Hoàn thiện văn bản pháp luật, đảm bảo an toàn đường sắt
Cục Đường sắt VN đã và đang chủ động xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATGT.
Xây dựng văn bản pháp luật phù hợp thực tiễn
Ông Nguyễn Giang Hải, Trưởng phòng Thanh tra - An toàn I, Cục Đường sắt VN cho biết, thực tiễn áp dụng quy phạm pháp luật khi kiểm tra, xử phạt các vi phạm ATGT đường sắt rất phức tạp.
Bởi các hoạt động GTVT đường sắt trong thực tế rất đa dạng, nhiều phát sinh mới, trong khi phạm vi điều chỉnh của quy định pháp luật lại hạn chế hơn.
“Do đó, cán bộ làm công tác hiện trường phải xử lý, vận dụng linh hoạt. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn nếu không có các quy định, văn bản pháp luật để làm căn cứ pháp lý áp dụng, xử lý kịp thời“, ông Hải cho hay.
Ông Hải dẫn ví dụ, tháng 6/2022 vừa qua, đoàn kiểm tra của Cục Đường sắt VN đã kiểm tra và xử lý vi phạm tại khu vực ga Lim (Bắc Ninh).
Đơn vị thi công công trình đường dây điện cao thế 35kV qua đường sắt và qua đường dây thông tin đường sắt khi chưa có văn bản chấp thuận và phương án tổ chức thi công của cấp có thẩm quyền.
Tuy nhiên, đây là công trình phục vụ dân sinh do Điện lực Tiên Du thực hiện. Vì vậy, bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính, đoàn kiểm tra căn cứ các quy định pháp luật hiện hành hướng dẫn đơn vị điện lực thực hiện các thủ tục, biện pháp theo đúng quy định pháp luật, sao cho vừa đảm bảo ATGT đường sắt, vừa đáp ứng nhu cầu dân sinh địa phương.
Trước thực tiễn này, ông Trần Thiện Cảnh, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, việc xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động GTVT đường sắt nói chung cũng như nâng cao công tác đảm bảo ATGT đường sắt luôn được cục coi trọng.
Năm 2021, Cục đã ban hành 6 văn bản quy phạm pháp luật; trình cấp có thẩm quyền thẩm định, ban hành 3 văn bản; Ban hành 9 văn bản gửi Ban ATGT các tỉnh/thành phố về việc đôn đốc, hướng dẫn các chủ thể liên quan tăng cường công tác đảm bảo TTATGT đường sắt và xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở.
Từ đầu năm 2022 đến nay Cục đã tham mưu Bộ GTVT ban hành Thông tư số 07/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018 quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt; Xây dựng Báo cáo tổng kết Luật Đường sắt 2017; Đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt...
Cục Đường sắt VN đã hoàn thành 100% chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã đề ra. Các văn bản quy phạm pháp luật được tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng...
Tăng cường tuyên truyền, kiên quyết xử lý vi phạm
Phó cục trưởng Trần Thiện Cảnh cho biết, hiện trên các tuyến đường sắt, tình hình vi phạm đất dành cho đường sắt còn phức tạp.
Trong đó, vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt chưa được giải tỏa là 11.505 vị trí; vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt là 5.797 vị trí. Nguyên nhân chủ yếu do lịch sử để lại.
Tuy nhiên, trong hai năm 2021-2022, do ảnh hưởng dịch Covid-19, lợi dụng quy định hạn chế đi lại tại các địa phương, công tác kiểm tra, rà soát hiện trường của các cơ quan chức năng không thể thường xuyên, nhiều đối tượng đã tự ý xây dựng các công trình vi phạm đất đường sắt, hành lang đường sắt. Điển hình như tại Bình Thuận, Lạng Sơn...
Vì vậy, cùng với các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATGT đường sắt luôn là giải pháp quan trọng hàng đầu. Tới đây Cục Đường sắt VN tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về đảm bảo ATGT đường sắt, đặc biệt tại các giao cắt đường bộ - đường sắt, tại đường ngang có gác; tổ chức lồng ghép công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vận tải đường sắt với hoạt động thanh tra, kiểm tra...
Theo thống kê, hiện trên đường sắt Việt Nam, lối đi tự mở còn đến 3.668 vị trí, chiếm tỷ lệ 70,89% tổng số giao cắt, giảm 137 vị trí so với thời điểm 31/12/2021; còn tồn tại 12 điểm đen, 1993 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt.