Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững thương mại điện tử
Hiện nay, Việt Nam có hơn 14 triệu cửa hàng, 9 nghìn chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ.
Ngày 14-8, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức”.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, thương mại điện tử (TMĐT) đang là lĩnh vực tiên phong trong phát triển kinh tế số và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.
Nhận định tiềm năng, dư địa phát triển TMĐT còn rộng lớn, bà Lại Việt Anh cho rằng, TMĐT đang là lĩnh vực có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khu vực với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí họ có thể phát triển bình đẳng với doanh nghiệp lớn. Đáng chú ý, hiện nay có khoảng hơn 80% người dùng Internet đã mua sắm trực tuyến.
Đánh giá cao đóng góp của TMĐT trong nền kinh tế, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tính đến hết năm 2023, lĩnh vực TMĐT đã đóng góp khoảng 15-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia. Hiện nay, Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9 nghìn chợ nhưng xu hướng TMĐT đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid-19.
Từ thực tế của TMĐT thời gian qua, các ý kiến cũng cho rằng, trải nghiệm khách hàng, giải quyết khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề sống còn của doanh nghiệp TMĐT. Do vậy, nếu muốn tạo đột phá và phát triển bền vững TMĐT cần phải hoàn thiện thể chế (giao dịch điện tử, cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu đối với tài sản, bảo vệ người tiêu dùng); thúc đẩy sáng tạo, bắt kịp những mô hình kinh doanh mới; hạ tầng (bao gồm logistic, hạ tầng số).
Các ý kiến khác cũng chỉ ra rằng, trước hết Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý ứng xử với dữ liệu. Bởi đây là nguồn lực mới, một nhân tố sản xuất mới và toàn bộ các hoạt động, dù là công nghệ hiện đại đến đâu thì đều dựa trên dữ liệu, nhất là dữ liệu lớn (Big Data). Cùng với đó là xây dựng các nền tảng kết nối, trao đổi điện tử với sự tham gia của rất nhiều bên liên quan, cùng các vấn đề về trách nhiệm, tranh chấp nếu có.
Tin, ảnh: KHÁNH AN