Hoàng Su Phì xây dựng thương hiệu du lịch gắn với di sản ruộng bậc thang
Mảnh đất phía Tây của tỉnh - Hoàng Su Phì nổi tiếng với lớp lớp những thửa ruộng bậc thang bám theo các triền đồi mờ sương. Các thửa ruộng loang loáng nước như những mặt gương soi vào mùa nước đổ, hay thảm lúa chín vàng óng mượt trải dài đến tận chân trời tạo nên vẻ đẹp đầy mê hoặc. Không chỉ canh tác trên những thửa ruộng đã được công nhận di tích quốc gia, cấp ủy, chính quyền và người dân Hoàng Su Phì đang đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng tạo dựng thương hiệu gắn với di sản ruộng bậc thang.
Ruộng bậc thang là hình thức canh tác độc đáo của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh ta. Do không có đất canh tác, đồng bào các dân tộc đã chọn các sườn đồi, núi có đất màu, cuốc, ủi thành các tầng bậc để giữ nước và trồng lúa. Những thửa ruộng bậc thang với rất nhiều tầng, bậc được hình thành từ bàn tay khai phá của nhiều thế hệ và phải mất hàng trăm năm. Cũng từ phương thức canh tác độc đáo này đã sản sinh ra nhiều tín ngưỡng văn hóa nông nghiệp của các dân tộc sinh sống trên địa bàn, như: Tết Khu cù tê của dân tộc La Chí; Lễ hội Nhảy lửa, Cầu mùa của dân tộc Dao; Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Lễ cúng cơm mới của dân tộc Nùng; Lễ xin giống, đóng cửa kho của dân tộc La Chí… Các tín ngưỡng nông nghiệp này đã tạo nên kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc, thu hút du khách đến với Hoàng Su Phì.
Năm 2012, ruộng bậc thang tại 6 xã của Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận Di tích Quốc gia. Đến năm 2017, có thêm 5 xã được bổ sung vào danh sách ruộng bậc thang nằm trong vùng di sản. Đến nay, toàn huyện có 2.196,4 ha ruộng bậc thang trong vùng di sản được bảo vệ. Đây là những xã có danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang tiêu biểu, được xếp vào loại đẹp nhất Việt Nam với lịch sử trên dưới 300 năm, do đồng bào các dân tộc La Chí, Dao, Tày, Nùng… tạo nên bằng bàn tay lao động cần cù và óc sáng tạo của mình.
Những năm gần đây, không chỉ khuyến khích, vận động, hỗ trợ nông dân làm giàu trên những thửa ruộng bậc thang bằng các biện pháp, như: Đưa giống lúa mới năng suất cao vào sản xuất, trồng màu vụ Đông; cấp ủy, chính quyền huyện Hoàng Su Phì còn đẩy mạnh phát triển du lịch dựa trên tiềm năng sẵn có là Di tích Quốc gia Ruộng bậc thang. Năm 2017, UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030. Huyện định hướng xây dựng các loại hình du lịch và nhóm sản phẩm chính, hướng đến mục tiêu đón khoảng 110.000 lượt khách du lịch vào năm 2021, doanh thu đạt khoảng 260 tỷ đồng. Trong đó, bên cạnh các nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao giải trí, mạo hiểm thì nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, tham quan cảnh quan gắn liền với Di sản Ruộng bậc thang là một trong những sản phẩm được huyện đặc biệt chú trọng.
Theo đó, huyện sẽ từng bước xây dựng cụm du lịch sinh thái nông nghiệp tại các xã có diện tích ruộng bậc thang nằm trong vùng di tích, nhằm khai thác tối đa vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cấy lúa và nuôi cá Chép ruộng, vừa góp phần nâng cao thu nhập, vừa tạo thêm dịch vụ trải nghiệm cho du khách. Vận động nhân dân thực hiện sản xuất theo phương thức “5 cùng”, nhằm tạo cảnh quan đẹp, đặc biệt vào mùa lúa chín để thu hút du khách.
Cùng với việc chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, cấp ủy, chính quyền huyện cũng đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa thông qua hoạt động phục dựng, trình diễn các lễ hội truyền thống, đặc biệt lễ hội liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp. Với việc tổ chức thành công 5 mùa du lịch “Qua những miền di sản Ruộng bậc thang”, thương hiệu du lịch huyện Hoàng Su Phì đã, đang từng bước gây được tiếng vang trong cả nước, hứa hẹn những bước tiến dài của ngành du lịch huyện những năm tiếp theo.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG