Hoàng Su Phì phát triển chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị

BHG - Hoàng Su Phì là huyện vùng núi, trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân, hướng tới giảm nghèo bền vững, huyện đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững, từ đó phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững, các xã khó khăn ở huyện Hoàng Su Phì đã triển khai mô hình nuôi lợn đen bản địa liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Năm 2024 đã triển khai dự án tại 7 thôn của 4 xã Nậm Dịch, Tân Tiến, thị trấn Vinh Quang, Tụ Nhân với 18 hộ thụ hưởng. Bên cạnh khuyến khích người dân tham gia các chuỗi giá trị chăn nuôi, để chủ động đảm bảo nguồn cung ứng giống trong thực hiện các dự án theo Chương trình MTQG, huyện đã kết nối với một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) cung ứng giống cho nhân dân, giúp người dân được trực tiếp đến tận nơi cung ứng giống lựa chọn, đồng thời đảm bảo về giá và các yếu tố phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, nhằm giúp người dân yên tâm chăm sóc đàn vật nuôi, đảm bảo đầu ra ổn định cho các hộ gia đình, các HTX cũng khuyến khích các cơ sở chế biến thực phẩm tham gia vào chuỗi liên kết.

Mô hình nuôi lợn đen bản địa liên kết theo chuỗi giá trị tại thôn Pố Lũng, thị trấn Vinh Quang.

Mô hình nuôi lợn đen bản địa liên kết theo chuỗi giá trị tại thôn Pố Lũng, thị trấn Vinh Quang.

Cùng với phát triển chăn nuôi lợn đen thương phẩm, nuôi dê, nuôi ngựa theo chuỗi liên kết, nghề nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện cũng đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho các hộ dân sống gần khu vực lòng hồ thủy điện sông Chảy. Với mong muốn giúp người dân có thêm thu nhập, tăng giá trị sản suất nông nghiệp, khi được hỗ trợ kinh phí theo chương trình, anh Đặng Thái Sơn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ tổng hợp Hoàng Su Phì 889 đã liên kết cùng với 12 hộ dân tại thôn Bản Cậy, xã Tụ Nhân nuôi 24 lồng cá với tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng. Là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn, được hỗ trợ cá giống, vật tư để làm lồng nuôi theo chuỗi giá trị trên lòng hồ thủy điện Sông Chảy, gia đình anh Vương Văn Dơm, thôn Bản Cậy, xã Tụ Nhân chia sẻ: “Chúng tôi được dự án hỗ trợ 80% kinh phí, còn gia đình đóng góp đối ứng 20%, được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, ai cũng phấn khởi. Trong quá trình thực hiện, tôi còn được tham gia tập huấn kỹ thuật để nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoàng Su Phì, Hoàng Thị Thủy cho biết: “Giai đoạn 2021 - 2025 huyện đã phân bổ cho các xã, thị trấn trên 24 tỷ đồng, hỗ trợ các hộ dân thực hiện dự án phát triển sản xuất xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững. Trong đó, chú trọng phát triển các loại cây, con đặc trưng của địa phương, sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chí chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, nhằm tạo ra thu nhập cao, ổn định giúp các hộ nghèo, cận nghèo có sinh kế bền vững”.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện sông Chảy, xã Tụ Nhân.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện sông Chảy, xã Tụ Nhân.

Qua tham gia vào các chuỗi giá trị chăn nuôi đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các hộ dân trong sử dụng nguồn vốn để phát triển kinh tế. Nhờ đó, các hộ có con giống tốt, được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và nhất là được bao tiêu sản phẩm đầu ra, giúp người dân yên tâm tăng gia sản xuất. Quy trình kép kín từ đầu vào đến đầu ra cũng đang cho thấy triển vọng tích cực trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị ở các địa phương của huyện.

Bài, ảnh: Hoàng Dung (Hoàng Su Phì)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202406/hoang-su-phi-phat-trien-chan-nuoi-lien-ket-theo-chuoi-gia-tri-0aa05af/