Hoang phế công trình, tốn tiền ngân sách
Hàng ngàn căn hộ, nhà, đất công ở TPHCM đang bị bỏ hoang rồi xuống cấp nhưng không thể bán, cho thuê. Tuy nhiên, mỗi năm TPHCM phải tốn hàng chục tỷ đồng để quản lý, vận hành số nhà, đất bỏ hoang này.
Xây xong rồi bỏ hoang
Giai đoạn 2004 - 2007, TPHCM có chủ trương đầu tư xây dựng 30.000 căn hộ phục vụ công tác tái định cư trên địa bàn và 12.500 căn hộ phục vụ công tác tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Một số dự án có thời gian đầu tư kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm, chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách. Không có người ở thời gian dài làm công trình xuống cấp trầm trọng. Các hạng mục siêu thị, bệnh viện, trường học đã hoàn thành cũng không hoạt động được, gây lãng phí ngân sách.
Điển hình, Khu tái định cư Bình Khánh ở TP. Thủ Đức nằm trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích 38,4 ha và hàng chục block chung cư đồ sộ. Khu tái định cư lớn nhất TPHCM này có tới 12.500 căn hộ và được xây dựng hoàn thành từ năm 2015. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, nhiều block chung cư vẫn cửa đóng then cài và đang hoang phế.
Tương tự, Khu tái định cư Vĩnh Lộc B ở huyện Bình Chánh cũng đang trong cảnh hoang vắng. Với nguồn vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng cho 529 nền đất và 1.939 căn hộ, năm 2011 khu nhà ở này đã đưa vào hoạt động. Khu tái định cư Vĩnh Lộc B được xây dựng đồng bộ bằng nhiều công trình phụ trợ như siêu thị, khu thể thao, trường học… nhưng hầu hết các gia đình được phân về đây thuộc diện tái định cư ở đường Bùi Viện, kênh Tham Lương và một số chương trình chỉnh trang nội đô… đều không muốn về vì cho rằng cách quá xa trung tâm TPHCM.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, cần phải điều tra xã hội học trước khi thu hồi đất thực hiện các dự án, đồng thời khi hỗ trợ tái định cư phải có nhiều phương án để người dân lựa chọn. Việc điều tra xã hội học sẽ giúp cơ quan Nhà nước nắm được nhu cầu, hoàn cảnh, sinh kế, kể cả tâm tư, nguyện vọng của người có đất bị thu hồi, giúp cho việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được sát thực tế và phù hợp với nhu cầu của người dân, tránh tình trạng dư thừa nhà tái định cư như trong những năm gần đây.
Theo ông Đinh Thiên Tân, Trưởng phòng Quản lý vận hành, Sở Xây dựng TPHCM, hiện TPHCM có gần 9.000 căn hộ tái định cư chờ bố trí chỗ ở cho người dân bị giải tỏa tại các dự án. Trong số này, Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng quản lý gần 8.500 căn. Các căn hộ tái định cư nằm rải khắp các quận huyện, TP. Thủ Đức. Một số khu vực có số lượng căn hộ để trống lớn, như Khu tái định cư Bình Khánh còn hơn 5.300 căn, 320 căn ở quận 12, hơn 220 căn hộ tại chung cư Tân Mỹ quận 7, 470 căn hộ tái định cư tại quận Bình Thạnh... nhưng đều vắng người ở.
Ông Tân cho biết, do chưa có người ở nên các căn hộ này đóng cửa, niêm phong, không phát sinh chi phí duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, TPHCM phải chi trả phí quản lý vận hành cho ban quản trị các dự án. Hiện TPHCM tồn tại 39 dự án chung cư có các văn bản, thông báo của ban quản trị, ban quản lý, Công ty Dịch vụ Công ích đề nghị thanh toán chi phí quản lý vận hành các căn hộ bỏ trống do Trung tâm quản lý, với số tiền hơn 81 tỷ đồng.
Ông Tân cho biết, Quyết định số 2880/QĐ-UBND nêu rõ, chỉ ủy quyền cho người sử dụng căn hộ đối với các trường hợp đã được bố trí tái định cư, tạm cư hoặc ký hợp đồng thuê, thuê mua, mua trả góp căn hộ chung cư thuộc sở hữu Nhà nước được thay mặt đại diện chủ sở hữu để tham dự và thực hiện quyền biểu quyết tại hội nghị nhà chung cư nhằm thực hiện các nội dung được quy định tại Điều 102, Luật Nhà ở năm 2014. Tuy nhiên, hiện đơn vị này vẫn chưa được UBND TPHCM ủy quyền tham dự hội nghị nhà chung cư và tham gia Ban quản trị, nên Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng không thể tham dự với vai trò đại diện chủ sở hữu để bỏ phiếu bầu Ban quản trị nhà chung cư và thống nhất đơn giá quản lý vận hành nhà chung cư đối với các căn hộ trống tại chung cư do Trung tâm quản lý.
Đồng thời, Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng cũng chưa được giao chủ trương thanh toán chi phí quản lý vận hành cho Ban quản lý, Ban quản trị. “Giải pháp thuộc về quy định pháp luật nên hiện chúng tôi chỉ theo dõi, niêm phong và khóa cửa các căn hộ”, ông Tân nói. Hiện tại, Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng đã tổng hợp, báo cáo Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất UBND TPHCM ủy quyền cho Trung tâm tham dự hội nghị nhà chung cư, tham gia Ban quản trị, thanh toán các chi phí quản lý vận hành căn hộ trống do Trung tâm quản lý.
Lãng phí “Đất vàng”
Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng cũng đang quản lý 44 địa chỉ nhà đất công thuộc đối tượng theo Nghị định số 167. Trong đó 5 địa chỉ cho thuê, còn 39 địa chỉ khác bỏ trống. Ngoài ra, Ban chỉ đạo 167 đang trình UBND TPHCM giao Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng quản lý (đợt 1) 343 địa chỉ của quận, huyện và 68 địa chỉ của Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TPHCM. Theo kế hoạch, UBND TPHCM dự kiến giao Trung tâm tiếp nhận và quản lý vận hành hơn 1.000 địa chỉ nhà theo Nghị định số 167. Tuy nhiên, hiện không có cơ chế cho thuê nên nhiều địa chỉ nhà, đất không sử dụng dẫn đến lãng phí.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, Luật Quản lý sử dụng tài sản công không có quy định về việc UBND cấp tỉnh ban hành mức giá cho thuê tối thiểu đối với nhà, đất công phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Do đó, UBND TPHCM không có cơ sở ban hành biểu giá cho thuê nhà, đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Hiện Chính phủ đang xây dựng dự thảo nghị định về quy định việc quản lý sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho các tổ chức quản lý kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.
Ngoài ra, TPHCM cũng có hàng loạt khu đất vàng nhưng bỏ hoang hàng chục năm qua. Điển hình như dự án Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng với 4 mặt tiền đường Pasteur - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần - Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Dự án này đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008 và bắt đầu triển khai từ tháng 3/2010, với mức đầu tư công bố ban đầu là 988 tỷ đồng. Năm 2013, giá trị công trình đã tăng lên hơn 1.352 tỷ đồng. Đến năm 2016, vốn đầu tư khả thi của dự án đã lên tới hơn 1.953 tỷ đồng, gấp đôi so với ban đầu nhưng đến nay nơi đây chỉ là khu đất trống.
Đến cuối tháng 4/2024, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi có thông báo kết luận, dự án Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) sẽ bị thu hồi để chuyển sang đầu tư công, sau 10 năm trễ hẹn. Hiện các sở, ngành liên quan xem xét cơ sở pháp lý, rà soát công việc nhà đầu tư đã thực hiện, xác định chi phí để đàm phán, xử lý dứt điểm theo nguyên tắc hợp lý, hài hòa. Chủ trương đầu tư mới dự án theo phương thức đầu tư công, UBND TPHCM dự kiến sẽ trình HĐND TPHCM vào kỳ họp tháng 7, nguồn vốn được bố trí trong giai đoạn 2021 - 2025 và phấn đấu khởi công trước ngày 30/4/2025.
Ngay tại trung tâm quận 1 cũng đang có 26 khu “đất vàng” với tổng diện tích hàng chục nghìn mét vuông. Trong đó, 15 dự án để đất trống, 11 khu xây dựng dở dang. Các khu đất này đang gây thất thoát, lãng phí và làm xấu bộ mặt đô thị của TPHCM, như khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, lô “đất vàng” số 33 Nguyễn Du và 34 - 36 - 42 Chu Mạnh Trinh, khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn với 4 mặt tiền, dự án tòa tháp SJC nằm giữa khu tứ giác Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Trung Trực - Lê Lợi, khu đất rộng 9.000m2 là Thương xá Tax cũ bị phá dỡ năm 2016 ở góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi…
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, thời gian tới TPHCM tiếp tục vận dụng Nghị quyết 98 và Kết luận 14 của Bộ Chính trị để đề xuất tạm thời khai thác quỹ đất vàng, nhà đất công chưa sử dụng, sau khi trừ chi phí quản lý, nguồn thu sẽ bổ sung vào ngân sách.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoang-phe-cong-trinh-ton-tien-ngan-sach-post1638075.tpo