Hoàng Anh Gia Lai vi phạm hợp đồng vay và trái phiếu

Trong báo cáo hợp nhất soát xét bán niên 2019, kiểm toán viên nhấn mạnh đến việc Hoàng Anh Gia Lai vi phạm một số điều khoản trong hợp đồng vay và trái phiếu.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (Hoàng Anh Gia Lai, mã chứng khoán HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên với kết quả kém khả quan.

Theo đó, doanh nghiệp đình đám một thời của “bầu” Đức tiếp tục lỗ hơn 706 tỷ đồng do doanh thu nửa đầu năm giảm mạnh.

 Doanh nghiệp tên tuổi một thời của "bầu" Đức vẫn đang chật vật.

Doanh nghiệp tên tuổi một thời của "bầu" Đức vẫn đang chật vật.

Không những thế, theo báo cáo, HAGL đã vi phạm một số điều khoản trong hợp đồng vay và trái phiếu. Cụ thể, tại ngày 30/6 và ngày lập báo cáo tài chính giữa niên độ, diện tích trồng cây cao su, cây cọ dầu, số lượng đàn bò… thực tế tại các công ty con của HAGL nhỏ hơn số lượng đã đăng ký trong hợp đồng vay và đặt mua trái phiếu.

HAGL cũng đang gặp khó khăn về hệ số thanh toán và chưa thanh toán một số khoản vay đến hạn.

Trong văn bản giải trình, ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc HAGL cho biết, HAGL đang làm việc với các ngân hàng về việc điều chỉnh các điều khoản bị vi phạm của các hợp đồng vay. Đồng thời, dựa vào nguồn tiền từ việc chuyển nhượng phần góp vốn vào các công ty con, HAGL sẽ chủ động trả bớt nợ vay và phân bổ lại tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Theo báo cáo tài chính, nửa đầu 2019, doanh thu của HAGL đạt hơn 922 tỷ đồng, giảm hơn 68% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giảm từ 49% trong nửa đầu 2018 xuống còn 26% trong nửa đầu 2019.

Tính chung nửa đầu 2019, HAGL báo lỗ hơn 706 tỷ đồng, trong khi nửa đầu 2018 con số này là hơn 100 tỷ đồng.

Theo HAGL, biến động trên do doanh nghiệp không còn hợp nhất doanh thu từ khu phức hợp HAGL-Myanmar khiến doanh thu từ cho thuê và dịch vụ giảm. Doanh thu nông sản giảm do thời tiết mùa vụ, thay đổi diện tích từ trồng cây ngắn ngày sang dài ngày, cụ thể chuyển đổi diện tích trồng ớt sang trồng các loại cây dài ngày.

Ngoài ra, doanh thu từ bán sản phẩm hàng hóa cũng sụt giảm do việc đẩy mạnh mảng cây ăn trái của HAGL.

HAGL có thể lỗ thêm 491 tỷ đồng

Tại báo cáo soát xét bán niên, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam (E&Y) đưa ra loạt ý kiến ngoại trừ. Trong đó, nếu HAGL hạch toán theo ý kiến của kiểm toán, lỗ sau thuế sẽ tăng thêm gần 491 tỷ đồng.

Theo đó, E&Y cho biết, HAGL đã ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng với tổng giá trị là hơn 8,527 tỷ đồng (con số tại thời điểm 31/12/2018 là 7,594 tỷ đồng).

E&Y cho biết không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi số nợ dư tồn đọng vào 30/06/2019 hơn 2,593 tỷ đồng nằm trong các số dư trên. Theo đó, E&Y không thể xác định có cần thiết điều chỉnh số liệu cho khoản mục nêu trên.

Thứ hai, E&Y cho biết, HAGL đã ghi nhận một khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập số dư dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) tại ngày 31/12/2018 với tổng số tiền hơn 335 tỷ đồng.

Việc trích lập này đã được thực hiện trong các năm trước. HAGL cũng không ghi nhận khoản dự phòng thuế TNDN tương tự cho kỳ kế toán 6 tháng năm 2019 với số tiền hơn 155 tỷ đồng. E&Y cho biết, nếu HAGL thực hiện việc ước tính và ghi nhận theo đúng hướng dẫn của Nghị định 20 cho kỳ kế toán 6 tháng đầu 2019 thì chỉ tiêu Thu nhập khác giảm tương ứng hơn 335 tỷ đồng, chỉ tiêu "Chi phí thuế TNDN hiện hành" sẽ tăng thêm hơn 155 tỷ đồng. Tổng kết lại, nếu hạch toán đúng theo ý kiến kiểm toán, nửa đầu 2019, HAGL sẽ lỗ thêm gần 491 tỷ đồng.

Giải trình về vấn đề này, HAGL cho biết chủ yếu do các bên liên quan này đang vận hành nhiều dự án kinh doanh khá đa dạng như bất động sản, trồng trọt, chăn nuôi đối với khối tài sản đa dạng, trong đó nhiều dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản nên chưa tạo ra lợi nhuận và dòng tiền thặng dư.

Theo HAGL, rất khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản và dòng tiền trả nợ của các đơn vị liên quan đến các khoản công nợ của công ty.

HAGL bày tỏ quan điểm khi các dự án kinh doanh của các bên liên quan đi vào vận hành thương mại và có lợi nhuận thì việc đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ phải thu sẽ trở nên dễ dàng hơn và kiểm toán viên sẽ có đủ thông tin để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn bộ.

Về việc không ghi nhận thêm chi phí dự phòng liên quan đến chi phí thuế với số tiền hơn 155 tỷ đồng, HAGL cho biết, do Nghị định 20 còn nhiều điểm bất hợp lý, có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn và chưa đúng bản chất của Nghị định là chống chuyển giá.

Do đó, về vấn đề này phía HAGL cho biết Ban Giám đốc vẫn đang trao đổi và kiến nghị với Kiểm toán Nhà nước, Tổng Cục Thuế, Bộ Tài Chính và Văn phòng Chính phủ xem xét việc điều chỉnh hay thay đổi Nghị định 20.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/hoang-anh-gia-lai-vi-pham-hop-dong-vay-va-trai-phieu-d495809.html