Hoàn thiện thể chế là nền tảng cho chuyển đổi số
Trưa 15/9, trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, phiên thảo luận chuyên đề 1 về chuyển đổi số đã được tổ chức dưới sự chủ trì của ông Fakafanua, Chủ tịch Nghị viện Tonga, thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU (Liên minh Nghị viện thế giới).
Phát triển các nền tảng số quốc gia là giải pháp đột phá
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden, Hạ nghị sĩ Vương quốc Anh cho biết hiện nay thanh niên chiếm 50% dân số thế giới tuy nhiên chỉ 2,8% nghị sĩ ở nghị viện của các quốc gia là dưới 30 tuổi. Qua chia sẻ của các diễn giả tại Hội nghị cho thấy thanh niên hiện tiên phong trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp kinh tế…với sự đóng góp năng động, linh hoạt và hiệu quả.
Theo ông Dan Carden, cách những người trẻ nhìn thế giới, nhìn nhận các vấn đề khác với thế hệ khác nhưng dù là ai cũng đều phải có trách nhiệm để theo kịp với những thay đổi và phải tìm ra giải pháp thích ứng cho thay đổi nhất là trong hoạt động của nghị viện.
Trước thực tế nghị viện một số nơi chưa kết nối tốt với thanh niên, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden cho rằng nếu thanh niên không có cơ hội được thể hiện ý kiến thì nghị viện ngày càng xa rời người dân. Do đó, nâng cao năng lực thể chế, tạo ra cơ hội cho thanh niên được nói lên tiếng nói của mình sẽ giúp cho các nghị viện gắn kết chặt chẽ với cộng đồng và người dân.
Trước nhiều thách thức đang phải đối mặt liên quan đến công nghệ như tin giả, chia rẽ xã hội, chia rẽ chính trị…, ông Dan Carden đề nghị cần phải nâng cao nhận thức chung về sử dụng công nghệ hiệu quả hơn để giải quyết những thách thức trong xã hội và giúp các cơ quan lập pháp đưa ra quyết định đúng đắn vì sự phát triển.
Từ đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, đại biểu Lưu Bá Mạc phát biểu tại phiên thảo luận cho rằng, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra ở các quốc gia với các mức độ khác nhau cho thấy yếu tố nền tảng quan trọng nhất cho quá trình chuyển đổi số đó là phải hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc chuyển đổi số, đảm bảo tính bao trùm và phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, bao gồm thúc đẩy hạ tầng số, hệ sinh thái số, các giải pháp hiệu quả gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững và không bỏ lại ai ở phía sau.
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cần xác định việc xây dựng và thúc đẩy phát triển các nền tảng số quốc gia là giải pháp có tính đột phá. Nền tảng số là "hạ tầng mềm" của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng; càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn.
Cần có chính sách thống nhất toàn cầu về trí tuệ nhân tạo
Theo vị đại biểu Quốc hội Hàn Quốc, chuyển đổi số phải nằm trong tất cả các lĩnh vực, không chỉ có công nghệ mà cả trong đời sống xã hội, kinh doanh và xây dựng thể chế để thúc đẩy phát triển và đưa ra dự báo trong tương lai. Bên cạnh đó, trong quá trình này cũng đối mặt với những thách thức mới như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa…
Hiện nay, Hàn Quốc đã thông qua luật về Luật Trí thuệ nhân tạo và robot để làm khung khổ cho lĩnh vực này. Tuy nhiên với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, robot, trí tuệ nhân tạo, Hàn Quốc nhận thấy cần phải có được trách nhiệm giải trình lớn hơn, nhất là trước những quan ngại về an toàn trước robot hay xe tự lái… Do đó cần có quy định pháp luật, thiết lập khuôn khổ pháp lý phù hợp để giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực này.
Nhấn mạnh tiềm năng của công nghệ số là không giới hạn và vai trò của hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực chuyển đổi số, đại biểu Hàn Quốc cho rằng các nghị sĩ trẻ cần linh hoạt hơn áp dụng công nghệ số, xã hội số để có các quy định phù hợp trong luật. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm của các nghị sĩ với hiện tại và tương lai.
Toàn cảnh phiên thảo luận trưa ngày 15/9
Liên quan đến trí tuệ nhân tạo, ông Brando Benifei, thành viên Nghị viện Châu Âu cho hay, đạo luật về trí tuệ nhân tạo là nỗ lực đầu tiên trên thế giới trong việc định hướng tác động của trí tuệ nhân tạo đối với mọi mặt đời sống.
Hiện nay, các quốc gia thuộc Nghị viện Châu Âu đang thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến đạo luật, tập hợp những cách làm tốt đã có trong thực tiễn để giảm thiểu các rủi ro, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh tận dụng tốt trí tuệ nhân tạo mà hạn chế được rủi ro từ công cụ này. Nghị viện Châu Âu muốn đưa những bài học kinh nghiệm thành quy định pháp luật, hướng đến việc bảo vệ người dân, người lao động trước vấn nạn lạm dụng thông tin bằng trí tuệ nhân tạo.
Tuy mỗi người, mỗi nước đều có góc nhìn, cách tiếp cận khác nhau, nhưng cần thiết tạo ra một ngôn ngữ chung, hiểu biết chung trong vấn đề trí tuệ nhân tạo, để có những quy định nhất quán, chung nhất về vấn đề này, để các nước có thể cùng nhau đối phó được các thách thức pháp lý mà trí tuệ nhân tạo đang tạo ra, ông Brando Benifei nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Nghị viện châu Âu, điều quan trọng là có chính sách tổng thể ở cấp toàn cầu để giảm thiểu rủi ro từ trí tuệ nhân tạo. Có ý kiến cho rằng, nếu không cẩn thận, thì trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến sự diệt vong của nhân loại. Do đó, cần có nhiều thảo luận sâu sắc hơn trên quy mô toàn cầu về vấn đề này, để sự phổ biến của hệ thống trí tuệ nhân tạo không dẫn tới viễn cảnh mất kiểm soát. Ông Brando Benifei hy vọng các bên sẽ có hợp tác chặt chẽ để hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể phục vụ tốt cho lợi ích của nhân loại.
Đảm bảo nguồn lực để xây dựng cộng đồng số
Theo Thượng nghị sĩ Kenya John Methu, Hội nghị lần này cần hết sức chú trọng trách nhiệm đối với thế hệ trẻ và các nghị sĩ trẻ phải thể hiện trách nhiệm của mình. Có rất nhiều việc cần thực hiện để đạt tới mục tiêu phát triển bền vững năm 2030. Tất cả những điều này đòi hỏi chúng ta phải tập trung trong việc xác lập kế hoạch ngân sách quốc gia với tư cách là các nghị sĩ để đảm bảo các chương trình có đầy đủ nguồn lực để có thể thực hiện hiệu quả, gây dựng cộng đồng số đạt được các mục tiêu đã đề ra.