Hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí
Luật Dầu khí ban hành ngày 6.7.1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008 đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực thăm dò, tìm kiếm và khai thác, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trước bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, Luật Dầu khí đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện.
Xác định rõ vai trò, địa vị pháp lý
Đó là nhận định của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) TS. Phan Xuân Dũng tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) ngày 20.12.
Nguồn: ITN
Ngành dầu khí trải qua 60 năm xây dựng và phát triển đã đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước. Có thời kỳ, hàng năm Tập đoàn đóng góp trung bình 20 - 25% tổng thu ngân sách nhà nước, chiếm 18 - 25% GDP cả nước. Sau này, nền kinh tế đất nước đã phát triển hơn, cùng với đó trữ lượng dầu khí suy giảm, giá dầu giảm sâu nhưng Petrovietnam vẫn góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.
Nguyên Phó Chủ tịch Vusta TS. Nghiêm Vũ Khải cho biết, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, phát sinh những vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động dầu khí thì việc sửa đổi Luật Dầu khí hiện đang là vấn đề cấp bách. Sau hơn 13 năm Luật Dầu khí sửa đổi kể từ năm 2008, tình hình pháp luật của Việt Nam cũng có nhiều biến đổi, bổ sung, sửa đổi các luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản… do đó, việc sửa đổi Luật Dầu khí cũng bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam Trần Xuân Hòa, một lần thay đổi luật là rất khó, hơn nữa, lĩnh vực dầu khí lại mang tính đặc thù. Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, ngành dầu khí không chỉ đơn thuần là khai thác dầu khí, còn là tiền tiêu để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vì vậy, cần phải xác định rõ vai trò địa vị pháp lý của Petrovietnam là một doanh nghiệp rất đặc biệt, phải xây dựng một mô hình quản lý nhà nước về dầu khí.
“Luật Dầu khí tới nay không thể không sửa đổi, bởi trước tình hình thế giới và Việt Nam thay đổi rất nhiều và thực tiễn đã làm bộc lộ những vướng mắc, khó khăn, bất cập, nếu không sửa đổi thì không thể bứt lên được. Để giải quyết vấn đề này cần phải thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) càng sớm càng tốt để thúc đẩy phát triển ngành kinh tế kỹ thuật, mang lợi cho quốc gia” - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ Đoàn Năng nhấn mạnh.
Như vậy, những quy định có tính chất đặc thù cho ngành dầu khí phải xác định rõ, làm sao cho hệ thống pháp luật về dầu khí phù hợp với hệ thống chung pháp luật quốc tế trên nguyên tắc bảo đảm tài sản tài nguyên dầu khí là tài nguyên của quốc gia thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện quản lý, bảo đảm nguyên tắc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác quốc tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cho biết, Tập đoàn đã gửi ý kiến đến Bộ Công thương về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) với các mục tiêu đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí; khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm tính logic, đồng bộ, thống nhất giữa các nội dung của dự thảo.
Góp ý về nội dung dự thảo, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam Đoàn Văn Thuần khuyến nghị, “luật hóa” địa vị pháp lý của Petrovietnam là Công ty dầu khí quốc gia, đại diện cho nước chủ nhà trong việc ký kết và quản lý, giám sát việc triển khai Hợp đồng dầu khí; bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục để Petrovietnam/doanh nghiệp nhà nước tham gia với vai trò nhà đầu tư trong hợp đồng dầu khí.
Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập đề xuất, cần hoàn thiện các quy định liên quan hợp đồng dầu khí, bổ sung định nghĩa “Hợp đồng dầu khí được ký kết dưới hình thức hợp đồng chia sản phẩm dầu khí hoặc các hình thức hợp đồng khác bao gồm hợp đồng đầu tư, kinh doanh duy trì và gia tăng sản lượng, hợp đồng dịch vụ thăm dò và khai thác tận thu”.
Bên cạnh đó, để bảo đảm khuyến khích đầu tư và duy trì hoạt động dầu khí, cần xem xét bổ sung trường hợp sau giai đoạn thăm dò, các phát hiện dầu khí có quy mô nhỏ, các phát hiện hoặc các mỏ khó có khả năng phát triển khai thác thương mại hay duy trì tiếp tục khai thác, nhà đầu tư, nhà thầu có thể đề xuất các điều kiện để dự án có tính khả thi, chi tiết sẽ thể trong Nghị định 95 sửa đổi.
Ghi nhận những đóng góp thiết thực tại Hội thảo, TS. Phan Xuân Dũng cho rằng, cần sớm khắc phục những bất cập và sửa đổi Luật Dầu khí để làm cơ sở cho việc cụ thể hóa các quy định của pháp luật trên quan điểm thể chế hóa các đường lối của Đảng, Nhà nước đối với các hoạt động dầu khí. Tiếp tục kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật dầu khí hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động dầu khí. Bảo đảm tính ổn định, nguyên tắc không hồi tố trong Luật Dầu khí, tránh các vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình thực hiện các hợp đồng dầu khí đã ký kết.