Hoàn thiện thể chế để kiến tạo sự phát triển
Ngay khi năm mới 2024 mở cửa, giới làm phim nước ta đã có một tin vui: Cục Điện ảnh tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu cơ sở Đề tài nghiên cứu khoa học 'Quản lý phát hành, phổ biến phim trong cơ chế thị trường tại Việt Nam hiện nay'. Đề tài này do Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh làm chủ nhiệm.
Trên trang tin điện tử của Cục Điện ảnh ngày 2/1 cho biết, theo chủ nhiệm đề tài thì sở dĩ nhóm nghiên cứu chọn đề tài này để nghiên cứu là bởi xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn. Thực tiễn ấy tập trung vào 2 vấn đề trọng tâm:
Thứ nhất là về quản lý nhà nước đối với hoạt động phát hành, phổ biến phim (PHPBP) ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể: Mô hình tổ chức và cơ chế chính sách cho hoạt động PHPBP còn nhiều bất cập, hoạt động PHPBP có những khó khăn, thách thức; một số đơn vị PHPBP do nhà nước quản lý vận hành đang hoạt động không hiệu quả, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị xuống cấp; một số doanh nghiệp tư nhân chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế đơn thuần, coi nhẹ chức năng, nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội; xuất hiện một số bộ phim nhập khẩu có nội dung không lành mạnh, không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, bị dư luận phê phán; một số đơn vị PHPBP khác hoạt động kém hiệu quả, kém năng động, còn nặng về trông chờ, bao cấp.
Cùng với đó là nạn vi phạm bản quyền, chiếu phim lậu trên không gian mạng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời; thị trường PHPBP chưa được quản lý chặt chẽ; hệ thống PHPBP của nhà nước chưa được quan tâm đúng mức, đang có nguy cơ bị thu hẹp, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các bộ phim có chất lượng cao, đóng góp vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân còn hạn chế.
Thứ hai là về xu thế, trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng, kỹ thuật công nghệ, đường truyền Internet tốc độ cao, trang thiết bị nghe nhìn phổ biến (tivi thông minh, điện thoại, máy tính bảng, máy tính cá nhân...) cho phép một cá nhân có thể ngay lập tức tiếp cận các bộ phim trên không gian mạng một cách dễ dàng. Điều này đem lại những tác động tích cực, nhưng cũng có thể gây ra những tiêu cực hay nguy cơ trong đời sống kinh tế - xã hội.
Trong lúc đó, quản lý nhà nước đối với hoạt động PHPBP đòi hỏi thực hiện đồng thời cả hai nhiệm vụ, đó là vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước vừa là ngành kinh tế đem lại thu nhập cho đất nước. Vì vậy, hoàn thiện quản lý nhà nước đối với hoạt động PHPBP trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế là yêu cầu cấp thiết đề ra hiện nay không chỉ cho các nhà nghiên cứu mà còn có ý nghĩa thiết thực cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan lĩnh vực này.
Đề tài nghiên cứu này đưa ra 4 mục tiêu của quản lý nhà nước đối với hoạt động PHPBP, cụ thể: Phát triển đúng định hướng của Đảng; Nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; Bảo vệ lợi ích hợp pháp của những người sáng tạo ra các tác phẩm điện ảnh, doanh nghiệp PHPBP; Nâng cao hiệu quả kinh tế.
Như vậy, đề tài nghiên cứu này rất đáng để quan tâm, khi nhắm vào mục đích nâng cao công tác quản lý đối với hoạt động PHPBP. Nâng cao công tác quản lý nhưng cũng phải nâng cao hiệu quả kinh tế lẫn bảo vệ lợi ích hợp pháp của những người sáng tạo ra các tác phẩm điện ảnh, doanh nghiệp PHPBP. Đây là việc khó, nhưng không phải là không làm được.
Điều đặc biệt được dư luận quan tâm là đã nghe lãnh đạo Cục Điện ảnh nói thẳng ra một loạt những vấn đề… rất vấn đề trong công tác quản lý nhà nước đối với PHPBP mà lâu nay không phải ai cũng biết và cũng nói thẳng ra. Hoạt động PHPBP là một hoạt động đặc thù thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng và khá nhạy cảm về chính trị - xã hội; các quan hệ xã hội về PHPBP rất đa dạng, phong phú, phức tạp. Cho nên, khi công tác quản lý còn nhiều "lỗ hổng" thì vấn đề không chỉ nằm ở chuyện sống còn của chính hoạt động điện ảnh, mà còn nhiều hệ lụy lớn hơn đối với chính trị - xã hội.
Cũng ngay đầu năm mới, báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 cho biết, năm 2023 toàn ngành đã chủ động rà soát các "khoảng trống" trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để tham mưu đề xuất Chính phủ, Quốc hội nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước thông qua công cụ pháp luật, đồng thời "khơi thông" nguồn lực, "kiến tạo" sự phát triển.
Nhận định năm 2024 sẽ tiếp tục khó khăn, thách thức hơn năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi tham dự hội nghị này cũng đã yêu cầu không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, không chủ quan, lơ là, cũng không bi quan, lo sợ trước những diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức, mà phải tự tin hơn, bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hóa, sức mạnh nội sinh, sức mạnh con người Việt Nam để vững bước đi lên, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững.
Và chúng ta đặt sự kỳ vọng vào những nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác văn hóa trong năm mới 2024.