Hoàng thành sâu lắng ngàn xưa...
Thủ đô Hà Nội mang vẻ đẹp của một cô gái duyên thầm. Càng khám phá thì những bí ẩn càng không bao giờ vơi cạn. Đó chính là câu chuyện ở Hoàng thành Thăng Long. Hơn chục năm qua, các nhà khoa học đã dày công đi tìm 'pho sử xưa' trong lòng đất qua những cuộc khai quật khảo cổ. Mỗi cuộc khai quật lại cho chúng ta những bài học từ quá khứ, thêm tự hào về thế hệ ông cha và mở ra những kho tàng bí ẩn mới.
Văn hóa và phát triển
1. Không biết bao lần đặt bước đến Hoàng thành Thăng Long, nhưng lần nào, tôi cũng bồi hồi nghĩ đến giai điệu bài “Người Hà Nội” của một người Hà Nội tài hoa Nguyễn Đình Thi: “Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội...”. Hơn nghìn năm trước, vị minh quân Lý Thái Tổ đã chọn đất này định đô để “vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”. Những lâu đài, điện gác, đâu phải chỉ thể hiện quyền uy, mà còn thể hiện Đại Việt đang cường thịnh; những hoa văn phượng múa rồng bay cũng được gửi gắm khát vọng mãnh liệt về tinh thần độc lập, tự cường. Chính nơi các vương triều bao phen ra những quyết định gắn với vận mệnh dân tộc này, mới thực là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”.
Qua những lớp sóng phế hưng, lầu gác, đền đài đã vùi sâu trong lòng đất. Hai thế kỷ trước, Bà huyện Thanh Quan đề thơ: “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Hậu thế hôm nay, muốn hiểu về người xưa, phải mải miết tìm tòi trong cõi đất ấy. Phó Giáo sư Tống Trung Tín là nhà khoa học có thâm niên nhất với khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, trong vai trò Chủ nhiệm công trường. Mỗi lần giới thiệu về những hố khai quật, lại thấy ông tất bật, mắt rạng ngời, giọng hào sảng để dẫn người ta vào “mê cung” gạch ngói vỡ cổ xưa. Như sợ mọi người quên, ông nhấn nhá: “Các vị nên nhớ, khi UNESCO công nhận Hoàng thành là Di sản Văn hóa thế giới năm 2010, hồ sơ chúng ta làm mới là khu khảo cổ ở 18 phố Hoàng Diệu (rộng 22.000 m2) và một số kiến trúc nổi bên Thành cổ. Lúc ấy, chúng ta hầu như chưa biết gì về những giá trị dưới lòng đất Khu Di tích Thành cổ bên này. Thế mà thế giới đã phải khâm phục”. “Thành cổ bên này” là khu đất giới hạn bởi bốn tuyến đường: Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, nơi có các công trình: Kỳ đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên... Song, đó chỉ là dấu tích, hoặc những kiến trúc tương đối muộn. Dưới lòng đất, mới là những “trang sử bằng vật chất” độc đáo nhất, tinh túy nhất...
2. Những cuộc khai quật dần mở lối chúng ta về quá khứ. Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc bảo rằng, mỗi lần như thế, là một lần chúng ta bất ngờ và tự hào về cha ông. Thời Lý, những hệ móng cột khổng lồ, những bước gian rất lớn, những đầu rồng, đầu phượng đồ sộ... hay hào nước rộng có một không hai ở khu vực Đông - Nam Á đều nói lên rằng, ngay từ thời mới định đô, tại Hoàng thành đã được dựng nên những công trình thổ mộc kỳ vĩ. Dấu tích kiến trúc, mỹ thuật thời Trần là sự kế thừa đan xen đổi mới, mang đậm “hào khí Đông A”. Ở địa tầng văn hóa thời Trần, ở nhiều khu vực khác nhau, đều xuất hiện một “lớp cổ vật” khiến các nhà khoa học xúc động. Sáu, bảy trăm năm đã qua, mà vẫn còn đọng lại những lớp than tro. Giáo sư Lê Văn Lan khẳng định, đó là dấu ấn của những năm tháng binh lửa can qua, khi kinh thành bị tàn phá bởi giặc Nguyên - Mông.
Diện tích rộng, khu vực khai quật còn hạn chế; công trình của triều đại sau dù có kế thừa, nhưng vẫn chồng lên, phá vỡ kiến trúc triều đại trước, cho nên hiểu biết về không gian Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần vẫn là những mảnh vỡ rời rạc. Nhưng kiến trúc, không gian Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ, Lê Trung hưng đã dần sáng tỏ. Các đợt khai quật trong hai năm 2013, 2014 đã xác định được sân thiết triều thời Lê sơ, thời Lê Trung hưng cơ bản trùng với không gian từ Đoan Môn đến nền điện Kính Thiên bây giờ. Một sân thiết triều mênh mông, chỉ riêng bề ngang đã rộng tới 120 m có nhiều công trình kiến trúc, nhất là hành lang dài, đồ sộ bao quanh sân, tạo nên một sân thiết triều quy mô hàng đầu khu vực. Cùng với nơi thiết triều, nơi làm việc của các vị vua là những công trình có vai trò quan trọng nhất của Hoàng thành. Cuộc khai quật khảo cổ học năm 2019 tại khu vực phía sau nền điện Kính Thiên vừa qua đã cung cấp thêm nhiều thông tin giá trị. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Nội nhận định: “Theo các thư tịch cổ, bản đồ cổ thì sau khu chính điện Kính Thiên là khu điện Cần Chánh. Vậy nếu đúng dấu tích kiến trúc tìm được tại khu vực này là kiến trúc cổng thì đây là di tích đánh dấu khu vực kiến trúc quan trọng thứ hai trên trục Trung tâm: Đó là khu vực điện Cần Chánh, nơi làm việc của Hoàng đế và triều đình Lê Trung hưng”.
Nhưng điều làm chúng ta tự hào, không chỉ ở trình độ quy hoạch, quy mô của các công trình, mà còn ở sự độc đáo trong thẩm mỹ, tư duy qua các thời kỳ. Thời Lý, sự cầu kỳ, tinh tế thể hiện ở những chiếc lá đề, viên ngói, đầu rồng, đầu phượng... gốm đất nung. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng Nho giáo và Phật giáo trong mỹ thuật; đồng thời thể hiện tư tưởng độc lập về thẩm mỹ sau thời gian dài Bắc thuộc. Ở thời Lê, khi ghép các mảnh ngói hoàng lưu ly (gốm phủ men vàng), thanh lưu ly (gốm phủ men xanh lá cây), đầu, thân và đuôi rồng trên mái ngói... tìm được, các nhà khoa học đều nhất trí rằng, chưa kể trang trí trên đỉnh nóc, đầu đao, mỗi hàng ngói trong cung thời kỳ này đều có viên ngói diềm mái trang trí bằng đầu rồng, các viên ngói tiếp theo tạo thành thân rồng có vây mạnh mẽ, viên ngói áp mái đuôi rồng. Mái ngói sẽ là cả một “đàn rồng” và lấp lánh khi ánh nắng chiếu vào - một lối trang trí độc nhất vô nhị ở châu Á...
3. Mười năm trôi qua, kể từ khi Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản Văn hóa thế giới, chúng ta vẫn trên con đường làm rõ hơn những giá trị. Kết quả khảo cổ đã minh chứng, dù lịch sử thăng trầm, dù các triều đại hưng - phế, dù kiến trúc có những xáo trộn, thì chưa kể thời Tiền Thăng Long (thành Đại La, dưới chế độ Bắc thuộc), các triều đại thời độc lập đã giữ nguyên vị trí đặt trung tâm quyền lực quốc gia tại chính nơi này liên tục gần tám thế kỷ, kể từ khi Lý Thái Tổ định đô và kết thúc khi Vua Quang Trung định đô tại Phú Xuân. Đó không chỉ là “pho sử bằng vật chất”, mà còn giúp hậu thế hiểu rõ thêm về trí tuệ của tiền nhân trong quy hoạch, tổ chức không gian; hiểu rõ hơn lịch sử kiến trúc, mỹ thuật ở tầm tinh hoa suốt chặng đường dài của dân tộc. Khảo sát công trường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nói đến một khía cạnh mà chưa nhiều người để ý: “Kết quả khai quật để lại bài học quan trọng cho việc xây dựng đô thị hôm nay. Từ thời Lý, đường thoát nước đã có kích cỡ rộng 2 m, sâu 2 m. Cống thoát nước thời Lê Trung hưng nhỏ hơn, nhưng cũng rất quy mô, nắp cống bằng đá tảng, một chiều rộng hơn 1 m, một chiều hơn 0,6 m. Tất cả các công trình từ kiến trúc nổi, cho đến đường nước đều tuân thủ chặt chẽ theo hai trục bắc - nam, hoặc đông - tây. Đây là hệ thống kiến trúc được sắp xếp hết sức quy củ”.
Thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO, các nhà khoa học đồng thời phải thực hiện hai nhiệm vụ: tiếp tục khai quật để khám phá, bảo tồn và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long. Chỉ riêng diện tích Khu Di tích Thành cổ đã lên tới gần 14 ha. Nhưng mới chỉ khai quật được khoảng 6 - 7% diện tích. Phó Giáo sư Tống Trung Tín trăn trở: “Mỗi năm, chúng tôi khai quật chừng 1.000 m2. Chẳng biết thế hệ kế cận có đủ khả năng để hiểu hết về Hoàng thành không? Hay phải đợi thêm thế hệ nữa?”. Vừa khai quật, vừa phải dần tổng kết, để hình thành diện mạo Hoàng thành Thăng Long qua các đời. Bởi thế, phải tìm hướng khai quật một cách phù hợp nhất. Tiến sĩ Bùi Minh Trí (Viện Nghiên cứu kinh thành) đề xuất, Hà Nội sớm kết nối tư liệu để hình thành bản đồ cho từng thời kỳ. Chẳng hạn, về thời Lý, chúng ta tập hợp tất cả những dữ liệu thu được về thời này để dựng bản đồ. Tương tự như thế là thời Trần, thời Lê. Việc phân lớp sẽ khắc phục khó khăn trong hình dung diện mạo Thăng Long khi mỗi hố đào luôn chồng lấp nhiều thời kỳ khác nhau. Nhiều chuyên gia thống nhất đề xuất với TP Hà Nội, nên tập trung làm rõ hơn không gian điện Kính Thiên, đồng thời, mở rộng khu vực khai quật của năm 2019, để hiểu rõ hơn không gian điện Cần Chánh thời Lê - hai không gian quan trọng bậc nhất của Hoàng thành thời kỳ này, cũng như để làm rõ hơn những không gian của các triều đại trước đó.
Cùng với đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình giáo dục di sản, giới thiệu di sản Hoàng thành bằng những ứng dụng thông minh của thời đại công nghệ. Hằng năm, đã có hàng trăm nghìn lượt người đến tham quan, học tập tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long. Nhưng chặng đường vẫn còn rất dài. Cái người dân mong mỏi, là được nhìn thấy một Hoàng thành Thăng Long “bằng xương, bằng thịt” chứ không phải hình dung qua những hố đào. Tư liệu về điện Kính Thiên thời Lê và không gian phụ cận đã từng bước sáng tỏ. Đó là cơ sở để dư luận, giới khoa học chờ mong, sẽ sớm được thấy lầu gác Hoàng cung qua triển khai phục dựng điện Kính Thiên.
Đến Hoàng thành Thăng Long, ngay khi vội vã, tôi vẫn dặn mình bước chân chậm lại. Vì ở mảnh đất thiêng này, ngay dưới bước chân mình, chỉ vài nhát cuốc sâu là đã chạm vào quá khứ. Ở đó, có tiếng vọng ngàn năm của các bậc tiền nhân...
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/44127202-hoang-thanh-sau-lang-ngan-xua.html