'Hoàng Nhuận Cầm sống theo cảm xúc, để cảm xúc dẫn dắt và bị cảm xúc vắt kiệt'

'Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sống theo cảm xúc, để cảm xúc dẫn dắt và cũng bị cảm xúc vắt kiệt cả về thể xác và tinh thần' - Biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận xét.

Tôi biết tới nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khi cùng theo học tại Trường Đại học Tổng hợp. Khi đó, tôi mới chân ướt chân ráo bước vào Khoa Ngữ văn, còn anh đã là người rất nổi tiếng. Anh vừa từ chiến trường trở về và đã có những bài thơ mà gần như tất cả các sinh viên đều thuộc.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Sau này, khi cùng về làm việc chung tại Hãng phim truyện Việt Nam, tôi và anh có dịp tiếp xúc với nhau nhiều hơn. Chúng tôi còn đi cùng nhau trong các trại sáng tác. Anh Cầm có biệt tài xuất khẩu thành thơ. Anh vẽ chân dung mọi người bằng thơ. Những câu thơ của ông không chỉ hay còn đúng với tính cách và sự nghiệp của người đó.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng viết tặng tôi và chồng - biên kịch Lê Phương những câu thơ rất hài hước: "Đố ai định nghĩa được Nhã (ca)/ tình yêu cổ tích bỗng nở hoa/ một sớm mùa xuân 17 tuổi/ trông nghiêng đôi lúc giống như... bà" và: "Đố ai định nghĩa được Lê Phương/ tiếu ngạo giang hồ chẳng tính chương/ Mồm miệng chân tay đầu xuất chưởng/ Phòng văn bỗng chốc hóa sa trường".

Chất nghệ sĩ là tính cách nổi bật của thơ Hoàng Nhuận Cầm. Có thể coi anh là một nghệ sĩ bẩm sinh, cảm xúc dẫn anh đi tới đâu, anh đi tới đó. Thế nên ngoài làm thơ, khoái lên thì anh làm Bác sĩ Hoa Súng, vui thì đi diễn thuyết cho sinh viên, hoặc viết kịch bản phim. Anh sống theo cảm xúc, để cảm xúc dẫn dắt và cũng bị cảm xúc vắt kiệt cả về thể xác và tinh thần.

Có những lần đi diễn thuyết, ban đầu bước lên bục có khi anh nói thều thào, nói không ra hơi, nhưng khi thấy mọi người hưởng ứng là anh gào thét lên, trong khi phổi của anh rất yếu. Đã có lần khi đang diễn thuyết, anh Cầm đã ngất xỉu.

Điều rất lạ là một người bị cảm xúc dẫn dắt như thế nhưng lại viết nên những kịch bản phim rất xuất sắc như: Đêm hội Long Trì, Hà Nội - Mùa đông năm 1946 hay Mùi cỏ cháy. Theo tôi, điện ảnh là lĩnh vực đòi hỏi cao về lý tính. Thành công của Hoàng Nhuận Cầm là điều rất đặc biệt. Ở trong ông dường như luôn tồn tại những thứ rất ngược chiều, mâu thuẫn.

Trong lần gặp cuối cùng với nhà thờ Hoàng Nhuận Cầm, tôi thấy sức khỏe anh rất yếu. Có những lúc, anh nói không ra hơi. Ai thân thiết vơi anh đều biết, phổi của anh rất yếu trong khi anh lại hút thuốc rất nhiều. Hoàng Nhuận Cầm thích làm việc, thích được bận rộn và thích ném mình vào những lĩnh vực mà anh say mê, yêu thích.

Những năm cuối đời, anh gần như sống một mình, không có bàn tay phụ nữ chăm sóc. Tất cả những người phụ nữ đi qua cuộc đời của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đều rất xinh đẹp, tri thức và rất mê tính lãng tử của ông. Tuy nhiên, phụ nữ cũng có những thực tế riêng của họ. Điều họ mê nhất ở ông cũng là điều khiến họ rời xa ông.

Hoàng Nhuận Cầm là người không trói buộc mình về mặt cảm xúc. Ông không quan tâm lắm tới việc người khác có thích mình không. Cái ông thích, đó mới là điều quan trọng. Ông thả mình trong mọi cảm xúc mà ông có. Đây là người rất đặc biệt, có thể coi là một trong nhưng người tiêu biểu cho một thế hệ văn nghệ sĩ của Việt Nam.

Trịnh Thanh Nhã (Biên kịch)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/hoang-nhuan-cam-song-theo-cam-xuc-de-cam-xuc-dan-dat-va-bi-cam-xuc-vat-kiet-ar607720.html