HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ QUỸ BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA

Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là một phương thức xã hội hóa, nhằm tạo nguồn lực bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Theo nhiều đại biểu, dự thảo Luật Di sản (sửa đổi) cần tiếp tục hoàn thiện quy định về nội dung này để đảm bảo tính thống nhất, khả thi khi triển khai thực hiện.

THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI)

Quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình) - 01 trong 08 di sản văn hóa và thiên nhiên Việt Nam được UNESCO công nhận

Quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình) - 01 trong 08 di sản văn hóa và thiên nhiên Việt Nam được UNESCO công nhận

Nguyện vọng của những người làm văn hóa

Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích được đưa vào Danh mục kiểm kê, 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.621 di tích quốc gia, trên 11.000 di tích cấp tỉnh, 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận; 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm…

Không chỉ có vị trí quan trọng hàng đầu đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hệ thống di sản phong phú của Việt Nam còn đóng vai trò là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội, tạo nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Vì vậy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng công tác bảo tồn di sản. Ngân sách nhà nước hằng năm đều quan tâm cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích.

Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Còn nhiều di tích quốc gia bị hư hỏng qua thời gian, nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ. Việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh, thành phố còn thiếu tính đồng bộ, còn tâm lý trông chờ ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương… Thực trạng này đòi hỏi cần có một quỹ riêng có khả năng huy động những nguồn lực ngoài ngân sách để nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị các di sản.

Qua các cuộc khảo sát, giám sát, lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thời gian qua cho thấy, thiết lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là nguyện vọng của những người làm văn hóa.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, nếu Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được Luật hóa sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, có cơ chế, chính sách phù hợp yếu tố đặc thù trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, giúp giải quyết rất nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn di sản văn hóa hiện nay. Từ đó, các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa sẽ kịp thời và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, Quỹ này nếu được thành lập sẽ lấp những “khoảng trống”, điều mà những người đau đáu với việc bảo tồn di sản đang trông đợi. Đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều di tích đang xuống cấp và một số di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một.

Tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nội dung về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa đã được xây dựng và quy định tại Điều 90. Theo đó, Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ, bao gồm: (1) Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; (2) Thực hiện các công trình, hạng mục bảo tồn và phát huy giá trị di tích do nhà nước quản lý và đầu tư cho các công trình, hạng mục; thực hiện các công trình, hạng mục bảo tồn và phát huy giá trị di tích cụ thể theo yêu cầu của bên tài trợ; (3) Mua và đưa cổ vật, di sản tư liệu có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; (4) Mua và hoàn thiện các sưu tập di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có giá trị của Việt Nam cho các bảo tàng công lập.

Theo quy định của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ.

Điều 90 cũng nêu rõ: Quỹ có tư cách pháp nhân; có con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Kết thúc năm tài chính, số dư Quỹ (nếu có) được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục sử dụng cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, Quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; thực hiện việc lập dự toán, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán, quyết toán tài chính và thực hiện công tác kiểm toán theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai tài chính, công khai minh bạch kết quả hoạt động của Quỹ.

Về thẩm quyền thành lập, Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là cần thiết. Quỹ sẽ là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay. Nếu Quỹ được thành lập sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế để xã hội hóa tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Đại biểu Trần Văn Thức – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Trần Văn Thức – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Ủng hộ việc thành lập Quỹ, đại biểu Trần Văn Thức – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khẳng định, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách đầu tư cho văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng còn có nhiều khó khăn, hạn hẹp thì việc thành lập Quỹ này là hết sức cần thiết. Thực tiễn khi giám sát tại các địa phương đối với chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 cũng cho thấy, ngay trong cơ chế, chính sách bảo đảm cho các đơn vị thuộc ngành văn hóa cũng đang hết sức khó khăn. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là một trong những giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn lực đầu tư cho di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định

Mặc dù thống nhất với sự cần thiết của việc thành lập Quỹ, tuy nhiên các đại biểu đều cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan tới Quỹ này để đảm bảo tính khả thi, công khai, minh bạch, kỷ cương, không bị trục lợi… Theo đó, cần có những quy định rõ về nguồn thu, nhiệm vụ chi, và xác định các nhiệm vụ của Quỹ thực sự cấp thiết trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến lưu ý, nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài... Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ. Bởi vậy để đạt hiệu quả như mong muốn, cần phải đánh giá kỹ về tác động, tính khả thi của việc thành lập Quỹ và có các quy định cụ thể, phù hợp để bảo đảm hoạt động của Quỹ công khai, minh bạch. Đặc biệt là cần có cơ chế đặc thù để quản lý tài chính về thu chi, như: phí, lệ phí, kinh phí hỗ trợ, việc duy tu, sửa chữa… nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Theo đại biểu Trần Văn Thức, dự thảo Luật xác định đây là loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách với đầy đủ địa vị pháp lý để nhận diện một cách độc lập so với các loại quỹ khác; các nội dung liên quan đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 8 Điều 11 Luật Ngân sách nhà nước, đáp ứng được các yêu cầu Nghị quyết số 23 ngày 28/7/2021 của Quốc hội và Nghị quyết số 792 ngày 22/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, cần rà soát, sửa đổi nội dung và kỹ thuật trình bày tại khoản 4 Điều 90. Cụ thể, thay đổi nội dung quy định từ "nguyên tắc thành lập quỹ" thành "nguyên tắc hoạt động quỹ bảo tồn di sản văn hóa" để phù hợp với nội hàm, bao gồm từng nguyên tắc cụ thể được sắp xếp theo thứ tự riêng biệt. Đồng thời, đại biểu cho rằng, cũng cần xem xét và rà soát để bổ sung các nội dung có liên quan tới tổ chức và hoạt động của quỹ mà dự thảo Luật giao Chính phủ quy định theo khoản 6 Điều 90, vì hiện dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật chưa thể hiện được nội dung này.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh

Qua nghiên cứu nội dung này, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh cho biết, hiện khoản 1, 3, 5 Điều 90 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang quy định Quỹ này là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng. Ở Trung ương, Quỹ do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập và ở địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

Trong khi đó, hiện nay Luật Ngân sách nhà nước (số 83/2015) và Điều 12 Nghị định 163/2016 hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước không quy định về tư cách pháp nhân của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Do vậy, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, củng cố, làm rõ hơn cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý và mục tiêu của Quỹ để đảm bảo tính khả thi, thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước và các quy định khác có liên quan./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87765