Hoàn thiện quy định phòng, chống doping trong thể thao
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.
Thông tư 17/2015/TT-BVHTTDL là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống doping, đồng thời đã đẩy mạnh hơn nữa tính khách quan, công bằng trong thi đấu thể thao, góp phần xây dựng và phát triển một nền thể thao trong sạch.
Sau 5 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay Thông tư 17/2015/TT-BVHTTDL đã bộc lộ một số hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung. Công tác triển khai phòng chống doping trong hoạt động thể dục thể thao tại Việt Nam cần có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, phù hợp với sự phát triển của thể thao Việt Nam, đặc biệt là thể thao thành tích cao cũng như tại các giải thể thao: Đại hội thể thao quốc gia, các giải vô địch quốc gia và các sự kiện thi đấu thể thao quan trọng khác. Các đối tượng vận động viên - tài năng của thể thao Việt Nam cần được bảo vệ bằng các biện pháp phù hợp, tích cực, cụ thể và có kế hoạch kiểm tra doping thường xuyên, liên tục, đảm bảo đồng bộ, tính công bằng cho thành tích của tất cả các vận động viên, hướng tới một nền thể thao trong sạch, không doping.
Do đó cần thiết phải ban hành Thông tư cho phù hợp với tình hình thực tiễn và để bảo đảm cập nhật các quy định về phòng, chống doping trong Bộ luật phòng, chống doping thế giới được áp dụng từ 1/1/2021.
Việc xây dựng Thông tư để bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện công tác phòng, chống doping trong hoạt động thể thao trong giai đoạn mới, đồng thời thống nhất, đồng bộ với Bộ luật phòng, chống doping thế giới năm 2021 và hệ thống pháp luật hiện hành, từ đó, góp phần hướng tới đẩy mạnh xây dựng một nền thể thao trong sạch, công bằng và không doping.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 7 về thẩm quyền yêu cầu và đối tượng phải kiểm tra doping thường xuyên. Cụ thể, về thẩm quyền yêu cầu: Tổng cục Thể dục thể thao yêu cầu kiểm tra doping đối với mọi vận động viên; Ban tổ chức giải thi đấu thể thao yêu cầu kiểm tra doping đối với vận động viên tham gia giải đấu; Ủy ban Olympic Việt Nam, Hiệp hội Paralympic Việt Nam, Liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, đơn vị sử dụng vận động viên yêu cầu kiểm tra doping vận động viên thuộc quyền quản lý.
Đối tượng phải kiểm tra doping thường xuyên gồm: Các vận động viên tham gia thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc, giải Vô địch quốc gia; các vận động viên trọng điểm phải kiểm tra doping trong thời gian tập luyện.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung hành vi vi phạm Bộ luật phòng, chống doping thế giới là: Vận động viên hoặc bất kỳ cá nhân, tổ chức có hành vi kỳ thị hoặc trù dập người đã tố cáo việc sử dụng doping cho cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ trách nhiệm của Tổng cục Thể dục thể thao là đảm bảo vận động viên được tập luyện và thi đấu trong môi trường không doping và được thông tin đầy đủ về tác hại của doping.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.