Hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư bao trùm mọi lĩnh vực, mọi mặt của đời sống xã hội, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử, nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới ra đời và phát triển đòi hỏi phải có cách tiếp cận phù hợp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam. Nhấn mạnh điều này, tại phiên thảo luận chiều qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, sửa đổi Luật lần này cần khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Giải trình, làm rõ thay đổi trong phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng làm rõ người tiêu dùng chỉ là cá nhân mua, bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại. Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi nêu trên nhằm tạo căn cứ xác định chính xác người tiêu dùng trong quá trình thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Xoay quanh quyền lợi của người tiêu dùng có các mối quan hệ, theo tôi chỉ nên chia thành ba bên: thứ nhất là người tiêu dùng (là cá nhân hay là thể nhân, pháp nhân hay là vừa tiêu dùng, vừa sản xuất); thứ hai bên cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ (bao gồm toàn bộ các thể nhân và pháp nhân liên quan đến sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ); và thứ ba là Nhà nước, bao gồm: Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tôi đề nghị chúng ta rà soát các quy định pháp luật đã mạch lạc được như thế này chưa? Vì nếu đọc từng điều trong dự thảo Luật này thì rất rối, không thể nào hiểu được vì quá nhiều, quá chi tiết. Cũng nên nhấn mạnh trong nguyên tắc xây dựng dự thảo Luật là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời, bảo đảm hài hòa lợi ích ba bên. Vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tư pháp trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã đủ rõ trong dự thảo Luật chưa?
Chủ tịch Quốc hội
VƯƠNG ĐÌNH HUỆ
Nói đến khái niệm tiêu dùng, trước đây chúng ta hay nói là tiêu dùng cho sản xuất và tiêu dùng cá nhân. Chủ thể tham gia quá trình này vừa có thể là cá nhân, thể nhân; vừa có thể là pháp nhân. Pháp nhân có nhiều loại hình: tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì rất nhiều loại thành phần doanh nghiệp, có các hộ kinh doanh… Nêu vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết,Luật hiện hành điều chỉnh cả cá nhân và tổ chức; khái niệm người tiêu dùng cũng được định nghĩa là cả cá nhân và tổ chức. Lần này, trong phần giải thích từ ngữ về người tiêu dùng, dự thảo Luật loại đi khái niệm “tổ chức” mà chỉ còn lại “cá nhân". Đây là sự thay đổi rất lớn về chính sách. Mặc dù trong hồ sơ dự án Luật đã có báo cáo thuyết minh, giải trình về vấn đề này, nhưng vẫn chưa đủ rõ vì sao chúng ta lại thay đổi chính sách lớn như thế? Lưu ý nội dung này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần có giải trình thuyết phục, đầy đủ hơn đối với sự thay đổi lớn này.
Đồng tình với việc dự thảo Luật đã bổ sung từ “sản phẩm” bên cạnh “hàng hóa, dịch vụ” trong các khái niệm liên quan như “người tiêu dùng”, “tổ chức, cá nhân kinh doanh", song đọc cả dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, "không có chỗ nào đề cập đến dịch vụ công". Câu hỏi mà Chủ tịch Quốc hội đặt ra với cơ quan soạn thảo là: dự thảo Luật có điều chỉnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong mua, bán, hưởng dịch vụ công không?
Dịch vụ công có ba loại là: công tác quản lý nhà nước; dịch vụ công do đơn vị sự nghiệp công cung cấp, như dịch vụ y tế - giáo dục; dịch vụ công ích do các doanh nghiệp công ích cung cấp cho người tiêu dùng, như điện, nước, vệ sinh môi trường… Nhấn mạnh các dịch vụ, sản phẩm công ích, dịch vụ công là vấn đề rất lớn, liên quan trực tiếp đến các dịch vụ thiết yếu của đời sống người dân và người tiêu dùng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần mổ xẻ, phân tích thấu đáo xem Luật trước đây đã quy định hay chưa, và sửa Luật lần này có nên đặt vấn đề phải bao quát hết những dịch vụ này không, vì đây là những dịch vụ có tác động đến toàn xã hội?
Hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thực hiện chủ trương tăng cường xã hội hóa trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nhằm xác định rõ quyền, nghĩa vụ, hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bổ sung quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội khi thực hiện một số hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Nhà nước giao.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, các quy định về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực hiện và đạt nhiều kết đáng ghi nhận về tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức tiêu dùng, tư vấn, giải quyết khiếu nại, khảo sát, giám định và phản biện xã hội, thực hiện nhiệm vụ do cơ quan nhà nước giao.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, hoạt động của các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là vấn đề kinh phí, nguồn lực và phương thức để bảo đảm các hoạt động cơ bản của Hội. Bên cạnh đó, chưa có những cơ chế phối hợp và thực hiện để hệ thống chính trị vào cuộc cùng chung sức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như sự phối hợp của các cơ quan quản lý với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…). Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm tham gia trong việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là hết sức quan trọng. Về tổ chức thực hiện, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho rằng, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Chủ trương cải cách hành chính trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ người tiêu dùng. “Làm sao để trách nhiệm từ tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn phân cấp để cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc một cách quyết liệt trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý.