủ trưởng trực tiếp” của Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Sở Công Thương, còn Bộ trưởng là “thủ trưởng trực tiếp” của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chánh Thanh tra Bộ Công Thương. Tuy nhiên, quy định pháp luật về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ[10], Bộ trưởng[11] và Giám đốc Sở[12] lại không trao cho các chủ thể này thẩm quyền gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, câu hỏi đặt ra là các “thủ trưởng trực tiếp” kể trên có quyền gia hạn thời hạn xử phạt của cấp dưới trực tiếp hay không. Câu hỏi này đã không được trả lời rõ ràng trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 33/2017/NĐ-CP dẫn đến nhiều khó khăn khi thực hiện trong thực tế[13].

3. Kiến nghị hoàn thiện

Để khắc phục các bất cập trong quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trái phép, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, cần xác định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính một cách đồng bộ và chính xác. Như đã trình bày, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định xử phạt hộ kinh doanh giống như cá nhân là không hợp lý. Do đó, cần chuẩn hóa các quy định về đối tượng bị xử phạt trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 - đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh vấn đề xử phạt vi phạm hành chính. Trên cơ sở những sửa đổi đã nêu trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì Nghị định số 33/2017/NĐ-CP cũng cần có một số điều chỉnh thích hợp nhằm bảo đảm tính chính xác trong các quy định liên quan đến đối tượng bị xử phạt đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trái phép.

Hai là, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép. Tuy nhiên, thế nào là “vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép” lại không được quy định cụ thể. Nói cách khác, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã không đưa ra căn cứ nhằm xác định tính chất, mức độ vi phạm của hành vi[14]. Đây là một điều không hợp lý và cần được khắc phục trong tương lai. Theo tác giả, nhà làm luật cần hướng dẫn cụ thể thế nào là “vi phạm không nghiêm trọng”, “vi phạm nghiêm trọng”. Trên cơ sở đó, nhà làm luật sẽ thiết kế hình thức xử phạt phù hợp, tránh tình trạng xây dụng chế tài xử phạt mà bản chất có sự mâu thuẫn với nhau đối với một vi phạm hành chính về hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trái phép.

Ba là, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP cần bổ sung những quy định hướng dẫn cụ thể để áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng trường hợp nhất định, đặc biệt là cách xác định “số lợi bất hợp pháp” có được do thực hiện vi phạm hành chính.

Cuối cùng, cần bổ sung quy định cụ thể chủ thể nào là “thủ trưởng trực tiếp” của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; Chánh Thanh tra Sở Công Thương; Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chánh Thanh tra Bộ Công Thương làm cơ sở cho việc xác định chủ thể có thẩm quyền gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt. Đây là vấn đề rất quan trọng, không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận, mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn, nhằm áp dụng pháp luật thống nhất khi xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 Khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP.

2 Khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Hình thức xử phạt cảnh cáo và phạt tiền chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính”.

3 Khoản 3 và khoản 8 Điều 39 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP.

4 Xem Phụ lục số 03 - Bản tổng hợp những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính kèm theo Báo cáo số 172/BC-BTP ngày 11/7/2016 của Bộ Tư pháp về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 06 tháng đầu năm 2016.

5 Khoản 3 Điều 98 Hiến pháp năm 2013, khoản 7 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015.

6 Nguyễn Nhật Khanh (2019), “Hoàn thiện một số vấn đề pháp lý nhằm bảo đảm thi hành hiệu quả các quy định về Thủ tướng Chính phủ trong Hiến pháp năm 2013”, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, số 39.

7 Khoản 2 Điều 23 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: “Chánh Thanh tra Sở do Giám đốc Sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh”.

8 Khoản 2 Điều 17 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: “Chánh Thanh tra bộ do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ”.

9 Khoản 8 Điều 24 Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định Bộ trưởng có quyền “Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, đình chỉ công tác, khen thưởng, kỷ luật Phó Tổng cục trưởng và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu: vụ, cục, thanh tra, văn phòng, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ và phòng thuộc vụ (nếu có), phòng thuộc Thanh tra Bộ, phòng thuộc Văn phòng Bộ theo quy định của pháp luật”.

10 Điều 98 Hiến pháp năm 2013 và Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 không quy định quyền gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

11 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, Cơ quan ngang bộ không không quy định quyền gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Bộ trưởng.

12 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không quy định quyền gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Giám đốc Sở.

13 Cao Vũ Minh (2017), “Bất cập và hướng hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 6.

14 Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, tuy không có một điều khoản riêng quy định về tính chất, mức độ vi phạm của hành vi nhưng thông qua các quy định cụ thể thì vẫn có thể nhận thấy được điều này. Ví dụ: Điều 22 quy định: “Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng”. Điều 25 quy định: “Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề”. Điều 26 quy định: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”. Điều 66 quy định: “Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Báo cáo số 172/BC-BTP ngày 11/7/2016 của Bộ Tư pháp về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 06 tháng đầu năm 2016.
Nguyễn Cảnh Hợp (Chủ biên) (2017), “Bình luận khoa học Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012” (Tái bản lần thứ 1), Nxb Hồng Đức.
Nguyễn Nhật Khanh (2019), “Hoàn thiện một số vấn đề pháp lý nhằm bảo đảm thi hành hiệu quả các quy định về thủ tướng chính phủ trong Hiến pháp năm 2013”, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, số 39.
Cao Vũ Minh (2017), “Bất cập và hướng hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 6.

IMPROVING THE EFFECTIVENESS OF THE LAW ON SANCTIONING OF ADMINISTRATIVE VIOLATIONS FOR ILLEGAL CONSTRUCTION MINERALS EXPLORATION ACTIVITIES

BUI XUAN THANG

Police Department of Binh Phuoc Province

ABSTRACT:

In order to ensure the effectiveness of the fight against administrative violations in the field of minerals exploration, imposing sanctions on administrative violations is considered an effective solution. This paper analyzes some inadequacies of the law on sanctioning of administrative violations for illegal construction minerals exploration activities, thereby proposing a complete solution for this issue.

Keywords: Sanctioning of administrative violations, minerals exploration, construction minerals.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hoan-thien-phap-luat-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-doi-voi-hanh-vi-khai-thac-khoang-san-lam-vat-lieu-xay-dung-trai-phep-68919.htm