Hoang mang vì bộ đồ dùng học tập loạn giá
Ngoài sách giáo khoa (SGK) chương trình giáo dục phổ thông mới có giá bán đắt gấp 2-3 lần so với sách hiện hành thì bộ đồ dùng học tập cũng có giá rất cao. Đó cũng là một khoản phí gây áp lực cho phụ huynh.
Một chất liệu nhiều loại giá
Trong danh mục sách SGK, thiết bị học tập tối thiểu lớp 3 gửi phụ huynh ban đầu của Trường tiểu học Hữu Hòa, huyện Thanh Trì (Hà Nội) năm học 2022-2023 có giá 717.000 đồng, trong đó bộ đồ dùng học tập, đồ dùng học sinh có giá 191.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Thu Quỳnh, có con học bậc tiểu học tại Hà Nội cho biết, năm nay chị đăng ký mua sách tại trường cho con, nếu tính riêng bộ SGK lớp 3 có giá 208.000 đồng, chưa kể sách Tiếng Anh, các loại bài tập. Trong khi đó, bộ đồ dùng học tập tối thiểu cũng có giá gần 200.000 đồng. “SGK đắt đã đành, các loại sách bài tập, bộ đồ dùng thiết bị học tập cũng có giá rất cao, đẩy giá bộ sách lên rất nhiều”, chị Quỳnh nói.
Nếu nhà có đến 3 con đều đi học, chỉ tính riêng tiền sách vở, đồ dùng học tập đã ngốn mất 2 triệu đồng, chưa kể sắm sửa quần áo, các khoản thu đầu năm", chị Nguyễn Thị Thu Quỳnh, Hà Nội nói.
Trên thị trường hiện nay, các bộ đồ dùng học tập cũng có giá khác nhau. Cụ thể, bộ đồ dùng học tập cho học sinh lớp 1 năm nay trong phần giới thiệu của các nhà sản xuất đều ghi là sản phẩm được làm từ chất liệu giấy cán platic gồm các thẻ số từ 0-9, 20 que tính, thẻ chữ in màu… nhưng có đơn vị bán giá thấp nhất là 145.000 đồng; cao nhất là 240.000 đồng.
Hay như Bộ thực hành môn Toán lớp 2 cùng trên một chất liệu giấy cán platic nhưng hiện có giá thấp nhất 150.000 đồng/bộ, bộ cao nhất lên tới 237.000 đồng/bộ. Tương tự, Bộ đồ dùng thực hành Toán lớp 3 cũng được các đơn vị cung ứng giới thiệu về các trường học với giá thấp nhất là 140.000 đồng/bộ; giá cao nhất là 194.000 đồng/bộ. Riêng các bộ nhựa cứng khác lại có giá "mềm" hơn rất nhiều.
Cô Nguyễn Thị Hà Trang, giáo viên nhiều năm dạy bậc tiểu học tại Hà Nội chia sẻ, bộ đồ dùng học tập của học sinh là rất cần thiết. Hằng năm, nhà trường đều có mua sắm bổ sung để giáo viên dạy học. Trên thị trường có nhiều bộ đồ dùng bằng chất liệu khác nhau tuy nhiên đều phải đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình và đảm bảo vệ sinh môi trường. “Do đó, cô giáo vẫn khuyên phụ huynh tùy theo điều kiện gia đình để mua sắm thiết bị cho con tuy nhiên không nhất thiết phải mua những bộ quá đắt, tránh lãng phí”, cô Hà Trang nói.
Phụ huynh bị lúng túng
Ông Ngũ Duy Anh, Chủ tịch Hiệp hội Thiết bị giáo dục Việt Nam cho biết, các bộ thiết bị học tập có giá khác nhau và đây không phải mặt hàng có quy định phải kê khai hoặc thẩm định giá. “Mỗi đơn vị sản xuất có chiến lược kinh doanh khác nhau, với quy mô, chi phí sản xuất khác nhau, mẫu mã, chất lượng, kích cỡ, chủng loại nguyên vật liệu cũng khác nhau dẫn đến giá thành khác nhau. Việc lựa chọn loại nào là quyền và nhu cầu của phụ huynh tuy nhiên khi thị trường có quá nhiều sản phẩm họ sẽ bị lúng túng”, ông Duy Anh nói.
Tuy nhiên, ông Ngũ Duy Anh cũng cho rằng, đây là những mặt hàng phục vụ đối tượng đặc biệt - học sinh do đó nên tìm cách giảm giá bán. Việc giảm thế nào thì cần một tổng thể các giải pháp từ các cơ quan quản lý nhà nước như đưa danh mục thiết bị dạy học vào kê khai giá. Các doanh nghiệp, công ty cung ứng cũng cần hướng tới tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm chi phí bán hàng…
“Riêng tại Hiệp hội Thiết bị giáo dục Việt Nam, thời gian tới sẽ có những chương trình vận động các đơn vị sản xuất giảm chiết khấu bán hàng cho các đơn vị cung ứng trong hiệp hội để giá bán của các đơn vị trong hiệp hội thấp hơn các đơn vị ngoài hiệp hội nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cũng như chia sẻ gánh nặng cho phụ huynh và học sinh”, ông nói.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư quy định danh mục thiết bị dạy học tối thiểu từ lớp 1 đến lớp 12 để các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương làm căn cứ mua sắm TBTH bằng ngân sách nhà nước cho các trường công lập.
Về bộ đồ dùng học tập (bút chì, tẩy, thước kẻ, compa,...) hiện nay trên thị trường có nhiều nhà sản xuất, mẫu mác và chất lượng phong phú, vì vậy phụ huynh có nhiều lựa chọn khác nhau, tùy theo nhu cầu của gia đình, tuy nhiên cũng không cần chạy theo xu hướng mua sắm những bộ thiết bị quá đắt, mà nên đảm bảo tính thiết thực, an toàn vệ sinh, phù hợp với khả năng kinh tế.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích các thầy cô giáo tự sáng tạo, làm các đồ dùng, thiết bị học tập các môn cho học sinh trong điều kiện kinh tế tại nhiều địa phương còn nhiều khó khăn hạn chế”, ông Trinh nói.
Về phía các doanh nghiệp, ông Mai Văn Trinh cho rằng, cần xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, là trách nhiệm chung toàn xã hội, do đó các nhà sản xuất cũng nên có giải pháp để hạ giá thành sản phẩm, giảm áp lực cho phụ huynh, học sinh.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, bên cạnh sách giáo khoa thì giá các bộ đồ dùng học tập của học sinh cũng cần được kê khai giá để đảm bảo không có những bộ giá quá cao gây áp lực cho phụ huynh.
Các chuyên gia cho rằng: Bộ GD&ĐT cần tổ chức rà soát để giảm nội dung không cần thiết quy định tại Thông tư 37/2021/TT-BGDĐT nhằm giúp các nhà sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu; giảm chi phí bán hàng đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo đưa các thiết bị dạy học tối thiểu vào diện công khai giá, kê khai giá để phụ huynh lựa chọn sản phẩm có chất lượng nhưng vẫn có giá phù hợp.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoang-mang-vi-bo-do-dung-hoc-tap-loan-gia-post1467579.tpo