Hoàn thiện thể chế là động lực để tăng trưởng hai con số

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định năm 2025 tiếp tục phải thực hiện đổi mới và hoàn thiện công tác thể chế. Đây là một trong những động lực giúp tăng trưởng đạt kết quả cao.

Chiều 8/1, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ tháng 12/2024. Tại cuộc họp báo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời, làm rõ nhiều vấn đề, câu hỏi được báo chí và dư luận xã hội quan tâm.

Đặt mục tiêu cao cho các "đầu tàu tăng trưởng"

Trong đó, trả lời câu hỏi về triển vọng tăng trưởng năm 2025 và khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Đức Tâm cho hay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 7-7,5% cho năm 2025.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại cuộc họp báo.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại cuộc họp báo.

Trong bối cảnh tình hình mới, từ cuối tháng 12/2024, Thủ tướng đã có Công điện số 140/CĐ-TTg yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, lên các kịch bản tăng trưởng để trong năm 2025, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 8%. Trong điều kiện thực hiện thuận lợi, phấn đấu tăng trưởng 2 con số.

Trong đó, có đưa ra yêu cầu rất cao cho các địa phương "đầu tàu, động lực tăng trưởng" như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... Nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn con số đạt được của năm 2024 thì sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, với vai trò cơ quan tham mưu, Bộ KH&ĐT xác định năm 2025 tiếp tục phải thực hiện đổi mới và hoàn thiện thể chế, coi đây là một trong những động lực để tăng trưởng đạt kết quả cao.

Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mặc dù chúng ta phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao nhưng vẫn phải đảm bảo các yếu tố nền tảng của nền kinh tế vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát.

Về đầu tư, theo kế hoạch năm 2025, các bộ, ngành và địa phương sẽ phải thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư công khoảng 295 nghìn tỷ đồng, cộng với số chuyển tiếp của năm 2024 theo quy định của pháp luật khoảng hơn 300 nghìn tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh, nếu chúng ta giải ngân được hết số vốn này thì sẽ tạo động lực để thu hút các thành phần kinh tế khác, làm vốn mồi để thu hút, thúc đẩy tăng trưởng.

Theo kế hoạch của Chính phủ, Trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng sẽ được thành lập, vận hành trong 2025. Đây là cuộc chơi rất mới với cách thức mới để Việt Nam thu hút được thêm nguồn lực. Nếu triển khai thành công thì đây chắc chắn sẽ góp phần thu hút thêm nhiều nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế.

Năm 2025 cũng được xác định sẽ là năm thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện.

Theo đó, năm 2025 sẽ tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước, phấn đấu thu hút 120 - 130 triệu lượt khách du lịch trong nước và khoảng 20 triệu khách du lịch quốc tế. Đây sẽ là một trong những nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện 17 FTA đã ký kết, trong đó có thị trường hàng hóa Halal.

Một động lực tăng trưởng nữa được Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đề cập trong thời gian tới là tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị mới ban hành liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP về Quỹ hỗ trợ đầu tư. Nghị định quy định rõ các cơ chế hỗ trợ bằng tiền đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là chip và bán dẫn.

Ngoài ra, trong năm 2025, dự kiến sẽ có thêm 3.000 km đường cao tốc và 1.000 km đường ven biển được hoàn thiện. Nhiều dự án đường cao tốc sẽ được nâng quy mô từ 2 làn lên 4 làn và từ 4 làn lên đủ làn theo quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi

Tiền thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là hơn 1,9 tỷ đồng

Liên quan đến tình hình lương thưởng dịp Tết, tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho hay, năm 2024, tiền lương bình quân cả nước ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước có mức lương bình quân 10,91 triệu đồng/tháng. Lương của doanh nghiệp liên doanh là 8,1 triệu đồng/tháng và lương của doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 9,28 triệu đồng/tháng.

Về tiền lương, thưởng Tết Dương lịch năm 2025, do Tết Dương lịch gần ngay với Tết Nguyên đán nên nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tập trung cho Tết Nguyên đán. Theo đó, mức thưởng bình quân là 1,46 triệu đồng/người/tháng. Trong đó doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có tiền thưởng bình quân là 1,95 triệu đồng/người, doanh nghiệp liên doanh là 1,13 triệu đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2,01 triệu đồng. Mức thưởng Tết Dương lịch năm 2025 cao nhất là 1,8 tỷ đồng, thuộc vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phòng buôn bán thực phẩm tại TP. HCM.

Về thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng bình quân là 7,72 triệu đồng, tăng 13% so với thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 7,66 triệu đồng, doanh nghiệp liên doanh là 6,76 triệu đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 8,24 triệu đồng. Mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2025 cao nhất là 1,908 tỷ đồng, thuộc về vị trí quản lý cấp cao doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực điện tử công nghệ thông tin tại TP. HCM./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hoan-thien-the-che-la-dong-luc-de-tang-truong-hai-con-so-168260.html