Hoàn thổ môi trường sau khai thác tài nguyên, khoáng sản

PTĐT - Hoàn thổ là nghĩa vụ bắt buộc của các đơn vị, doanh nghiệp (DN) sau khi kết thúc hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS). Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tình trạng một số đơn vị, DN 'quên' thực hiện việc hoàn thổ, phục hồi lại môi trường sinh thái...

Mỏ khai thác đá với taluy cao của DNTN Xuân Trường ở xóm Kẹm Hem, xã Hương Cần, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho tài sản và phương tiện tham gia giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất đời sống và sinh hoạt của người dân địa phương.

PTĐT - Hoàn thổ là nghĩa vụ bắt buộc của các đơn vị, doanh nghiệp (DN) sau khi kết thúc hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS). Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tình trạng một số đơn vị, DN “quên” thực hiện việc hoàn thổ, phục hồi lại môi trường sinh thái hoặc thực hiện mang tính đối phó diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt là các mỏ khai thác đất, đá, quặng, từ đó tiềm ẩn gây nguy cơ sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Doanh nghiệp “quên” trách nhiệm
Sau nhiều lần về xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, chứng kiến các điểm mỏ khai thác khoáng sản, trao đổi với nhiều người dân, chính quyền và lãnh đạo phòng chuyên môn của địa phương, được biết trên địa bàn xã có 3 DN thực hiện khai thác TNKS, gồm các công ty TNHH: Tân Ngọc Minh, Tân Thành Minh, Thắng Lợi. Trong quá trình khai thác, các DN còn tồn tại nhiều vấn đề như chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ thiết kế mỏ, thiết kế khai thác đã được phê duyệt cho chính quyền địa phương, chưa xây dựng phương án phòng chống lụt bão; khi tiến hành khai thác khoáng sản chưa thực hiện việc tạo tầng, tuyến theo quy định, khai trường khai thác có taluy cao, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, đất đá; quá trình vận chuyển khoáng sản còn gây ảnh hưởng đến đường giao thông, có DN chưa tìm được vị trí đổ thải hoặc vị trí đổ thải chưa phù hợp, không đảm bảo gây xô lũ, sạt lở ảnh hưởng đến môi trường và sản xuất nông nghiệp của người dân trong mùa mưa bão; điểm mỏ tại xóm Nà Lờm do Công ty TNHH Tân Thành Minh khai thác đã hết thời hạn mấy năm nay nhưng không thực hiện cải tạo, hoàn thổ phục hồi môi trường, đất đai theo quy định…
Việc cải tạo, phục hồi môi trường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tái tạo môi trường sinh thái. Khoản 1, Điều 2, Quyết định 18/2013/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản nêu rõ: “Cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái (đất, nước, không khí, cảnh quan thiên nhiên, thảm thực vật,...) tại khu vực khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường và phục vụ các mục đích có lợi cho con người”. Thời gian qua, mặc dù tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có nhiều văn bản yêu cầu, đôn đốc các đơn vị, DN hết hạn giấy phép thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường theo quy định nhưng nhiều đơn vị, DN chây ỳ, không nghiêm túc triển khai, xin gia hạn hoặc chuyển đổi DN...

Theo bà Lê Thị Quý ở xóm Khoang, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn, việc nổ mìn khai thác đá làm hư hỏng nhiều đồ đạc, nứt tường nhà.

Không chỉ ở Tân Sơn, tình trạng giấy phép đã hết thời hạn khai thác nhưng không thực hiện đúng cam kết hoàn thổ, trồng rừng và phục hồi nguyên trạng môi trường sau khai thác đã và đang diễn ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, gây mất an toàn, khiến dư luận bức xúc... Đến một số mỏ khai thác TNKS tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy, một số mỏ đã đến thời hạn phải đóng cửa, có mỏ thực hiện san gạt, trồng cây nhưng chưa triệt để, còn mang tính đối phó. Trên địa bàn huyện Yên Lập hiện có 16 đơn vị, DN được UBND tỉnh cấp giấy phép thăm dò khoáng sản theo thẩm quyền và đã tổ chức phê duyệt trữ lượng theo quy định, gồm 14 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 1 mỏ sắt tại khu Ao Bon, xã Lương Sơn, 1 mỏ cát lòng Ngòi Lao, Ngòi Giành. Trong đó, 9 tổ chức giấy phép còn hiệu lực, 7 tổ chức giấy phép đã hết hạn hoặc đã bị thu hồi, chấm dứt hiệu lực. Tuy nhiên, việc hoàn thổ mặt bằng vẫn chưa được thực hiện triệt để. Đã từng xảy ra các trường hợp tai nạn, mất an toàn do ảnh hưởng của các điểm mỏ không thực hiện các biện pháp hoàn thổ như san gạt, trồng cây xanh… trở lại, làm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao, nhất là vào mùa mưa bão.Công nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đang dần thay đổi cả về quy mô và công nghệ. Tuy nhiên, do năng lực và điều kiện nên việc khai thác của nhiều đơn vị, DN còn lạc hậu, chủ yếu áp dụng phương pháp khai thác lộ thiên, thiết bị sử dụng khai thác khoáng sản thường là máy khoan, máy xúc, ô tô đã gây ra những tác động tiêu cực lớn đến môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên, rõ nét nhất là môi trường trong và sau khai thác khoáng sản bị biến dạng địa mạo và cảnh quan, tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở, mất an toàn, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Kiên quyết xử lý các vi phạm Trước thực trạng của hoạt động khai thác TNKS gây ảnh hưởng đến môi trường, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, rà soát, thanh tra, kiểm tra, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý khai thác TNKS, kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị, DN không thực hiện cải tạo, hoàn thổ phục hồi môi trường sinh thái sau khai thác.Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 66 giấy phép khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực, trong đó 11 giấy phép do cấp Trung ương (Bộ Công nghiệp trước đây và Bộ TN&MT hiện nay) cấp; 55 giấy phép do UBND tỉnh cấp, gồm các loại khoáng sản caolin - fenspat, talc - đolomit, đá làm vật liệu xây dựng thông thường, sét làm gạch ngói và cát, sỏi lòng sông. Các mỏ caolin, fenspat, sắt, đá xây dựng chủ yếu tập trung tại các huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn, Yên Lập. Các mỏ cát, sỏi lòng sông tập trung tại các huyện nằm dọc các tuyến sông Hồng, Đà, Lô, Chảy, Bứa. Các mỏ sét làm gạch ngói được quy hoạch nằm gần các cơ sở sản xuất gạch tuynel. Tỉnh yêu cầu các đơn vị, DN được cấp phép thực hiện ngay các biện pháp để bảo đảm môi trường sau khai thác…

Mỏ đá Núi Hương, xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn - một trong những điểm mỏ hiếm hoi được chủ đầu tư là Công ty CP khai thác và chế biến đá Cự Đồng thực hiện trồng cây cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác.

Mỏ đá Núi Hương, xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn - một trong những điểm mỏ hiếm hoi được chủ đầu tư là Công ty CP khai thác và chế biến đá Cự Đồng thực hiện trồng cây cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, hàng năm, Sở TN&MT thường xuyên thực hiện rà soát, kiểm tra các điểm mỏ đã hết hạn, đôn đốc các đơn vị, DN nghiêm túc thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường sinh thái sau khai thác theo quy định... Thời gian qua, Sở đã tổ chức thanh tra 19 lượt, kiểm tra 42 lượt đối với DN khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh về việc chấp hành các quy định của Luật Khoáng sản. Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với Sở TN&MT thanh tra đối với 19 DN trên địa bàn tỉnh và đã xử phạt một số đơn vị, DN vi phạm. Để thực hiện việc giám sát chặt chẽ công tác cải tạo, phục hồi môi trường, Sở đã chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn trực thuộc phối hợp với các huyện, thành, thị tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức, kiến thức, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các DN khai thác TNKS để các cơ sở nghiêm chỉnh chấp hành. Đồng thời, hướng dẫn và yêu cầu các DN khai thác khoáng sản chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường như thực hiện ký quỹ để cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện đóng cửa mỏ sau khi giấy phép khai thác hết hạn; thực hiện quan trắc môi trường; đăng ký hồ sơ chủ nguồn thải và quản lý chất thải nguy hại; thực hiện đầy đủ việc áp dụng các biện pháp cũng như xây dựng các công trình bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản nhằm hạn chế, giảm thiểu phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường.Từ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban, ngành liên quan đã dần làm lành mạnh hóa hoạt động khai thác TNKS và bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, tình trạng khai thác TNKS đã giảm diễn biến phức tạp, một số nơi lắng xuống. Tính tới thời điểm hiện tại, có 15 đơn vị phải thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, trong đó 7 đơn vị đã thực hiện, 3 đơn vị đang thực hiện, 5 đơn vị Sở TN&MT đang đôn đốc thực hiện. Nhằm bảo đảm khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả nguồn TNKS, thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác TNKS trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ; đôn đốc các đơn vị, DN hết thời hạn khai thác khoáng sản được quy định theo giấy phép thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác; yêu cầu các đơn vị, DN cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện đúng cam kết, không được chây ỳ và phải thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác như san lấp, xử lý các vị trí xung yếu do quá trình khai thác, tiến hành trồng lại rừng trong khu vực để bảo vệ môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xói mòn, sạt lở đất, đá khi thiên tai xảy ra; thường xuyên phối hợp rà soát, tổ chức kiểm tra, kiên quyết xử lý các đơn vị, DN không chấp hành theo đúng quy định của pháp luật… nhằm giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường.

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/201909/hoan-tho-moi-truong-sau-khai-thac-tai-nguyen-khoang-san-166784