Hoàng Su Phì mùa lúa chín

Từ bao đời nay, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì không chỉ mang những giá trị vật chất mà còn chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa. Ruộng bậc thang vừa nuôi sống con người, vừa là tác phẩm nghệ thuật của bao thế hệ người Dao, người Nùng, người La Chí… đã kỳ công xây đắp, tạo nên bằng chính bàn tay lao động cần cù và sáng tạo của mình. Giá trị văn hóa của ruộng bậc thang được thể hiện ở kinh nghiệm canh tác, tập quán sản xuất của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên mảnh đất miền Tây của tỉnh. Những thửa ruộng bậc thang còn là bức tranh mang vẻ đẹp hoang sơ trên nền không gian thiên nhiên hùng vĩ của núi đồi vùng cao, có giá trị phát triển du lịch.

“Bay trên mùa vàng” từ xã Nậm Ty xuống xã Thông Nguyên.

“Bay trên mùa vàng” từ xã Nậm Ty xuống xã Thông Nguyên.

Với tổng diện tích gần 800 ha, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì tập trung chủ yếu ở các xã: Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty. Những tầng tầng, lớp lớp ruộng bậc thang nơi đây đã làm say lòng bao lữ khách. Văn hóa canh tác trên ruộng bậc thang đã trở thành một phần không thể thiếu đối với những ai muốn tìm hiểu về đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Hoàng Su Phì. Với điều kiện sẵn có, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, huyện đã xây dựng nhiều làng văn hóa du lịch cộng đồng trên các tuyến du lịch tạo thành chuỗi liên kết. Với mong muốn, phát triển ruộng bậc thang Hoàng Su Phì trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Du khách tham gia “đẩy gậy” tại xã Thông Nguyên.

Du khách tham gia “đẩy gậy” tại xã Thông Nguyên.

Thời điểm lúa chín, du khách khắp nơi đến Hoàng Su Phì tham quan, ngắm cảnh, nghỉ dưỡng và khám phá những nét đẹp đặc sắc văn hóa đồng bào các dân tộc. Mặc dù, năm nay không tổ chức Tuần Văn hóa du lịch quy mô cấp huyện, nhưng Phòng Văn hóa Thông tin huyện phối hợp với UBND các xã luân phiên tổ chức để mời gọi, lưu giữ chân lữ khách thông qua các lễ hội văn hóa đặc sắc, như: Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông tại xã Tả Sử Choóng; Lễ hội Cúng cơm mới của người dân tộc La Chí ở xã Bản Phùng… Tại các xã, như: Pờ Ly Ngài, Bản Luốc, Thông Nguyên, Nậm Khòa, khi khách du lịch đến đây sẽ được những nghệ nhân dân gian tái hiện các lễ nghi, lễ thức của đồng bào dân tộc địa phương như: Lễ Nhảy lửa, Cấp sắc, múa rùa, hát giao duyên, trình diễn trang phục dân tộc…

Trò chơi kéo co tại xã Hồ Thầu thu hút đông đảo du khách trải nghiệm.

Trò chơi kéo co tại xã Hồ Thầu thu hút đông đảo du khách trải nghiệm.

Một trong những hoạt động thu hút đông khách du lịch là “Bay trên mùa vàng” Hoàng Su Phì, đây là hoạt động trải nghiệm kết hợp với thể thao mạo hiểm hấp dẫn nhất hiện nay. Môn dù lượn năm nay với khẩu hiệu “tất cả mọi người đều có thể bay được, hãy thử một lần để nhớ mãi”; cùng sự đồng hành của các hướng dẫn viên chuyên nghiệp đến từ Câu lạc bộ dù lượn Hà Nội, những ngày qua có gần 1.000 khách du lịch tham gia trải nghiệm. Chị Phạm Nguyễn Thiên Hương, (thành phố Hồ Chí Minh), cho biết: “Bay trên mùa vàng” thì thật sự không thể diễn tả nổi cảm xúc.

Đồng chí Nguyễn Việt Tuân, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện cho biết: “Mùa vàng năm nay, Hoàng Su Phì đã đón trên 20.000 lượt khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm.

Bài, ảnh: Phi Anh

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202010/hoang-su-phi-mua-lua-chin-766300/