Hoàng Anh Gia Lai muốn rút lui khỏi chuỗi bán lẻ Bapi Hoàng Anh Gia Lai
Sau gần 2 năm ra mắt thương hiệu bán lẻ heo ăn chuối, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Công ty HAGL, mã HAG - sàn HoSE) muốn thoái toàn bộ vốn.
Ngày 30/12, Công ty HAGL thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 2,75 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Bapi Hoàng Anh Gia Lai.
Nếu giao dịch thành công, Công ty Bapi Hoàng Anh Gia Lai sẽ không còn là công ty liên kết của Công ty HAGL.
Được biết, tại thời điểm 30/6/2023, Công ty HAGL sở hữu 44,5% vốn điều lệ tại Công ty Bapi Hoàng Anh Gia Lai.
Theo tìm hiểu, thương hiệu heo ăn chuối Bapi HAGL được ra mắt vào tháng 3/2022 và đến cuối tháng 5/2022, Công ty HAGL thành lập CTCP Bapi Hoàng Anh Gia Lai.
Trong đó, Công ty Bapi Hoàng Anh Gia Lai sẽ kinh doanh và phân phối thịt heo với tham vọng mở 5.000 cửa hàng để bán 1 triệu con heo.
Tuy nhiên, trong Hội nghị gặp nhà đầu tư ngày 20/8/2023, ông Trần Văn Dai, thành viên HĐQT của Công ty HAGL thừa nhận năm 2022 thì chuỗi Bapi Hoàng Anh Gia Lai cạnh tranh không nổi, năm 2022 mở gần 200 cửa hàng nhưng tới tháng 8/2023 chỉ còn 52 cửa hàng, thực tế chuỗi Bapi Hoàng Anh Gia Lai không đạt yêu cầu và lỗ.
Về biến động cổ đông tại Công ty Bapi Hoàng Anh Gia Lai. Trong đó, tháng 1/2023, Đại hội đồng cổ đông của Công ty Bapi Hoàng Anh Gia Lai đã phê duyệt phương án phát hành riêng lẻ thêm 5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược nhằm tăng vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Và tới ngày 30/6, đợt phát hành tăng vốn thành công dẫn tới tỷ lệ sở hữu của Công ty HAGL tại Công ty Bapi Hoàng Anh Gia Lai giảm từ 55% xuống 44,5% vốn điều lệ và đồng thời phải chuyển hạch toán từ Công ty con sang Công ty liên kết.
Tiền lãi chậm thanh toán lũy kế 3.023,42 tỷ đồng
Ngoài ra, cũng trong ngày 30/12/2023, Công ty HAGL cho biết đối với trái phiếu mã HAGLBOND16.26, Công ty sẽ phải thanh toán lãi là hơn 112,07 tỷ đồng nhưng đã thỏa thuận với trái chủ tới quý I/2024.
Lý do chậm thanh toán được Công ty HAGL đưa ra do chưa thu được nguồn tiền thanh toán từ khoản nợ của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (hiện tại đã thỏa thuận lộ trình trả nợ ba bên) và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi của Công ty.
Như vậy, tính tới ngày 30/12/2023, Công ty HAGL đang có số tiền lãi chậm thanh toán lũy kế là 3.023,4 tỷ đồng và số tiền gốc chậm thanh toán lũy kế là 1.458 tỷ đồng.
Được biết, tính tới 30/9/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Công ty HAGL giảm nhẹ 4,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 386,8 tỷ đồng, về 7.778,8 tỷ đồng và bằng 140,3% vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 3.930,4 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 3.848,4 tỷ đồng.
Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục bán thêm tài sản để trả nợ trái phiếu
Một diễn biến đáng lưu ý khác, Công ty HAGL thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 9,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 99% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Bệnh viện Đại học Y Dược – Hoàng Anh Gia Lai để lấy tiền trả nợ gốc trái phiếu 2016. Trong đó, giá chuyển nhượng và đối tượng chuyển nhượng chưa được tiết lộ.
Trước đó, ngày 15/12 tại Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty HAGL cho biết sẽ bán Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai để trả nợ. Trong đó, năm 2023, Công ty HAGL có những thu nhập bất thường nên lợi nhuận ước tính 2.150 tỷ đồng, trong đó có thu nhập từ việc bán bớt tài sản hay như phần giảm lãi vay của Eximbank mới đây.
Theo tìm hiểu, Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai có trụ sở tại đường Lê Duẩn, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai). Bệnh viện có 11 khoa nội trú, 6 phòng chức năng, 20 phòng khám chuyên khoa và 4 phòng mổ hiện đại.
Trước đó, cuối tháng 9/2023, đối với tài sản không sinh lợi dự kiến thanh lý, Công ty HAGL dự kiến dùng tài sản gắn liền với đất là công trình Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, phường Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Và sau đó, Công ty HAGL đã bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai với giá 180 tỷ đồng để lấy tiền trả nợ.
Hé lộ 3 nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ
Ngoài ra, ngày 29/11, Công ty HAGL công bố danh sách 3 nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thaigroup dự kiến mua 52 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0%, lên 4,92% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Chứng khoán LPBank dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0%, lên 4,73% vốn điều lệ; và ông Nguyễn Đức Quân Tùng dự kiến mua 28 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0%, lên 2,65% vốn điều lệ.
Được biết, Công ty HAGL đang lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.300 tỷ đồng, thời gian triển khai trong năm 2023 hoặc năm 2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Trong đó, cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ hạn chế chuyển nhượng 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 700 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho Công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai thông qua hình thức cho vay để hoạt động kinh doanh và thanh toán các khoản nợ; 330,5 tỷ đồng dùng thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do Công ty phát hành ngày 18/6/2012, mã HAG2012.300; và còn lại 269,5 tỷ đồng cơ cấu lại nợ cho Công ty con là Công ty cổ phần Gia súc Lơ Pang thông qua hình thức cho vay để thanh toán nợ vay của Công ty cổ phần Gia súc Lơ Pang tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong.