Bài 4: Kinh tế số - nhân tố vừa là nền tảng vừa là động lực phát triển bền vững và cất cánh
Phát triển Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Bài 4: Kinh tế số - nhân tố vừa là nền tảng vừa là động lực phát triển bền vững và cất cánh
TS. Nhị Lê
Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Hiện nay, trong tổng thể phát triển kinh tế đất nước, không thể không lấy kinh tế số vừa làm một trong những nhân tố nền tảng vừa là một động lực lớn để nền kinh tế phát triển bền vững và cất cánh.
Đoạn tuyệt tư duy “chương hồi” kiểu “quả đấm thép”
Theo báo cáo từ Google và Temasek (Singapore), kinh tế số của Việt Nam đạt quy mô khoảng 3 tỷ USD vào năm 2015, đạt 9 tỷ USD vào năm 2018. Theo dự báo, vào năm 2025 tới đây, quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ đạt con số 30 tỷ USD, nếu giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Tổ chức Data61 (Australia) dự báo, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm, nếu quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam diễn ra nhanh chóng và thành công.
Và, theo sự hoạch định của Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27.9.2019, qua từng mốc giai đoạn 5 năm, 15 năm từ 2025-2030, 2030-2045, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực châu Á về sản xuất dịch vụ thông minh, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Người lao động Việt Nam được đặt mục tiêu sẽ trở thành nhóm nguồn lực có năng suất lao động cao, hiện đại, có năng lực làm chủ công nghệ trong tất cả các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội tới môi trường, quốc phòng, an ninh.
Vì thế, trên phương diện này, tư duy về cấu trúc lại và tập trung phát triển các ngành công nghiệp cần phải thay đổi. Đoạn tuyệt tư duy “chương hồi”, kiểu “quả đấm thép”, nhưng với 19 ngành công nghiệp dàn trải, thiếu đột phá như vừa qua và duy tồn tới hiện nay.
Nên chăng hướng vào việc kiến tạo và phát triển có thể trước hết với trọng tâm 5 ngành xứng đáng là mũi nhọn. Một là, công nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Hai là, công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế biển (nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, dịch vụ hàng hải…). Ba là, công nghiệp dầu khí và năng lượng xanh. Bốn là, công nghiệp “xanh” - “không có khói”. Năm là, công nghiệp tin học điện tử, bán dẫn và công nghệ số…
Trong tổng thể phát triển này, xin nhấn mạnh: “Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP”, như Đại hội XIII của Đảng dự liệu, phải là cương lĩnh hành động đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả.
Cần lưu ý và cảnh báo rằng, khi Chính phủ ban hành một chính sách điều tiết kinh tế nặng về can thiệp hay bảo trợ thiên lệch, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước, thì thực chất là xâm phạm vào sự vận hành của nguyên lý thị trường trên nền tảng công bằng. Như thế, vừa cho doanh nghiệp một “phao cứu hộ”, một “sợi dây bảo hiểm thất bại”, vừa có nguy cơ làm đổ vỡ kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Vô hình trung, chính sách đã thủ tiêu tính công bằng, làm nản lòng và triệt tiêu động lực phát triển của doanh nghiệp. Do đó, cải cách doanh nghiệp phải là khâu đột phá theo nguyên tắc thị trường mà chúng ta kiên quyết thực thi.
Một cách tất yếu, cần đổi mới và nắm lấy khâu “đột phá của đột phá” chiến lược về thể chế nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, để tạo “đường băng” cho nền kinh tế phát triển với gia tốc mới, hội nhập thế giới và cất cánh thành công.
Ở góc độ rộng hơn, tỷ lệ công nghiệp hóa/GDP trong giai đoạn 2011-2020 được các chuyên gia ước tính vào khoảng 39%, tức thấp hơn so với 40% mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ/GDP trong cùng giai đoạn đạt tới 45%, tức đạt mục tiêu của các kế hoạch 10 năm qua. Điều đó càng cho thấy, trong suốt thập kỷ qua, Việt Nam mới “dịch vụ hóa” nền kinh tế chứ chưa phải để “công nghiệp hóa”. Kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển hay kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo… cũng ở trong trạng thái ấy.
Do đó, xử lý mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển trên lộ trình công nghiệp hóa vẫn đang là thách thức không nhỏ đối với việc kiến tạo động lực và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, vừa nâng cao sức cạnh tranh vừa bảo đảm sức chống chịu của nền kinh tế trên lộ trình phát triển, nhằm chuẩn bị thực lực toàn diện để chớp lấy cơ hội và cất cánh.
Kinh tế phát triển song hành với phát triển xã hội
Vấn đề phát triển của kinh tế Việt Nam hiện nay cho thấy, cần phải giải quyết ở tầm nhìn, sâu hơn là tầm chủ thuyết phát triển.
Ở đây, có hai vấn đề về phương pháp. Một là, phát triển kinh tế là “giá đỡ” vững chắc cho xã hội phát triển. Cho tới hiện giờ, khi nhiều người nhìn một cách phiến diện và cho rằng, kinh tế Việt Nam chậm phát triển là do xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và “đổ lỗi” cho doanh nghiệp nhà nước đã làm méo mó, biến dạng nền kinh tế thị trường.
Lỗi nằm ở chính phương diện thể chế thực tiễn. Và sự thật, chúng ta đã chỉ đạo chưa phù hợp, thậm chí chủ quan, có phần làm thay chức năng doanh nghiệp, trong khi thực chất cần chỉ rõ nhân tố định hướng XHCN bị lạm dụng, vô hình tạo ra thẩm quyền quá lớn cho Chính phủ trong việc can thiệp vào thị trường, doanh nghiệp nhà nước, trong khi đây chỉ là một trong số các công cụ do Chính phủ nắm giữ để dẫn dắt, khắc chế những lệch lạc của sự vận hành nền kinh tế thị trường.
Thực tiễn khẳng định, Nhân dân tham gia xây dựng chính sách, phản biện chính sách và giám sát quá trình thực hiện chắc chắn góp phần khắc phục những hạn chế của thị trường và sự quan liêu của Nhà nước nhằm xây dựng, đổi mới thể chế kinh tế, để nó không dừng lại ở mong muốn chủ quan và nền kinh tế thị trường đang xây dựng không trở nên “hoang dại” ngay ở những bước sơ khởi. Thể chế nhà nước theo đó cũng sẽ khó có nguy cơ sa vào quan liêu, tham nhũng, lạm quyền và lộng quyền như chúng ta lo ngại. Lòng Dân là thước đo đúng sai của mọi quyết sách.
Mặt khác, công việc đó càng cấp bách đòi hỏi, càng xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại và hoàn bị càng cần một Nhà nước mạnh và hiệu quả, với hệ thống thống thể chế quản trị đủ mạnh, với rường cột là hệ thống pháp luật tiến tiến và hiện đại. Không có Nhà nước mạnh và điều tiết hiệu quả trên nền tảng pháp luật thì không có nền kinh tế thị trường nhằm bảo vệ Nhân dân; và càng không thể nói tới một hệ thống luật pháp tốt khi nó còn khập khiễng và một chính quyền bảo vệ nhân dân theo nghĩa là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân với một bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả, thậm chí là tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ... ngay trong phát triển doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Đến lượt mình, Nhân dân đáng lẽ phải là người trực tiếp tham gia giám sát, kiểm soát những tật bệnh nảy sinh trong quá trình vận động của nền kinh tế mà những người được ủy quyền điều hành nền kinh tế quốc gia tất dễ phạm phải... lại chưa được coi trọng ngang tầm.
Và với tư cách là cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân, trước yêu cầu phát triển mới, Quốc hội không thể không từng bước chuyển từ kiêm nhiệm sang chuyên nghiệp hóa, chuyển từ báo cáo sang giải trình minh bạch, chuyển từ diễn giải độc thoại sang chất vấn, đối thoại, tranh luận, phản biện, chuyển từ trách nhiệm tập thể chung chung khó định lượng sang cá thể hóa trách nhiệm… theo Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm để Nhân dân hành động một cách dân chủ và hiệu quả, trên phương diện này.
Bởi vậy, trên lộ trình đổi mới thể chế kinh tế, cần quan tâm xử lý một số phương châm. Thứ nhất, trên lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, cần lượng hóa mức độ và tỷ lệ phù hợp của doanh nghiệp nhà nước trong cơ cấu kinh tế nhà nước để cân đối mức độ đầu tư một cách tương xứng, quyết không ảo tưởng và tràn lan như suốt hai thập kỷ qua, để lại những hậu quả và tổn thất nặng nề. Ở đây, quan điểm “thà ít mà tốt” đặc biệt có giá trị phương pháp luận.
Hai là, trong cơ cấu nền kinh tế, từ tầm nhìn tổng thể, cần lựa chọn những lĩnh vực then chốt, có tính “yết hầu”, có khả năng chế ngự, dẫn dắt nền kinh tế quốc gia. Theo đó, xác lập số lượng, vị thế và phát triển thực lực các doanh nghiệp nhà nước một cách căn cơ, phù hợp, quyết không dàn trải, hình thức với quan điểm phải đủ khả năng đi tiên phong và làm trụ cột trong việc giải quyết những xung đột lợi ích trên tầm vĩ mô, xử lý những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế đất nước, khi các thành phần kinh tế khác bất lực hoặc không thể đảm đương.
Ba là, thách thức về cạnh tranh quốc tế. Nếu tỷ lệ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trên GDP năm 1985 đạt 18,2%, thì năm 2000 là 96,5% và năm 2013 là 153,9%. Điều này có nghĩa là độ mở của nền kinh tế rất lớn; là cạnh tranh đang gõ cửa từng nhà, từng thiết chế cấu thành vận hành nền kinh tế quốc gia.
Từ thực tiễn gần 40 năm đổi mới, kiến tạo thể chế, tối thiểu cần nghiền ngẫm mấy phương diện chủ yếu:
Không đột phá đổi mới hệthể chế nhằm giải phóng mọi tiềm năng, thực lực phát triển, tạo thời cơ phát triển mới thì rất khó có sự bứt tốc thành công như mong muốn. Đây chính là giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới quan hệ sản xuất và phát triển lực lượng sản xuất. Trong sự phát triển toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, cần nắm lấy ba khâu yết hầu, có tính quyết định khắc chế những khuyết tật, khai thông những “cục nghẽn mạch”, làm chuyển động tình hình và dẫn dắt thị trường tổng thể là: thể chế thị trường tài chính - tiền tệ, thể chế thị trường đất đai và thể chế thị trường công nghệ, để kỳ vọng phát triển rút ngắn trên lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, tăng tốc phát triển nền kinh tế.
Không đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng rất khó phát triển rút ngắn, càng khó “cất cánh” nền kinh tế như kỳ vọng. Phải chăng “đột phá của đột phá” ở đây là: Tập trung chỉnh đốn, phát triển hệ thống “huyết mạch cứng”: Đường bộ cao tốc Bắc Nam, liên vùng, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tam giác, tứ giác phát triển, đường ven biển (kinh tế và quốc phòng) song hành với phương thức đi thẳng vào hiện đại hóa hệ thống hạ tầng “huyết mạch mềm” phát triển internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và công nghệ số?
Hơn bao giờ hết, sinh tồn trong một “thế giới phẳng và không phẳng, việc phát triển ngang tầm, cấp bách “động mạch chủ” và các “động mạch” phân hệ hợp thành hệ “huyết mạch” chi phối các trung tâm giao thông hàng hải, đường bộ, hàng không, hệ thống thông tin mạng… nuôi dưỡng, phát triển nền kinh tế mang tầm chiến lược trên cơ sở tiếp tục đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại có ý nghĩa thành bại.
Trên cơ sở tính toán tổng thể, phù hợp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông về đường bộ, hàng không, đường biển, đường sắt, với số lượng cầu cảng, sân bay bảo đảm sự tập trung, liên thông thống nhất các vùng kinh tế dọc ba miền Bắc - Trung - Nam, cần kíp đầu tư tổng lực để xây dựng đường bộ cao tốc xuyên Việt song hành với đường sắt cao tốc xuyên Việt gắn liền với hệ thống cảng biển, cảng hàng không liên kết vùng và quốc gia, liên thông quốc tế. Phải khai thông điểm quyết định mang tầm chiến lược này,càng sớm càng hiệu quả, trước mắt trong những năm 2025-2030, nếu muốn phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Mặt khác, chưa bao giờ như hiện nay, sự phát triển của công nghệ mạng trở thành phân hệ huyết mạch rất quan trọng hoạt động trên tất cả các mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng với phân hệ huyết mạch “cứng” trên, phânhệ huyết mạch không gian mạng phải được phát triển song hành. Phát triển kinh tế thông qua hệ thống điện tử hiện nay đã vượt trên cả tự động hóa, thậm chí là điều khiển từ xa, chiếm quyền điều khiển từ nước ngoài. Tín dụng điện tử, tiền ảo, tiền công nghệ, trốn thuế… đều có thể diễn ra trên không gian mạng, đã vượt lên trên sự quản lý của một thể thức ngân hàng; nguồn gốc xuất xứ hàng thật, hàng giả, buôn lậu vượt qua khỏi lãnh thổ quốc gia.
Chúng ta đã và đang phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để giữ gìn an ninh mạng và phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước. Việc chủ động kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ở địa phương và người dân; đồng thời, phải bảo vệ bí mật quốc gia, bởi đây là tài nguyên quốc gia, liên quan đến chính trị, xã hội, thậm chí cả chủ quyền quốc gia… phải được coi là những công việc rất quan trọng trong phát triển kinh tế, không kém bất cứ một không gian phát triển kinh tế hay chính trị nào khác.
Phát triển chất lượng nguồn nhân lực. Mở rộng mọi con đường đầu tư phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo để thu hút nhân tài, trước hết là các chính trị gia, kỹ trị gia và doanh nhân; đồng thời, kết nối với các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu trên thế giới bằng Internet, cung cấp, để cùng chia sẻ và thu hút đa chiều để họ, trực tiếp là các doanh nhân trên thế giới đến Việt Nam đầu tư và làm việc, và ngược lại; cần bắt đầu từ việc tạo ra những thiết chế và điều kiện để kết nối đất nước với các trung tâm công nghệ khác trên thế giới như Silicon Valley đã và đang hợp tác với Việt Nam…
Có thể bắt tay ngay trong việc thiết kế sản xuất thiết bị để kết nối với nhà, đường sá, xe hơi... tất cả mọi thứ với nhau trong 15 năm tới, từ đó tạo nền tảng cho nông thôn thông minh, đô thị thông minh, nhất cần dẫn đầu trong các cảm biến về Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, phân bổ nguồn lực, số hóa; quan tâm xứng đáng lĩnh vực giáo dục, các cuộc thử nghiệm, trao quyền đầu tư, với tinh thần khởi nghiệp, nỗ lực lấy con người làm trung tâm cho phép mở rộng cộng đồng nông thôn và thành thị…
Nói khái quát, không có “động mạch chủ” và “hệ huyết mạch” đa dạng, hoàn bị, thông suốt này trong “cơ thể sống” của đất nước không thể nói tới việc xây dựng, phát triển tầm nhìn, tư duy, càng khó có thể tạo nên sức mạnh có ý nghĩa nền móng của nền kinh tế song hành với phát triển xã hội và hội nhập thế giới, vận hành với một thể chế tương dung, trên nền tảng hệ kết cấu hạ tầng thích dụng, tương xứng song hành với phát triển nguồn nhân lực đủ sức dẫn dắt, thực thi tổng thể sự phát triển quốc gia.