Hoàn thiện và đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất
Theo kế hoạch, năm 2024 ngành nông nghiệp tập trung hoàn thiện các công trình chuyển tiếp phục vụ nông nghiệp, gồm có 34 cống điều tiết thủy lợi nội đồng và nạo vét 17 kênh trục, kênh thủy lợi cấp II, I.
Đồng chí Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: năm 2024, có khả năng khô hạn, mặn xâm nhập sẽ diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của El Nino. Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung thực hiện các công trình thủy lợi theo hướng đa chức năng, đảm bảo nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp nước cho dân sinh. Đầu tư hoàn chỉnh các hệ thống công trình thủy lợi đã có nhưng chưa đồng bộ; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiện có, phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm...
Theo kế hoạch, năm 2024 ngành nông nghiệp tập trung hoàn thiện các công trình chuyển tiếp phục vụ nông nghiệp, gồm có 34 cống điều tiết thủy lợi nội đồng và nạo vét 17 kênh trục, kênh thủy lợi cấp II, I. Đối với các công trình thủy lợi nội đồng (do địa phương quản lý) sẽ thực hiện nạo vét 384 công trình, với tổng chiều dài trên 315km và 12 công trình bờ bao, dài 5,6km; tổng giá trị thực hiện gần 42 tỷ đồng. Các địa phương có số công trình kênh nội đồng triển khai nhiều là huyện Châu Thành 159 kênh; Trà Cú 49 kênh; Cầu Ngang 43 kênh và Cầu Kè 37 kênh…
Được biết, năm 2023, các địa phương thực hiện hoàn thành 380/380 công trình thủy lợi nội đồng, dài 280km và kết hợp trục vớt gần 130.000m2 diện tích lục bình trên các tuyến kênh rạch.
Nông dân Lê Văn Thiện ấp Ô Rồm, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè cho biết: gia đình sản xuất hơn 04ha lúa; điều kiện sản xuất của năm 2023, ruộng nông dân trữ đủ nước bơm tát. Tuy nhiên, gần cuối vụ đông - xuân và đầu vụ hè - thu thì thiếu nước. Cuối vụ lúa đông - xuân năm nay, khả năng thiếu nước ở cánh đồng trong ấp này rất cao; hiện nay, địa phương đang triển khai nạo vét tuyến kênh Ô Rồm này, do đã cạn; với chiều dài gần 1,1km, nhằm đảm bảo đủ nguồn nước cho sản xuất.
Đối với huyện Trà Cú, hiện các công trình trọng điểm đã và đang triển khai để phục vụ sản xuất nông nghiệp, gồm có dự án 05/15 Trạm bơm điện - kênh bê tông phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh; dự án 34 cống điều tiết nội đồng nằm trên địa bàn các xã Phước Hưng, Tân Hiệp, Tập Sơn, Long Hiệp...
Ngoài ra, công trình Trạm bơm kênh 3 Tháng 2 nằm giáp ranh trên địa bàn xã Phước Hưng (huyện Trà Cú) - Ngãi Hùng (huyện Tiểu Cần) đã hoàn thành và sẽ đưa vào vận hành trong mùa khô năm 2023-2024; góp phần chủ động bơm nước cung cấp nguồn nước ngọt cho khoảng 25.936ha đất sản xuất nông nghiệp và cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho khoảng 285.430 người dân thuộc các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải; cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ cho các Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải, Khu Kinh tế Định An và một số cụm công nghiệp nhỏ khác trong vùng dự án…
Qua ghi nhận, hiện nay tình hình nước mặn đang lấn sâu lên thượng nguồn Sông Hậu (địa bàn huyện Cầu Kè) ngay từ đầu tháng Giêng năm 2024. Xí nghiệp Thủy nông huyện Cầu Kè đã triển khai và thông báo đến người dân về tình hình mặn, thực hiện đóng các cống nằm ven Sông Hậu (Đường tỉnh 915) từ xã Ninh Thới (giáp thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần)-Hòa Tân - An Phú Tân (khu vực cống Bông Bót)…
Đồng chí Hứa Thanh Sơn, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông huyện Cầu Kè cho biết: ngày 09/01/2024, độ mặn ngoài cống Bông Bót là 1,37‰ ; cống Rạch Rum là 03‰… năm nay, nước mặn lên sớm hơn 01 tháng so với năm 2023. Đối với độ mặn từ 01‰ trở lên đã thực hiện đóng triệt để các cửa cống. Hiện nay, trên tuyến Đường tỉnh 915 (ven Sông Hậu), đơn vị đã lắp đặt 11 bảng hiệu tại các cống lấy nước vào nội đồng để ghi các chỉ số mặn để thông báo cho người dân nắm bắt và có kế hoạch chủ động trong đưa nước lên ruộng, vườn cây ăn trái… đã mang lại hiệu quả tác động rất lớn cho nông dân trong nhiều năm qua.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ