Hoàng Su Phì xóa điểm trường, dồn lớp ghép
BHG - Huyện Hoàng Su Phì có 24/24 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số nên điều kiện dạy và học còn gặp rất nhiều khó khăn. Những năm qua, nhờ sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, ngành Giáo dục huyện Hoàng Su Phì đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là tăng cường cơ sở vật chất trường học, xóa phòng học mượn, học tạm và lớp ghép, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Điểm trường Coóc Coọc thuộc Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sán Sả Hồ, xã Sán Sả Hồ được thành lập từ những năm 2000. Điểm trường cách trường chính khoảng 5 km, do được xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất đã xuống cấp không bảo đảm điều kiện học tập và giảng dạy. Năm học 2024 - 2025, điểm trường Coóc Coọc được dồn ghép về trường chính của xã, có cơ sở vật chất, trang thiết bị và điều kiện dạy, học tốt hơn.
Cô giáo Trần Thị Tuyên, phụ trách dạy học tại điểm trường Coóc Coọc cho biết: Năm học 2023 - 2024, điểm trường có 3 lớp với 59 học sinh. Điểm trường ở thôn nên cha, mẹ đưa con em đến lớp rất thuận tiện và gần hơn so với đến trường trung tâm. Tuy nhiên, điểm trường nằm ở địa hình dốc cao, học sinh đi lại rất bất tiện và do đang ở độ tuổi hiếu động, việc quản lý học sinh gặp nhiều khó khăn. Năm học này, điểm trường Coóc Coọc được dồn ghép về trường chính, lớp học có đầy đủ chỗ ngồi để học sinh học tập, có đủ nước uống, nhà vệ sinh để các em yên tâm học tập.
Xã Thèn Chu Phìn là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Hoàng Su Phì. Dẫn chúng tôi thăm Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Thèn Chu Phìn, Hiệu trưởng Lê Thị Như Hoa cho biết: “Năm học 2024 – 2025, điểm trường Lùng Chin Thượng có 2 lớp với 23 học sinh được chuyển về học tại trường chính. Đây là một trong những trường còn khó khăn của huyện vì có điểm trường lẻ nằm ở vị trí cách trở, xa xôi, đường đi hiểm trở. Trước đây, nhiều điểm trường lẻ vẫn phải mượn tạm nhà sinh hoạt cộng đồng của các thôn để làm lớp học; phòng học tạm và ghép lớp, học sinh ngồi học chen chúc; trời nắng thì quá nóng, trời mưa thì thấm, dột khiến cả cô giáo và học sinh đều rất vất vả. Với điều kiện dạy và học như vậy nhưng các cô giáo vẫn kiên cường bám lớp, bám trường, không ngại gian khó, ngày ngày miệt mài ươm mầm tri thức cho học sinh vùng cao”.
Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Hoàng Su Phì cho biết: Việc dồn ghép điểm trường lẻ là hết sức cần thiết, qua đây sẽ tạo điều kiện cho các cháu được học tập trong môi trường tốt nhất. Xác định việc dồn ghép điểm lẻ là một trong những nhiệm vụ chính trị, do đó cần sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Sau khi dồn ghép các điểm lẻ, chất lượng giáo dục của Hoàng Su Phì nói chung tăng vượt bậc ở tất cả các cấp học.
Tính đến tháng 9.2024, huyện Hoàng Su Phì có tổng số 51 cơ sở giáo dục, so với cùng kỳ năm học 2023 - 2024 giảm 8 trường. Trong đó có 24 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 3 trường THCS, 20 trường tiểu học và THCS và 24 trung tâm học tập cộng đồng. Tổng số điểm trường là 17 điểm, giảm 6 điểm so với năm học 2023 - 2024. Trong đó, điểm trường chuyển toàn bộ học sinh từ điểm trường về học tại trường chính là 6 điểm/12 lớp/187 học sinh; điểm trường chuyển một phần học sinh là 4 điểm/5 lớp/52 học sinh. Tổng số học sinh chuyển từ điểm trường về học tại trường chính là 17 lớp/239 học sinh.
Trong thời gian tới, ngành Giáo dục huyện Hoàng Su Phì tiếp tục rà soát, sáp nhập các điểm trường, điều chỉnh quy mô lớp học cho phù hợp, bảo đảm bố trí đủ sĩ số học sinh/lớp của các cấp, bậc học theo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; giảm số lượng điểm trường lẻ, các lớp ghép ở cấp tiểu học và mầm non nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Thực hiện đưa tối đa học sinh từ lớp 3 ở cấp tiểu học ra trường chính để tạo điều kiện học sinh được học môn Tiếng Anh, Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông; đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các nhà trường đáp ứng yêu cầu dạy và học.