HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN TRONG TUYỂN DỤNG ĐỐI VỚI NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ

Báo cáo việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng cần hoàn thiện thể chế, đặc biệt là chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, sử dụng, thu hút nhân tài đối với người dân tộc thiểu số.

Báo cáo việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc còn gặp một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, hiện nay, số lượng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục dân tộc cần phải sửa đổi, bổ sung còn khá nhiều. Cùng với đó, một số văn bản có nội dung phức tạp, đối tượng chịu tác động nhiều, cần có thời gian khảo sát, nghiên cứu và tổ chức lấy ý kiến; một số văn bản thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần thống nhất với cơ quan có thẩm quyền về hình thức và nội dung; một số văn bản phải chờ văn bản cấp trên ban hành để làm căn cứ pháp lý.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng nêu rõ, theo quy định mới hiện nay, nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn trước đây đã không còn trong danh sách địa bàn vùng đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025 nhưng trên thực tế, các địa bàn này vẫn còn rất nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, đối tượng người học tại các địa bàn này không còn được hưởng các chính sách theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ

Lý giải nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc tham mưu ban hành các chính sách cho người dạy, người học ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn có bất cập về đối tượng, định mức, thời gian hưởng, phương thức hỗ trợ. Cụ thể như cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trường phổ thông có học sinh bán trú phải đảm nhiệm nhiệm vụ tương tự như trường phổ thông dân tộc bán trú nhưng không được hưởng phụ cấp; định mức hỗ trợ nhân viên phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú không phù hợp với tình hình thực tế…Bên cạnh đó, ngân sách phục vụ công tác soạn thảo, ban hành văn bản chưa tương xứng làm hạn chế khả năng nghiên cứu, phân tích chính sách và thu hút sự tham gia rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học. Kinh phí cho việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định còn thấp.

Từ những hạn chế, nguyên nhân trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cần tăng cường lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân có liên quan, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án, dự thảo; tăng cường làm việc chuyên gia, các nhà khoa học dưới các hình thức thích hợp. Tổ chức đánh giá tác động của việc soạn thảo, ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật để có kế hoạch soạn thảo, sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời.

Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc 2016-2021

Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc 2016-2021

Đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể để triển khai tốt hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ kiến nghị cần hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, đặc biệt là chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, sử dụng, thu hút nhân tài đối với sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số; chính sách thu hút nhân tài, trọng dụng, đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ và hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị có chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng người học tại địa bàn đặc biệt khó khăn trước đây nay không còn trong danh sách đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025.

Để kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất ban hành một số chính sách như: Chính sách ưu tiên trong xét tuyển, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho người dân tộc thiểu số học sau đại học trong và ngoài nước; chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em nhà trẻ người dân tộc thiểu số, con hộ nghèo tại các cơ sở giáo dục mầm non tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ cho người dạy và người học xóa mù chữ ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;…/.

Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=63159