Hoàn thiện thể chế hạ tầng công nghệ phục vụ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số
Ngày 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình hai năm triển khai thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Cùng dự có Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban.
Trong hai năm qua, với sự chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt và sự sáng tạo, bản lĩnh trong tổ chức thực hiện, các mục tiêu của Đề án 06 cơ bản đạt được kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng vặt, tiết kiệm thời gian, công sức, tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, đã hoàn thành 5/5 văn bản pháp luật theo lộ trình Đề án 06, gồm: 1 Luật Căn cước, 2 Nghị định, 2 Thông tư. Ngoài ra, các bộ, ngành đã tham mưu ban hành Luật Giao dịch điện tử; Nghị định 104 sửa đổi, bổ sung một số điều của 19 Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng... tạo hành lang pháp lý để triển khai các nhiệm vụ quan trọng của Đề án 06.
Đã hoàn thành, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án số 06 và 13/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg, ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu đã được thực hiện toàn trình. Năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến các địa phương đạt 58,2% (cao hơn chỉ tiêu 40%); tại các bộ, ngành đạt 31,7% (chưa đạt chỉ tiêu 40%), riêng Bộ Công an đạt 75%. Nhiều thủ tục hành chính có tỷ lệ người dân trực tuyến cao như: Thông báo lưu trú (97%); Đăng ký cấp biển số xe ô tô lần đầu (80,5%); Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện (75,6%); Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (73%); Đăng ký tạm trú (87,3 3%); cấp hộ chiếu phổ thông (90,28%)... Việc thực hiện các dịch vụ công thiết yếu hàng năm đã tiết kiệm cho Nhà nước 2.505 tỷ đồng... Thu hút người dân tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, các bộ, ngành, địa phương đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, cung cấp các công cụ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời, thực hiện các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí phù hợp. Đã có 53/63 địa phương tham mưu với HĐND cấp tỉnh ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện vẫn còn 26 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình của Đề án 06 và theo lộ trình các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu tham luận chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực tế triển khai Đề án 06 ở địa phương, cơ sở; chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị, đề xuất các giải pháp khắc phục.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số là công việc khó, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó đạt được. Với Chủ đề là “Hoàn thiện thể chế hạ tầng công nghệ, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp”, năm 2024, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trong phạm vi quyền hạn của mình. Trong đó, Bộ LĐTB&XH đôn đốc 12 địa phương chưa thực hiện chi trả an sinh xã hội bằng hình thức không dùng tiền mặt phải khẩn trương áp dụng ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2024; phối hợp với Bộ Công an triển khai giải pháp chi trả an sinh xã hội qua VNeID tại sáu địa phương thí điểm (Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) trong tháng 01/2024 trước khi nhân rộng trên toàn quốc.
Giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để mua sắm, hiện đại hóa trang thiết bị đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin theo đúng quy định khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024.
Bộ Tư pháp chủ trì, tham mưu với Tổ Công tác rà soát văn bản pháp luật của Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất các phương án xử lý đối với 558 thủ tục hành chính chưa được thực thi theo 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp Bộ KH&ĐT hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu doanh nghiệp giữa Cơ sở dữ liệu Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính...