Hoàn thiện quy định để tránh lợi dụng hàng quá cảnh để buôn lậu
Tại buổi làm việc với Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia mới đây, Cục Hải quan TP.HCM đã nêu một số kiến nghị hoàn thiện các quy định nhằm quản lý, hạn chế tình trạng lợi dụng loại hình hàng quá cảnh để buôn lậu.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Phạm Quốc Hùng, thủ tục hải quan đối với hàng hóa thuộc loại hình quá cảnh (tờ khai vận chuyển độc lập) được quy định tại Điều 64, Điều 65, Điều 68 Luật Hải quan, Điều 43 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 2/1/2015; Điều 50, Điều 51, Điều 52 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 rất đơn giản, thông thoáng, do đó dễ bị doanh nghiệp lợi dụng trong khai báo, như khai báo các mặt hàng đơn giản không có giấy phép,…
Bên cạnh đó, các đối tượng cũng lợi dụng thành lập các doanh nghiệp "ma" để lấy pháp nhân thực hiện hoạt động buôn lậu.
Hiện nay, chế tài xử phạt còn nhẹ. Theo Điều 14 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ: Phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi quá cảnh chuyển khẩu hàng hóa, xuất cảnh… thuộc diện phải có giấy phép mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Từ thực tế trên, để hạn chế tình trạng lợi dụng loại hình quá cảnh để buôn lậu, gian lận thương mại, Cục Hải quan TP.HCM đề nghị, cần bổ sung thêm các quy định về doanh nghiệp được thực hiện thủ tục hàng quá cảnh, như: Các hãng tàu, đại lý vận tải có đăng ký vận tải đa phương thức;
Áp dụng việc sử dụng seal định vị đối với các lô hàng quá cảnh để thuận lợi trong việc kiểm soát tuyến đường, hàng hóa tránh được tình trạng các đối tượng buôn lậu thẩm lậu hàng hóa vào thị trường nội địa tiêu thụ.
Ngoài ra, cần có quy định việc điều chỉnh tên người nhận hàng tại Việt Nam sang tên người nhận hàng tại Campuchia đối với các lô hàng khi Hải quan đã có thông tin nghi vấn, vì quy định hiện nay không cấm việc điều chỉnh này nên đễ bị các đối tượng lợi dụng.
Đối với việc thành lập doanh nghiệp, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, việc xác minh doanh nghiệp tại địa chỉ đăng ký kinh doanh cũng rất khó khăn. Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Phạm Quốc Hùng, khi tra cứu tên doanh nghiệp trên hệ thống thông tin người nộp thuế thì vẫn đang hoạt động, nhưng khi đến địa chỉ đăng ký kinh doanh, cơ quan Hải quan phát hiện không có địa chỉ đó hoặc nếu có địa chỉ thì lại không có doanh nghiêp hoạt động…
Do đó, việc xác định chủ thể vi phạm là rất khó khăn khi doanh nghiệp cố tình né tránh cơ quan Hải quan, điều này gây khó khăn trong công tác triệt phá tận gốc và xử lý chủ hàng.
Từ thực tế này, Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị, cơ quan chức năng cần quản lý, theo dõi chặt chẽ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như cần xác minh trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Doanh nghiệp lợi dụng chính sách miễn kiểm tra hải quan, miễn áp tải trên lãnh thổ của nước ta cho quá cảnh để đánh tháo hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Chẳng hạn như lô hàng 180 cái Iphone thuộc tờ khai số 500055506943 ngày 17/9/2016 của Công ty TNHH vận tải thương mại dịch vụ Triệu Hiển đã “biến mất” trên đường vận chuyển;
Hoặc các đối tượng làm thủ tục xuất khẩu hàng bình thường, nhưng sau đó vận chuyển hàng quay ngược lại Việt Nam ngay sau khi vừa qua biên giới. Điển hình là vụ lô hàng thuốc tây thuộc tờ khai số 500083345940 ngày 3/5/2017 của Công ty CP giao nhận vận tải Con Ong vận chuyển quá cảnh qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài Tây Ninh đi Campuchia rồi quay ngược lại TP. HCM.
Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị, cần quy định về tiêu chuẩn của phương tiện vận tải chuyên chở hàng quá cảnh phải đảm bảo đủ điều kiện tiêu chuẩn niêm phong hải quan (kết cấu thùng xe, các khớp nối, bản lề..)…