Hoàng Liên Sơn và 'Tùy bút phê bình'
Xưa nay, tùy bút và phê bình là hai thể loại khác nhau. Tôi đã nhận đươc nhiều tác phẩm tùy bút và phê bình của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình gửi tặng, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhận được cuốn 'Tùy bút phê bình' (NXB Hội Nhà văn, 2023) của Hoàng Liên Sơn. Sự lạ! Nên tôi muốn đọc và đã đọc hết cuốn sách. Hoàng Liên Sơn viết về 15 gương mặt thơ: Phùng Cung; Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương; Nguyễn Thị Hồng; Phùng Văn Khai...
Cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh có lẽ là cuộc thi sáng tác văn học đầu tiên ở xứ ta dành cho những người viết trẻ do Báo Tiền phong và Trường Viết văn Nguyễn Du phối hợp tổ chức từ năm 1989 thời tôi làm Tổng biên tập. Tôi vừa làm Trưởng ban tổ chức vừa là Trưởng ban giám khảo với nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng trong ban giám khảo như Nguyên Ngọc; Trinh Đường, Lê Minh Khuê... Nhiều người đoạt giải Tác phẩm tuổi xanh nay là những nhà văn có tên tuổi như Nguyễn Thị Thu Huệ; Đỗ Bích Thúy, Phan Thị Vàng Anh...
Sau thành công của cuộc thi "Tác Phẩm Tuổi Xanh", năm 2001, Báo Tiền phong mở tiếp cuộc thi sáng tác văn học "Tầm nhìn thế kỷ" và Hoàng Liên Sơn được trao giải ba cuộc thi này với truyện ngắn "Ai chiếu đi". Tôi đâu ngờ Hoàng Liên Sơn rẽ vào con đường thơ và bây giờ còn viết phê bình thơ...
Trong bài giới thiệu cuốn "Tùy bút phê bình" của Hoàng Liên Sơn in ở trang đầu nhà văn Phùng Văn Khai ca ngợi Hoàng Liên Sơn hết lời: "Đã rất lâu, tôi mới đọc được một bản thảo phong quang và hấp dẫn, chặt chẽ và phóng khoáng, vừa ưu thời mẫn thế vừa thông bác hài hòa về thơ đến thế...".
Hoàng Liên Sơn muốn tìm cái "lạ" những gương mặt thơ in trong tập sách. Thực ra cái "lạ" trong thơ, ấy là tôi nói thơ đích thực phải là cái LẠ MÀ QUEN! Hay, tưởng quen mà lạ! Phùng Cung là một trong những gương mặt thơ trong cuốn "Tùy bút phê bình" của Hoàng Liên Sơn. Tôi đã đọc cuốn "Xem đêm" khi đang là bản thảo. Và, đã trích một chùm thơ của Phùng Cung trong tập thơ "Xem đêm" in trên tờ Tiền phong chủ nhật cách đây gần 20 năm, khi tập thơ chưa xuất bản. Số phận của người thơ Phùng Cung như câu thơ của ông viết về cánh bèo "...Dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh...". Hoàng Liên Sơn chọn đúng! Thơ Phùng Cung nhiều câu lạ, lạ mà hay, hay mà lạ...
...Mặt nước đầy căng
Sông chảy bồn chồn hoa nắng
Hoàng Liên Sơn bình hai câu thơ này của Phùng Cung: "Để cảm thụ được vẻ đẹp của những câu thơ này, bạn hãy làm một thí nghiệm: Rót nước từ từ vào một cái chén, khi tới miệng vẫn tiếp tục rót nhưng thật chậm. Rồi bạn sẽ thấy ở giữa chén nước vồng lên cao hơn miệng chén; đó là nhờ sức căng bề mặt của nước. Chữ "căng" trong câu thơ đã xuất hiện như vậy..." (trang 199). Rõ là cách bình cũng lạ!
Trong cuốn "Đổi mới, làm mới thơ" (NXB Hội Nhà văn, 2020) tôi đã viết về nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "...Theo tôi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là người làm mới thơ ở thời điểm giao mùa giữa thế hệ các nhà thơ sau 1975 và trước đó. Cho đến nay, còn nhiều tranh cãi nhưng rõ ràng là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có những đóng góp cho thơ ở thời điểm cần một cú hích cho sự phát triển mới qua tập thơ "Sự mất ngủ của lửa" (trang 7).
Hoàng Liên Sơn bình tập thơ "Sự mất ngủ của lửa" của Nguyễn Quang Thiều như sau: "...Ba mươi năm trước tôi nhìn vào tập thơ này như nhìn vào bức vách. Qua rất nhiều trải nghiệm của đời sống tôi mới đủ sức để "đọc hiểu" nó phần nào. Vậy mà Nguyễn Quang Thiều đã hoàn thành nó ở những năm đầu của tuổi ba mươi! Sự cách tân về hình thức trong thơ anh xuất phát từ đòi hỏi của nội dung mới, ý tưởng mới và tư duy mới, chứ không thuần túy chỉ là ngôi nhà cũ nhưng thay bằng lớp sơn mới".
"Ngọn lửa mất ngủ trong tiêu đề của tập thơ không phải là thứ lửa nuôi bằng củi và ô xy, mà là ngọn lửa "hỏa tâm" của chúng sinh cả hữu hình và vô hình đã thao thức, lo toan trước những biến đổi không ngừng của đời sống; trước lựa chọn buông cái này và giữ lấy cái kia" (trang 197). Hoàng Liên Sơn đã nắm bắt được ý tưởng sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và đa phần nội dung tập thơ "Sự mất ngủ của lửa".
Sinh thời, nhà phê bình Hoài Thanh trong cuốn "Thi nhân Việt Nam" mà tôi cho là đỉnh cao của những tác phẩm phê bình hiện đại chỉ mấy dòng ông đã lột tả được, nắm bắt được cái hồn cốt của nhà thơ và nội dung tập thơ mà ông nói đến: "Quyển ĐIÊU TÀN đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị... Cái thế giới lạ lùng và rùng rợn ấy, có ai ngờ ở trong tâm trí một cậu bé mười lăm, mười sáu tuổi. Cậu bé ấy đã khiến bao người ngạc nhiên. Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ hai mươi nó đứng sừng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn, lẻ loi và bí mật. Chúng ta, người đồng bằng, thỉnh thoảng trèo lên đó - có người trèo đuối sức - mà trầm ngâm và xem gạch rụng, nghe tiếng rên rỉ của ma Hời cũng hay nhưng triền miên trong đó không nên. Riêng tôi mỗi lần nấn ná trên đó quá lâu, đầu tôi choáng váng: không còn biết mình là người hay là ma. Và tôi sung sướng biết bao lúc thoát giấc mơ dữ dội, tôi trở xuống, thấy chim vẫn kêu, người ta vẫn hát, cuộc đời vẫn bình dị, trời xa vẫn xanh" (trang 199 và 203- "Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 1988).
Không phải chỉ là bình hay giảng, khen hay chê, Hoài Thanh đã nhập hồn mình vào tác phẩm. Ông sống cùng tác phẩm, cùng tác giả, cùng thời cuộc và đất nước. Và, người đọc không những hiểu, cảm nhận từ tác phầm, mà còn thấy mình đang cùng nhà phê bình, cùng khám phá sáng tạo ra những ý tưởng nghệ thuật mà có khi chính tác giả cũng chưa nghĩ đến!
Tôi thiển nghĩ rằng Hoàng Liên Sơn trong cuốn "Tùy bút phê bình" đang hướng đến điều này chăng?!
Thi sĩ Bùi Giáng sinh thời từng nói rằng: "Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn điều gì được... Muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ chỉ có thể làm một bài thơ khác. Người xưa am hiểu sự đó nên họ chỉ vịnh thơ chứ không bao giờ điên rồ mà luận bàn về thơ…".
Khi đã ở tuổi tri thiên mệnh tôi mới thấy điều ông nói không phải là không có lý!
Trong cuốn "Thi nhân Việt Nam" nhà phê bình Hoài Thanh cũng rất ít khi phân tích, giảng giải, mà chủ yếu ông chọn những bài thơ hay, trích những câu thơ hay để dâng hiến người đời... Tôi thấu hiểu sự này nên gần 30 năm đọc và tìm kiếm những câu thơ hay theo ý tôi để in cuốn "Những câu thơ hay Đông - Tây - Kim - Cổ" (NXB Giáo dục Việt Nam 2013).
Nhiều năm gần đây khi đọc những cuốn sách phê bình, những bài viết phê bình thơ đăng trên các báo tôi chú tâm xem người viết có trích được những câu thơ hay chứ không xem họ bình luận thế nào.
Trong cuốn "Tùy bút phê bình" của Hoàng Liên Sơn tôi cũng chú tâm điều này.
Bao quyền uy đã rớt xuống bùn
Những cơ bắp căng lên mãi mãi...
...Thời gian đổ kềnh trên đầu gối...
(Bài "Tượng đá cầm gươm" - Nguyễn Bình Phương).
...Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn-báu vật cố hương tôi
(Nguyễn Quang Thiều)
Trứng nhà ai rán
Thơm - mùi - thiếu mỡ...
(Bài "Nắng rươi")
...Những cuốn sách trên giá sách nhìn tôi
Tôi nhắm mắt lại
Chúng tôi lặng im thấu hiểu sự công bằng
(Bài "Dịu êm"- Trần Hùng)
Hoàng Liên Sơn đã tìm được nhiều câu thơ hay của nhiều nhà thơ mà tác giả viết về họ trong cuốn sách. Điều này không dễ! Chứng tỏ nhà thơ Hoàng Liên Sơn có am hiểu về thơ.
Chọn được những câu thơ hay, lạ mà hay là khó. Sinh thời Hoài Thanh theo tôi là người rất tinh tường trong việc chọn thơ, thẩm định thơ. Phạm Ngọc Cảnh; Trinh Đường sinh thời cũng là người tinh tường trong việc chọn thơ. Hiện nay có Vũ Quần Phương; Phạm Khải là hai nhà thơ và phê bình thơ theo tôi cũng khá tinh tường...
Tuy tự nhận mình là "...dân học toán, sau này lại làm kỹ thuật, nên tư duy tôi dù làm thơ vẫn rất nhiều "dính mắc"... Nhưng người thơ Hoàng Liên Sơn đã cố gắng góp một tiếng nói với giới phê bình thơ qua tập "Tùy bút phê bình" mà theo thiển nghĩ của tôi là Hoàng Liên Sơn mong muốn làm mới lĩnh vực mà hiện nay nhiều người vẫn đi theo lối mòn, đường cũ...!
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/hoang-lien-son-va-tuy-but-phe-binh-i707199/