Hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là cơ sở để Thành phố tạo những bước đột phá mới
Chiều 23/2, tại Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì Hội nghị.
Hơn 100 cuộc hội thảo, hội nghị triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô
Tham dự Hội nghị về phía thành phố Hà Nội còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Trần Sỹ Thanh; các thành viên Hội đồng thẩm định; các đồng chí Thường trực Thành ủy, UBND, HĐND và đại diện các sở, ngành của Thành phố...
Phát biểu đề dẫn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch thành phố Hà Nội được lập trong bối cảnh có những thuận lợi là chúng ta đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025; các quy hoạch ngành quốc gia (nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông, điện...).
Đặc biệt chúng ta có Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua. Đây là căn cứ, là cơ sở để thành phố Hà Nội xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn thông qua quy hoạch.
Bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” mà Thành phố cùng các bộ, ngành cần giải quyết như kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ... Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng muốn phát triển vững mạnh, Thành phố Hà Nội cần xác định rõ được những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã lưu ý một số nội dung đề nghị Hội đồng thẩm định xem xét kỹ lưỡng đối với bản Quy hoạch.
Báo cáo tóm tắt về quá trình tổ chức triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, công tác tổ chức triển khai lập quy hoạch được tiến hành khoa học, khẩn trương, nghiêm túc. Quá trình triển khai được thực hiện bài bản, khoa học, linh hoạt. Thành phố đã chỉ đạo xây dựng Đề cương định hướng trước khi triển khai lập Quy hoạch, lựa chọn các tổ chức, chuyên gia hàng đầu tham gia nghiên cứu, lập Quy hoạch đảm bảo đúng quy định.
Bên cạnh đó, tổ chức tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài nước, tranh thủ ý kiến các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng dân cư. Thành phố đã chủ trì và chỉ đạo tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo, hội nghị, làm việc triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô. Trong đó, có nhiều Hội thảo quy mô, có giá trị khoa học lớn.
Kết quả đến nay, cơ quan lập Quy hoạch cùng với Liên danh tư vấn đã hoàn thành các nội dung xin ý kiến các bộ, ngành (tháng 11/2023) và đã trình hồ sơ thẩm định Quy hoạch Thủ đô theo quy định (tháng 12/2023).
“Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nghiên cứu lập là 1 trong 3 nội dung quan trọng mà Thành phố tập trung quyết liệt trong năm 2023, cùng với Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đến nay, các dự thảo đều đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định nhằm triển khai thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị với tầm nhìn dài hạn và khát vọng phát triển trong tương lai, thể hiện “ước mơ xa, nghĩ lớn, giải pháp thông minh, hành động quyết liệt” của Thủ đô”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay.
Các trục sông Hồng, Cổ Loa - Tây Hồ là động lực đưa Thủ đô phát triển
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trân trọng cảm ơn những ý kiến tham gia góp ý sâu sắc và hết sức tâm huyết của các thành viên Hội đồng thẩm định, các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với sự nỗ lực của liên danh tư vấn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; đến nay Hà Nội đã cơ bản hoàn thành Hồ sơ quy hoạch với Báo cáo tổng thể trên 1.200 trang.
Nhìn chung, các ý kiến đều đánh giá Hồ sơ quy hoạch Thủ đô được lập công phu, khoa học, nghiêm túc; tích hợp các quy hoạch cấp quốc gia và có các định hướng phát triển vùng phù hợp với bối cảnh mới, đặc biệt về các xu hướng mới, các chủ trương của Đảng; cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo vệ môi trường. Các ý kiến cơ bản thống nhất với các đề xuất về quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển trong dự thảo quy hoạch.
Mặc dù vậy, hồ sơ quy hoạch vẫn còn có những điểm cần được tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, cập nhật để nâng cao hơn nữa về mặt chất lượng. Sau buổi họp Hội đồng thẩm định, Thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, nghiên cứu các góp ý của các Thành viên Hội đồng, ý kiến các chuyên gia, tổ chức, rà soát, chắt lọc, bổ sung để hoàn thiện tốt nhất bản Quy hoạch Thủ đô.
Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nêu một số nhiệm vụ trọng tâm. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện để làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong suốt quá trình lịch sử; tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể các tồn tại, hạn chế để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có các giải pháp phù hợp để phát triển.
Sắp xếp, phân bố các không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; rà soát các phương án quy hoạch để phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, phát triển kinh tế đô thị, giúp kinh tế Hà Nội có những bước phát triển đột phá trong giai đoạn tới, đồng thời nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống, gia tăng thu nhập cho người dân đô thị.
Bên cạnh đó, sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt là phương án phát triển trục sông Hồng - không chỉ là dòng chảy của những giá trị lịch sử, văn hóa bồi đắp cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội, mà còn là trung tâm phát triển của Thủ đô; phát triển trục Cổ Loa - Hồ Tây.
Xác định việc cấp bách cần ưu tiên tập trung thực hiện ngay là bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển hài hòa đô thị và nông thôn, hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cả khu vực đô thị và nông thôn; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các giải pháp để thực hiện Quy hoạch.
“Thành phố Hà Nội xác định còn nhiều việc phải làm để tổ chức bổ sung, hoàn thiện bản Quy hoạch Thủ đô với chất lượng tốt. Đồng thời, sau khi Quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Thành phố sẽ khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch, thực hiện ngay một số dự án, đề án quan trọng với quan điểm “quy hoạch không phải là một sản phẩm mà là một quá trình”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đóng góp ý kiến, GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội lưu ý, quy hoạch cần tạo không gian phát triển nhằm phát huy đầu tư công và dẫn dắt phát triển khối tư nhân. Quy hoạch phải lượng hóa được không gian phát triển, trong đó không chỉ là phát triển bất động sản mà phải xác định không gian phát triển các không gian mới để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, quy hoạch cần quan tâm ưu tiên đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên những trục lớn để thu hút đầu tư, hạ tầng về công nghệ, môi trường… Đặc biệt, cần có chiến lược đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cho các trường đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Đầu tư, bảo tồn không gian văn hóa truyền thống và không gian các công trình văn hóa mới nhằm thu hút du lịch.
Còn GS.TS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, bản Quy hoạch Thủ đô phải đưa ra giải pháp khắc phục bằng được các điểm nghẽn. Dứt khoát trong nhiệm kỳ này phải giải quyết được những bức xúc về hạ tầng như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường không khí, thiếu nước sạch… để Hà Nội thực sự là điểm đến, để yêu và là nơi đáng sống. GS.TS Lã Ngọc Khuê cho rằng, trong bản quy hoạch đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá phát triển, tuy nhiên, khuyến nghị Hà Nội cần ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng giao thông trong đó cần có đột phá về các tuyến đường sắt đô thị. Tạo lập đô thị theo mô hình phát triển đô thị, lấy giao thông công cộng làm trung tâm dựa theo mạng lưới đường sắt đô thị.