Hoàng Anh Nhân: Một đời cày cuốc trên cánh đồng văn hóa dân tộc
Trưa 2-3-2022 (tức ngày 30 tháng Giêng năm Nhâm Dần), nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân đã rời cõi tạm, hưởng thọ 88 tuổi. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm kịch bản, sưu tầm nghiên cứu, biên dịch. Ông là một trong số 3 nhà văn xứ Thanh nhận giải thưởng nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2016 với 2 tác phẩm: 'Cõi người qua tín ngưỡng Mường Trong' và 'Văn hóa giao duyên Mường Trong'.
Nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân tại lễ trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Lần nào đến thăm ông, tôi cũng nhìn thấy hình ảnh ông ngồi bên bàn làm việc, trước trang sách, cạnh kề cái đèn màu vàng. Mỗi một năm ông lại già thêm nhiều, tai ông cũng nghễnh ngãng hơn. Nhưng nụ cười hiền của ông đủ để những người bên cạnh cảm thấy dễ chịu, ấm áp.
Cuộc đời ông nhiều nỗi truân chuyên. Năm 1960 ông vào làm việc ở Ty Văn hóa (nay là Sở VH,TT&DL), sau đó được cử vào tỉnh Sông Bé đi xây dựng văn hóa, rồi trở ra Thanh Hóa thì được biệt phái sang Ban Dân tộc phụ trách văn hóa các dân tộc ít người. Chỗ nào vất vả nhất thì ông sang làm việc. Khi ấy ông chỉ mỉm cười: “Đừng gọi đó là truân chuyên, với tôi đó cũng là một phần của sự may mắn”.
Cũng nhờ vào duyên may ấy mà đến nay, nhà sưu tầm biên soạn Hoàng Anh Nhân đã có trong tay 47 đầu sách. Trong đó có 16 công trình sưu tầm nghiên cứu về văn hóa Mường. Tôi nhớ hình ảnh ông nhè nhẹ vuốt tóc và cười: “Cả mái tóc xanh gửi lại cho rừng, nên bây giờ phơ phơ đầu bạc”. Nhờ có những năm tháng ở trên rừng, với chiếc xe đạp cà tàng và mấy bộ quần áo lặn lội qua bản này, thung kia mà ông đã dấn thân vào con đường sưu tầm nghiên cứu.
Năm 1963, ông và nhà nghiên cứu văn hóa Minh Hiệu sưu tầm và cho ra mắt Truyện thơ Mường. Công trình nghiên cứu đầu tiên này là dấu ấn để bạn đọc và đồng nghiệp biết đến tên Hoàng Anh Nhân. Đến năm 1973, ông cùng nhà thơ Vương Anh sưu tầm, biên dịch bộ sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Kể từ đó, ông coi người Mường như phần máu thịt của mình. 2 cuốn sách nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân tâm đắc đó chính là Cõi người qua tín ngưỡng Mường Trong xuất bản năm 2008 và Văn hóa giao duyên Mường Trong xuất bản năm 2011. Đây cũng chính là hai cuốn sách ông đã vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2016.
Nhiều người chỉ nghĩ, tìm hiểu văn hóa dân gian là lượm lặt cái đã có sẵn, không bột khó gột nên hồ. Nhưng văn hóa dân gian là một thực thể sống, nảy sinh, tồn tại và phát triển gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng của quần chúng lao động. Chính vì thế ông đã phải lặn lội vất vả để người dân có thể nói hết được về văn hóa, về những giá trị truyền thống của họ. Ông thuyết phục họ bằng cách thâm nhập thực tế ở các cuộc lễ bái, tang ma, đồng thời học tiếng nói của người Mường để có thể tiếp xúc, trò chuyện thành thục.
Trong cuốn “Tuyển tập sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian Thanh Hóa” ông có viết: “Ngay từ nhỏ, tôi đã rất thuộc lời ru của bà: Phải lên cho đến trên Mường/ Mua cân sặng kiến cho nường (nàng) nhuộm răng. Một câu ca chỉ 14 chữ mà trầm tích trong đó bao tình ý: Có chàng trai nọ lên tận đất Mường xa xôi, lạ thung lạ thổ, ăn sương nằm đất, lội suối vượt đèo mua sặng kiến là thuốc nhuộm răng đen, làm đẹp cho người tình, còn cô gái cũng biết gìn giữ nâng niu áng tóc trữ tình, tuôn dài như suối để dâng hiến cho chàng trai. Chẳng gì thì “Răng đen đẹp một góc, tóc tốt đẹp nửa người”.
Cả đời ông cần mẫn làm việc. (Ảnh chụp năm 2019)
Hành trang sưu tầm nghiên cứu văn hóa Mường, Thái của ông chỉ một chiếc túi vải, vài bộ quần áo, dăm quyển vở, đôi dép cao su, cái mũ lá kẻ và chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi trên mọi vùng cư dân Mường - Thái và các dân tộc Dao - Mông - Khơ Mú ở vùng cao Thanh Hóa. Đến đâu ông cũng được bà con quý mến cưu mang, từ bát cơm độn sắn, độn ngô khi đói đến bát thuốc lá có lúc trái gió trở trời. “Dần dần bà con xem tôi như người nhà. Sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, tuy gian nan vất vả, nhưng con đường tôi đã đi là con đường tràn đầy tình nghĩa; tình nghĩa tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giúp tôi nhận thức được giá trị chân chính của văn hóa dân tộc”. Tất cả những ân tình ấy là động lực để ông làm việc.
Tôi còn nhớ, năm 2015, khi vừa ra mắt cuốn sách “Tuyển tập sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian Thanh Hóa”, tôi đã nói với ông: Sao bác không nghỉ ngơi đi. Ông chỉ nhỏ nhẹ nói: Một phần tôi muốn giúp anh em làm nghiên cứu trẻ, nếu tiếp cận với văn hóa dân tộc thiểu số thì nên theo hướng nào, cần tìm hiểu văn hóa dân gian ra sao. Đồng thời, cũng vì tôi lo lắng sẽ đến một ngày chính bản thân người Mường họ cũng lơ ngơ khi mặc bộ quần áo truyền thống, dùng trống hay chiêng, rồi quên hết cả những bài mo dài dằng dặc. Đã là người Mường thì không thể không biết đến Đẻ đất đẻ nước”.
Tôi biết, từng ngày ông miệt mài, gom nhặt, tập hợp văn hóa Mường, Thái rồi ngồi vào bàn viết và viết. Xưa kia người ta nói Bát thập đắc hi hỉ, còn ông, ông sợ tuổi già, già thì dễ bị phụ thuộc. Nên ông cố gắng không phụ thuộc bằng cách làm việc mỗi ngày. Ông không chỉ là con ong cần mẫn cả một đời đi tìm hoa để tạo mật. Ông còn là người thủy chung với công việc của mình. Bởi suy cho cùng chỉ có trang sách, chỉ có công việc thì mọi người mới nhớ đến ông.
Mà đã là người làm nghiên cứu văn hóa thì trăn trở, âu lo cũng là chuyện thường tình thôi. Thế mới có chuyện ngoài 85 tuổi mà còn viết rồi tự in gia công phát tặng bạn bè cuốn hồi ký với “mong muốn ghi lại những việc mình đã làm, để nói với con cháu mai sau về thế hệ cha ông họ sống và làm việc thế nào".
Tôi hỏi ông: Đây có phải nét tính cách của người Thanh Hóa không, quyết liệt đến cùng. Ông bảo: “Tôi là người Thanh Hóa, từng mạch máu của tôi là cái căn cơ của người xứ Thanh, cái thô ráp của người xứ Thanh và cái rành mạch đến tận cùng, yêu ra yêu, ghét ra ghét”.
Năm mươi năm viết bốn ngàn trang sách/ Một trang đời, gần thế kỷ chưa xong. Nếu điểm tên vài người trong cả nước về nghiên cứu văn hóa Mường, chắc chắn sẽ có tên Hoàng Anh Nhân. Tên tuổi ông đã vượt qua Dốc Xây, được đồng nghiệp chú ý và ngưỡng mộ. Văn hóa các tộc người đã từng là mỏ vàng để nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu, khai thác. Tuy nhiên, nó sẽ cạn kiệt nếu các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số hôm nay không biết giữ gìn quá khứ và làm đầy tương lai. Nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân lúc còn sống ông không ít lần buồn vì còn nhiều bản Mường ông chưa đến được, nhiều con người ông chưa chạm mặt, dù rằng những giá trị tinh hoa nhất thì ông đã gặt hái thành công.
Chuyến đi này, ông đi xa mãi mãi. Không biết bao lâu nữa, những bản làng Mường mới có người cần mẫn đi hết mọi ngóc ngách, biết đủ các bài mo. Bỏ qua hết mọi sân si của lẽ đời, lẽ người, ông chỉ chuyên tâm gom nhặt các giá trị văn hóa dân tộc. Tên tuổi của ông chính ở những tác phẩm mang thương hiệu Hoàng Anh Nhân