Hoàng hậu Vương quốc Bỉ thăm học sinh vùng cao Sa Pa
Trong 2 ngày (10 - 11/5), Hoàng hậu Vương quốc Bỉ Mathilde thăm và làm việc tại một số trường học tại thị xã Sa Pa với tư cách là Chủ tịch danh dự Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Bỉ.
Cùng đi với Hoàng hậu có đại diện Văn phòng Hoàng gia - Vương quốc Bỉ, Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam, UNICEF Bỉ và UNICEF Việt Nam.
Tại Trường Mầm non Hàm Rồng, Hoàng hậu Vương quốc Bỉ Mathilde đã tham gia một số hoạt động giáo dục về đổi mới công nghệ số; dự tiết học áp dụng thực tế ảo tăng cường. Đây là hoạt động góp phần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường trải nghiệm thực hành và thu hút học sinh.
Hoàng hậu Mathilde cũng đã dự tiết học về giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ; giao lưu với giáo viên và học sinh về tác động của tiếp cận giáo dục song ngữ dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại Trường Tiểu học Hàm Rồng.
Những năm qua, các em học sinh của hai trường đã được thầy - cô giáo chăm sóc, nuôi dưỡng và học tập theo chương trình của Bộ giáo dục và Đào tạo. Hai trường luôn đặt mục tiêu “Tất cả vì học sinh thân yêu”, đổi mới phương pháp dạy và học “lấy học sinh làm trung tâm”, liên tục nhiều năm liền đạt kết quả cao về chuyên cần và chất lượng học tập.
Trong dịp này, Đoàn công tác còn đi thăm mô hình thực hành dinh dưỡng tại thôn Lao Hàng Chải, xã Hoàng Liên, tham gia hướng dẫn nấu các bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ nhỏ sử dụng nguyên liệu sẵn có của địa phương; cùng giáo viên và học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Hầu Thào thảo luận về chủ đề sức khỏe tâm thần và các vấn đề mà học sinh quan tâm.
Tại chuyến thăm, Hoàng hậu Vương quốc Bỉ Mathilde bày tỏ vui mừng về cơ sở vật chất chăm sóc trẻ mầm non và chất lượng dạy và học của học sinh vùng cao Sa Pa. Hoàng hậu vui mừng khi thấy các hoạt động dự án của UNICEF trong thời gian qua được các sở, ban, ngành của tỉnh Lào Cai nói chung và thị xã Sa Pa nói riêng tích cực phối hợp, tham gia.
Hoàng hậu Mathilde cũng chia sẻ mong muốn sử dụng vai trò của mình là Chủ tịch danh dự UNICEF Bỉ để giúp tiếng nói của người yếu thế được lắng nghe, thúc đẩy đầu tư cho trẻ em, cho giáo dục mầm non.