Hoàng phi Trinh Liệt tôn thần Lê Thị Ngọc Ân
Đền thờ Bà Am thuộc cụm di tích lịch sử văn hóa xã Tây Hồ (Thọ Xuân) cùng với đình làng Hội Hiền là loại hình di tích tổng hợp bao gồm lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Nơi đây thờ bà Lê Thị Ngọc Ân được nhà vua phong là 'Hoàng phi Trinh Liệt tôn thần'.
Theo một số tài liệu, Hoàng phi Trinh Liệt tôn thần Lê Thị Ngọc Ân (Bà Am) gắn liền cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh (1418-1427)
Sau khi cuộc khởi bùng nổ, phạm vi hoạt động của nghĩa quân chỉ dừng lại ở phạm vi vùng đất Lam Sơn, năm 1424 thực hiện kế sách của Nguyễn Chích, Lê Lợi quyết định đưa lực lượng nghĩa quân rời vùng căn cứ núi rừng ở Thanh Hóa tiến vào Nghệ An.
Trước khi rút vào Nghệ An, nghĩa quân tiến hành đánh nghi binh tại đồn Đa Căng, sau đó rút quân về phía Nam qua làng Biện Hiền (làng Hội Hiền say này). Tại đây, có một người con gái tuổi chưa đến đôi mươi tên Lê Thị Ngọc Ân, dẫn đường chỉ lối cho nghĩa quân rút chạy an toàn.
Nhờ mưu trí của cô gái này, nghĩa quân rút được vào vùng đất Nghệ An, từ đây nghĩa quân chiến thắng liên tiếp, rồi tiến ra Thăng Long hạ thành Đông Quan, chiến thắng ở Chi Lăng, Xương Giang… Sau khi lên ngôi hoàng đế, nhà vua về vùng đất Lam Sơn, ghé thăm người con gái làng Hội Hiền, có công lao to lớn giúp vua và nghĩa quân.
Tuy nhiên, do lâm bệnh bà Lê Thị Ngọc Ân đã mất, nhà vua thương xót lập đàn cúng tế, phong tặng bà là “Tá Thái tổ cao Hoàng đế, Khai quốc công thần Quốc mẫu Trinh Liệt hoàng phi Lê Thị Ngọc Ân”. Đồng thời hạ lệnh dân làng xây dựng đền thờ bà. Sau này, vì kiêng tên húy và duệ hiệu của bà, dân làng Hội Hiền gọi trật đi là Bà Am.
Ngôi đền thờ Bà Am ngày nay thuộc làng Hội Hiền, xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân. Vùng đất xưa kia có tên làng Biện Trạch, thuộc huyện Lôi Dương, trấn Thanh Hoa. Năm 1954, tách ba làng từ xã Thọ Long gồm: Làng Nam Thượng, Hội Hiền và Đống Nãi (xã Tây Hồ).
Trước đây, ở khu vực này có 3 ngôi đền thờ (đền thờ vua Lê Thái Tổ, đền thờ Hoàng hậu Lê Thái Tổ, đền Bà Am). Hiện nay, việc xác định niên đại xây dựng ngôi đền Bà Am chưa có tài liệu ghi chép cụ thể. Chỉ biết rằng, cứ đến ngày 27-9 âm lịch hàng năm (tương truyền là ngày mất của bà) người dân Hội Hiền lại tổ chức lễ hội chùa Am…
Đền thờ Bà Am cũng từng trở thành xưởng chế tạo vũ khí của vùng hậu phương trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, được Sư đoàn 330 sử dụng thành doanh trại Quân đội…
Đền thờ bị máy bay Pháp ném bom hư hỏng nặng, một số ngọc phả và sắc phong không còn nữa. Hiện nay, đền đã được xây dựng lại từ nguồn xã hội hóa.
Mặc dù bị tàn phá nặng nề trong hai cuộc kháng chiến, di tích đền thờ Bà Am vẫn còn những dấu tích vật chất đậm nét, toàn bộ nền móng khu di tích vẫn còn. Năm 1998, đền thờ được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.